Về Yến Nê, nhớ thương nghề đan lát!

Thứ năm, 15/08/2019 11:04

Tôi không có ý "thương vay, khóc mướn" về sự lụi tàn của một làng nghề từng một thời tấp nập khách đến đặt mua hàng. Chỉ là, trong lúc rong ruổi về Yến Nê (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) tìm nhân vật viết bài, bị người phụ nữ sắp bước vào tuổi 60 thui thủi đan lát bên hiên nhà khước từ không muốn kể chuyện nghề, chợt nghe lòng đắng đót, nhớ thương cho một làng nghề có nguy cơ đi vào dĩ vãng!

Bà Hiên Nhơn giữ lửa với nghề.

"Hỏi làm chi? Bữa ni, mấy ai còn dùng đồ tre đan lát này nữa mà hỏi. Hôm trước, cũng có mấy người quay phim về đây hỏi chuyện nghề nhưng tôi không nói!"- nói đến đây, người phụ nữ ấy bỏ đi vào trong nhà. Đây không phải là lần đầu tiên bị nhân vật thẳng thừng từ chối tiếp chuyện, nên tôi cùng cô bạn đồng nghiệp không lấy làm buồn, kiên nhẫn ngồi chờ. Có lẽ, áy náy về thái độ của mình, một lát sau, người phụ nữ đó trở lại mái hiên, buông tiếng thở dài...

Bà tên là Nguyễn Thị Hiên (58 tuổi), nhưng người làng Yến Nê quen gọi là Hiên Nhơn (ghép tên mẹ). Nghe nói, mẹ bà là một trong những người đan lát nổi tiếng ở làng này. Bà tập tành nghề đan lát từ năm 10-12 tuổi. Trong nhà, giờ chỉ còn mỗi bà theo nghề truyền thống này. "Hai nghề chính ở Yến Nê là nghề nông và nghề đan lát. Thời còn hưng thịnh, nhà nào cũng đan lát. Nhà thì đan rổ rá, nhà thì đan mủng, nia, dần, sàng, sịa... Phần lớn khách đặt mua hàng là tiểu thương ở các chợ Đà Nẵng; có một số khách hàng ở Phong Thử (Điện Bàn, Quảng Nam). Từ ngày đồ nhựa "lên ngôi", ngoại trừ những người bán bưng ngoài chợ và những người làm thì chẳng mấy ai còn dùng đồ đan lát làm từ tre này nữa. Làng nghề mai một dần từ đó..."- bà Hiên Nhơn ngậm ngùi nhớ về thời kỳ làng nghề còn hưng thịnh.

Qua bà được biết, số người "giữ lửa" với nghề đan lát ở Yến Nê hiện đếm chưa đến năm đầu ngón tay và đều lớn tuổi. Ngay như nhà cụ bà Chính- Đức nổi tiếng nhất nhì làng nghề này cũng đã "giải nghệ" cách đây 2 năm. "Hồi ông Chính còn sống, mỗi lần nhà đài về quay cảnh làng nghề truyền thống đều chọn ông cụ làm nhân vật  mẫu. Từ dạo ông mất, bà cụ cũng bỏ luôn nghề đan lát"- bà Hiên Nhơn cho biết. Nghe hàng xóm nhắc chuyện xưa, bà cụ Nguyễn Thị Đức (81 tuổi, vợ ông Chính) bỗng nhớ nghề, trải lòng tâm sự: "Hồi ông ấy còn sống, không chỉ đan lát bán cho bạn hàng ở Đà Nẵng, ở Phong Thử, vợ chồng tui còn nhận đơn đặt hàng của trường mầm non làm rổ tre để làm đồ dùng học tập cho học sinh. Tui đan thì  bình thường thôi, ông ấy mới là người đan đẹp, đan khéo. Từ dạo ổng mất, tui bỏ luôn không làm nữa. Phần thì đã già, con cái lớn khôn hết, lại không có đứa nào theo cái nghề lắm công phu, nhưng tiền kiếm được lại rất ít này. Phần thì giờ chẳng mấy ai còn dùng đồ đan lát làm bằng tre nữa, đan làm chi cho nhọc công sức?".

Bà cụ Hai Chung đã 75 tuổi vẫn đau đáu với nghề!  Ảnh: P.T

Nghe cụ Đức, bà Hiên Nhơn kể các công đoạn để làm nên những sản phẩm bằng tre này mà thấy thương cho sự chịu thương, chịu khó của những người đang cố "giữ lửa" nghề đan lát ở Yến Nê. Từ việc đốn, chẻ tre đến vót, chuốt thành cọng nan tre trơn láng, làm vành, đem phơi khô, sau đó mới bắt tay vào đan, lặn nứt vành..., công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, mất nhiều công sức. Thế nhưng, tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Như bà Hiên Nhơn, trừ những lúc không ra đồng làm ruộng, mỗi tháng làm được 30 cái mủng đựng trái cây, giá mỗi chiếc chỉ có 20.000 đồng. Trừ chi phí mua tre (cây dài 20.000 đồng, cây ngắn 15.000 đồng), cước, lời lãi chẳng còn là bao, chủ yếu lấy công làm lời...  

Trong số người ít ỏi còn giữ lửa với nghề đan lát truyền thống ở Yến Nê, có lẽ vợ chồng cụ bà Hai Chung (Nguyễn Thị Chung, 75 tuổi), Võ Sáu (82 tuổi) là lớn tuổi nhất. Thuộc lớp người "xưa nay hiếm" nên với ông bà Hai Chung, đan lát chỉ để đỡ buồn tay, buồn chân và đỡ nhớ nghề! Không nhớ sao được, khi 8 người con của ông bà khôn lớn, trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định (có 3 người học hết ĐH) đều trông nhờ vào mấy sào ruộng và nghề đan lát này. Cụ bà Hai Chung cho biết, 10 tuổi đã biết phụ giúp cha mẹ đan lát. Đến lúc lập gia đình, bà vẫn theo nghề này. Những lúc nông nhàn, bà thường gánh những sản phẩm do chính vợ chồng làm ra xuống Đà Nẵng bán. Khi đã có tuổi thì chủ yếu ở nhà làm, bạn hàng đến nhà lấy... Thương cha mẹ một đời vất vả vì mình, tất cả các con không cho ông bà làm nghề đan lát này nữa. "Sấp nhỏ bảo cha mẹ già rồi, đừng lui cui, lụi cụi đan lát, chỉ cực thân già. Các con hỗ trợ tiền sinh hoạt, sắm sửa vật dụng cần thiết cho cha mẹ; ốm đau chúng lo hết. Nhưng ngồi không chẳng làm chi thì buồn tay, buồn chân nên vợ chồng tui giấu chúng, đan lát cho vui. Hồi còn sức khỏe thì đan rổ, mủng, thúng; giờ chỉ đan trẹt thôi. Mỗi cái bán sỉ 18.000 đồng, một tháng 2 lần bạn hàng đến lấy, mỗi lần chừng 50 cái. Vị chi cả tháng chỉ được 1,8 triệu đồng, đáng là bao so với công sức bỏ ra". "Lỡ các anh chị phát hiện thì sao ạ?"- chúng tôi tò mò hỏi. "8 đứa đều lập gia đình, ra ở riêng hết; lại bận công ăn việc làm nên hàng ngày chỉ ghé nhà thăm nom thôi. Thường thì chiều tối hoặc trưa mới ghé về. Mỗi lần đan xong được cái nào, vợ chồng tui đem giấu sau nhà, không cho chúng biết. Lỡ không may để chúng biết thì nói trớ đan vài cái để dùng thôi..."- vợ chồng cụ Hai Chung tủm tỉm, "bật mí" thêm...

Trong cái nắng hanh hao một chiều đầu thu, ngồi bên mái hiên lắng nghe những người già ở Yến Nê ngậm ngùi nhớ thương về thời hưng thịnh của làng nghề, không hiểu sao tôi bỗng thấy có lỗi khi vô tình chạm vào sự bất lực của những người đang cố "sống chết" giữ nghề, nhưng chẳng thể làm cho làng nghề "sống" lại được như xưa! Trong sự nỗ lực cố giữ gìn, tìm cách phát huy, khôi phục các giá trị tốt đẹp của làng nghề, người dân Yến Nê cũng hiểu rằng, phải biết thích nghi của thời cuộc. Bởi đó là xu thế tất yếu của cuộc sống thời công nghệ số. Cảm nhận được sự chấp nhận đó của những con người chân chất này, nên tôi chỉ còn biết cầu mong, sự nỗ lực "giữ lửa" với nghề ấy sẽ được hồi đáp. Biết đâu, trong bối cảnh toàn cầu đang báo động về ô nhiễm môi trường, về tác hại của rác thải nhựa, sự tìm về với những vật dụng làm từ tre nứa thiên nhiên nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống, sẽ là cơ hội để những làng nghề như Yến Nê có cơ hội hồi sinh!?

P.THỦY