Vì một tương lai không rác thải nhựa

Thứ hai, 30/09/2019 13:13

Ngày 28-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh  tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Tọa đàm "Chung tay Vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông" do Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT TP Đà Nẵng tổ chức.

Sự kiện là cơ hội để các cấp ngành trung ương và địa phương trao đổi, chia sẻ góc nhìn từ quản lý về giảm thiểu rác thải nhựa - xây dựng kế hoạch hành động tại địa phương và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến xanh về tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, chung tay tuyên truyền cùng hành động, xây dựng một xã hội không rác thải nhựa trong tương lai...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bộ TN&MT và các ban ngành tham gia lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019".

Áp lực lớn về rác thải

Theo ông Lê Trung Chinh, hưởng ứng thực hiện phong trào "chống rác thải nhựa" do Bộ TN&MT phát động, từ quý 3-2018, thành phố đã chỉ đạo, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai. Đến nay, phong trào bước đầu đã có nhiều hoạt động, hình thức tiêu biểu, đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân. Đáng nói, đã có những doanh nghiệp tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp.

Ông Chinh thông tin: Hiện tại, mỗi ngày Đà Nẵng có hơn 1.100 tấn rác thải được thu gom và xử lý chôn lấp vệ sinh. Dự kiến, giai đoạn 2020-2025 lượng rác sẽ đạt đến ngưỡng 1.800 tấn/ngày và giai đoạn 2025- 2030 là hơn 2.400 tấn/ngày. Lượng rác thải này cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật công tác thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn của thành phố thời gian qua có chiều hướng suy giảm, chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. "Buổi tọa đàm hôm nay là cơ hội quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, truyền thông chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận để xây dựng các định hướng, giải pháp cụ thể, hữu ích nhằm đưa phong trào chống rác thải nhựa dần đi vào thực tiễn, bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố môi trường, trong các tiêu chí ở giai đoạn mới, thành phố Đà Nẵng đã bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa, túi nilon cần đạt được tại các cấp quận, huyện và Sở, ngành. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố" - ông Chinh nói.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định rằng: Ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hiện đang là nỗi lo cấp bách của toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua và lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Thống nhất nhận thức, chung tay hành động

Nhằm góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, Thứ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người, Thứ trưởng yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

"Thông qua sự kiện lần này, tôi mong rằng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, UBND các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng công tác chỉ đạo và phân loại, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Quá trình triển khai thực hiện, sớm đề xuất các giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Công Hạnh