Vị ngọt Tết quê

Thứ ba, 10/01/2023 18:00
Những ngày giáp Tết, ai nấy đều bộn bề công việc. Sau khi đã chăm sóc lại mảnh vườn, dọn mấy khóm hoa, tôi tất bật mua sắm, trang trí lại nhà cửa… Mải lo việc gia đình, nên chưa thể về thăm quê nhà, nơi có cha mẹ ngày đêm mong ngóng bước chân con.
Dưa món mẹ làm ngày Tết.
Dưa món mẹ làm ngày Tết.

Nghe tiếng chuông "bính boong", tôi vội chạy nhanh ra mở cổng. Mẹ khệ nệ chiếc giỏ xách với nhiều loại bánh tét, chưng và cả mấy thẩu dưa món. Thương mẹ quá, mấy chục năm qua, tháng Chạp nào của mẹ cũng bận rộn. Là bởi ngoài công việc đồng ruộng, vườn tược mẹ còn phải chăm sóc đàn heo kịp bán cho người ta mổ ăn Tết. Có lẽ thấy lâu con gái chưa về quê nên mẹ phải lặn lội gần trăm cây số ra phố. "Mẹ ra thăm con mang mấy món Tết quê, lâu rồi chắc con nhớ lắm!". Tôi rưng rưng nước mắt, đưa mẹ vào nhà và chỉ cho bà xem bao nhiêu là đồ Tết mới mua… Tôi nói vậy để làm an lòng mẹ nhưng mẹ thừa biết những đứa con của mẹ luôn mong chờ món ngon quê hương do chính bàn tay mẹ chế biến.

Có lẽ, với bao đứa trẻ lớn lên nơi thôn quê đều không thể nào quên những ngày cận Tết quê nhà. Bắt đầu từ những phiên chợ, trên mái nhà, ngoài sân vườn nhà ai cũng thấp thoáng mấy cái nong cái nia phơi mớ củ kiệu, củ hành, củ cải trắng làm dưa món, hay mớ lá chuối, lá dong để gói bánh tét, bánh chưng. Không biết từ năm lên mấy, tôi đã bắt đầu mong Tết. Ngày Tết thích nhất phụ mẹ làm các món bánh, mứt và dưa món. Mẹ thường canh ngày chớm nắng, dậy thật sớm gọt tỉa nguyên liệu cho kịp nắng vừa lên. Bởi nắng ngày cuối năm ở quê tôi rất quý. Củ kiệu tỉ mỉ lột vỏ, để lộ ra da kiệu trắng tinh. Củ cải, cà rốt được cắt mỏng và tỉa thành hình trông rất đẹp mắt. Tất cả được xếp mỏng lên cái nia đan bằng tre rồi đem phơi ở hàng rào cây chè tàu. Hôm ấy, hàng rào xanh mướt hàng ngày trở nên sống động, đẹp mắt bởi những sắc màu trắng đỏ của củ cải, cà rốt, ớt...

Tôi được giao nhiệm vụ canh lũ gà mổ phá và lật trở nguyên liệu để dưa món đủ độ giòn, tránh bị phơi quá khô. Tất cả kiệu, củ cải, cà rốt được mẹ gói cẩn thận trong lớp giấy báo cũ, rồi bọc lại bằng mấy lớp ni-lông, sau đó cột chặt, cất gọn gàng trên giàn bếp. Tính mẹ lo xa vậy, nên khi tết nhất cận kề, mặc trời cứ mưa liên miên, mẹ cũng không cần phải cời than để sấy dưa món như bao nhà trong xóm. Tầm một tuần giáp tết, mẹ bắt đầu nấu nước mắm ngâm dưa. Dưa món muốn ngon, quan trọng nhất là khâu pha nước mắm. Nước mắm được nấu với đường, cả nhà tôi vốn không thích ăn ngọt, nên tỉ lệ thường là 2 chén nước mắm thì 1 chén đường. Nước mắm dùng ngâm dưa món thường là nước mắm cá cơm được mẹ muối từ tháng 7, tháng 8 không quá đậm đà, khi nấu thơm phức. Nước mắm và đường nấu trên lửa liu riu cho tan hết đường. Khi nước mắm sôi, mẹ hay thả vào vài hạt tiêu cho thơm. Nước mắm nguội, mẹ cho tất cả nguyên liệu vào hủ. Dùng vài thanh tre đan chéo chèn lên bề mặt hũ để dưa món không nổi lên trên sau đó mới đổ nước mắm cho ngập dưa rồi đậy kín hũ. Dưa món có thể để bao lâu cũng được, qua cả tháng giêng.

Dưới bàn tay khéo léo của mẹ dưa món nhiều sắc màu, đẹp lạ lùng sẵn sàng cho ngày Tết. Qua bao mùa Tết, chị em chúng tôi lớn lên, đi học đại học và không ai ở quê, đều lập nghiệp trên phố. Cứ mỗi khi Tết cận kề là tôi lại nhớ mẹ và những hương vị ngọt ngào ngày Tết quê nhà. Trưa nay, thưởng thức vị ngọt từng lát dưa món mẹ làm, nước mắt tôi chảy thành dòng. Tuổi mẹ ngày một nhiều lên, những đứa con của mẹ đã tự lập lo được cuộc sống cho mình, nhưng mẹ sớm hôm đầu tắt mặt tối ở quê mà lòng vẫn luôn hướng về các con đang mưu sinh nơi phố thị phồn hoa.

Phan Thị Thanh Ly