Về vùng "giải tỏa trắng" Hòa Liên

Thứ tư, 20/12/2017 09:24

Những ngày này, Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) đang trở thành "đại công trường" của Đà Nẵng với hàng loạt dự án lớn nhỏ. Từ đồi núi, ruộng đồng, Hòa Liên đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành các khu công nghệ, đô thị. Trong cơn biến chuyển ấy, dẫu còn những ngổn ngang, song một diện mạo đô thị công nghệ khang trang phía tây bắc Đà Nẵng đang dần lên hình hài.

Ông Hái bên ngôi nhà của mình.

Đại công trường

Với lợi thế cửa ngõ phía tây bắc TP, Hòa Liên được lựa chọn để đầu tư, triển khai nhiều dự án trọng tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng. Có thể kể đến các dự án mang tính động lực như khu Công nghệ cao, khu đô thị công nghệ thông tin, khu đô thị sinh thái Quan Nam- Thủy Tú, cao tốc La Sơn - Túy Loan... Những dự án đầu tàu này sẽ kết nối với cảng nước sâu Liên Chiểu, ga hàng hóa Đà Nẵng mới tạo nên trọng điểm kinh tế, liên thông các khu kinh tế từ Huế đến Quảng Ngãi. Đặc biệt, khi các dự án trọng điểm này xây dựng tại Hòa Liên kéo theo hàng ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa, hàng chục khu tái định cư mọc lên, ruộng đồng thành khu đô thị, đồi núi thành khu công nghệ,  diện mạo Hòa Liên thay đổi nhanh không ngờ. Phó Chủ tịch xã Hòa Liên Ngô Thành Tâm nói, trên địa bàn xã hiện có 34 dự án đã và đang triển khai, là một trong các địa phương gần như "giải tỏa trắng" của Đà Nẵng. Phần lớn người dân khi thực hiện giải tỏa đền bù đều đồng thuận di dời, cuộc sống mới thay đổi tích cực. Nếu vài năm trước Hòa Liên còn ruộng đồng, lác đác những nóc nhà, lùm cây, đường sá nhỏ hẹp, nhếch nhác thì nay cả Hòa Liên như được "xới tung" để kiến thiết thành những khu đô thị mới với nhà cửa, đường sá ngang dọc, rộng rãi.

Ông Nguyễn Văn Luân (58 tuổi, khu TĐC Hòa Liên 4) kể, trước đây nhà ở thôn Quan Nam 5, bên cánh đồng thấp trũng, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa thì ngập lụt, ô nhiễm, cuộc sống rất vất vả. Từ năm 2015, ông Luân di dời bàn giao mặt bằng cho TP để thực hiện dự án khu đô thị Quan Nam- Thủy Tú. Lên khu TĐC Hòa Liên 4, ông Luân mở cửa hàng tạp hóa, việc buôn bán thuận lợi, thu nhập ổn định. "Mình di dời sớm sẽ ổn định cuộc sống sớm. Lên đây đường sá rộng rãi, người dân đông đúc, không phải lo cảnh ngập úng, ô nhiễm như trước nữa"- ông Luân chia sẻ. Nhiều hộ dân khác cũng cho biết môi trường sống đã thay đổi tích cực hơn so với trước. Họ đã bắt nhịp và quen dần với cuộc sống đô thị, đồng thời cảm thấy vui mừng với sự thay da đổi thịt của quê hương.

 Dự án triển khai tới một số hộ dân chây ì thì dừng lại. 

Còn đó những ngổn ngang

Lên Hòa Liên những ngày này sẽ chứng kiến không khí hối hả của một "đại công trường". Nhiều công trình, phố xá, nhà cửa mới được xây dựng, khiến Hòa Liên đang chuyển mình "khoác áo mới". Tuy vậy, theo lãnh đạo H. Hòa Vang, đằng sau diện mạo ấy vẫn còn những ngổn ngang, đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng chậm, dẫn tới các dự án dở dang. Ông Đặng Phú Hành- Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cho biết, phần lớn người dân chấp hành di giời giải tỏa giao mặt bằng cho TP phục vụ triển khai các dự án, tuy nhiên còn một số hộ dân cố tình chây ì, kéo dài, đòi hỏi vượt mức qui định. Đơn cử như dự án khu đô thị Quan Nam- Thủy Tú có 175ha tại Hòa Liên, với gần 2700 hồ sơ đền bù giải tỏa, đến nay phần lớn người dân đã giao mặt bằng (167ha), chỉ còn một số ít hộ dân không chấp hành. Những hộ dân này chây ì, đòi hỏi quyền lợi quá mức qui định. Nổi bật như hộ ông Nguyễn Văn Hái (Quan Nam 5) có 400m2 đất ở và hơn 1.400m2 đất vườn, đã được bồi thường gần 1 tỷ đồng và 6 lô đất chính đường 7,5m, 2 lô đất chính đường 5,5m, mức đền bù như vậy đã ưu ái rất nhiều, song ông Hái đòi hỏi phải đền bù 10 lô đất đường 7,5m. Tương tự nhà ông Võ Ngọc Tuấn (Quan Nam 6) có 200m2 nhà, hơn 800m2 vườn được đền bù 2 lô đất chính đường 7,5m, 2 lô đường 5,5m, mức đền bù như vậy so với qui định đã ưu ái nhiều song ông Tuấn đòi hỏi bố trí 6 lô đất TĐC.

Ông Đặng Phú Hành nói, việc bố trí đất TĐC phải theo phương án, qui định, chứ không thể theo đòi hỏi của các hộ dân. Nếu TP chấp thuận thì sẽ không công bằng với các hộ dân đã giải tỏa đi trước. Một số ít hộ dân chây ì như ông Hái, ông Tuấn, đòi hỏi vượt qui định, địa phương đã giải thích, thuyết phục nhiều lần. Nếu tiếp tục chây ì kéo dài, chậm giao mặt bằng, dẫn tới chậm trễ triển khai dự án thì đề nghị TP có giải pháp mạnh theo qui định, như cưỡng chế. "Hòa Vang có hàng trăm dự án, hàng ngàn người dân diện giải tỏa, tất cả phải theo qui định chứ đâu phải vì một vài cá nhân đòi hỏi quá đáng, gây cản trở, dẫn đến chậm trễ. Nếu ai cũng như các hộ dân này thì tiến độ giải phóng mặt bằng không cách gì hoàn thành nhiệm vụ TP giao được"- ông Hành nói.

Để thực hiện các công trình, dự án động lực, góp phần thay đổi diện mạo đô thị TP đòi hỏi sự đồng thuận trong nhận thức, hành động của mỗi người dân. Trong lúc phần lớn người dân có ý thức chấp hành tốt, thực hiện di dời, giải tỏa để TP có mặt bằng triển khai các dự án vì sự phát triển chung, thì vẫn còn một vài hộ dân chây ì, đòi hỏi vượt phương án qui định, gây cản trở chung. Hòa Liên đang là "đại công trường", là tâm điểm xây dựng, phát triển đô thị phía tây bắc TP, quá trình ấy không thể để chậm chễ bởi sự cản trở của số ít hộ dân thiếu thiện chí. Các dự án dang dở, thiếu đồng bộ và kết nối làm ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của phần lớn người dân cũng bởi vướng giải tỏa, khi dự án làm tới một số hộ dân chây ì thì phải dừng lại. TP cũng cần có giải pháp quyết liệt, không thể để tình trạng này kéo dài.

Một góc dự án Quan Nam- Thủy Tú trên nền ruộng đồng của người dân Hòa Liên.

HẢI QUỲNH