Vi phạm sử dụng điện tăng... "siêu phi mã"!
(Cadn.com.vn) - Theo số liệu thống kê được, đến hết tháng 10-2016, số vụ vi phạm sử dụng điện trên địa bàn Đà Nẵng lên đến 3.487 vụ, tăng 648% so với cùng kỳ năm 2015. Dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, xử phạt và thậm chí treo thưởng cho người phát hiện, báo tin, nhưng tình trạng dùng thủ thuật để "xài chùa", lách giá điện vẫn ngày càng tinh vi.
Khách hàng "xài chùa" gần 1,8 tỷ đồng tiền điện
Theo Điện lực Đà Nẵng, lượng điện thất thu lớn nhất nằm ở hành vi "chuyển giá" của các hộ gia đình có hoạt động kinh doanh. Hiện có 5 mức giá bán điện cho các mục đích sử dụng gồm điện sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh, sinh hoạt và bán buôn với các mức giá khác nhau. Với việc quy định biểu giá này, nhiều khách hàng đã tự ý chuyển đổi mục đích sai so với hợp đồng ban đầu ký với ngành điện. Nhiều khách hàng ký hợp đồng mua điện cho sinh hoạt để hưởng mức giá thấp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại tự ý chuyển đổi sang sử dụng điện cho kinh doanh gây thất thoát thương mại. Đây là hành vi vi phạm giá rất phổ biến trong thời gian gần đây. Nếu trong năm 2014, chỉ có 2 trường hợp vi phạm giá điện bị phát hiện thì đến năm 2015 con số này là 293 vụ, năm 2016 lên tới 1.115 vụ.
Kế đến là hành vi ăn cắp điện của khách hàng, tuy nhiên để bắt quả tang và xử lý được hành vi này lại rất khó khăn. Mới đây, sau thời gian "trinh sát", các kiểm tra viên Điện lực Sơn Trà đã phát hiện và xử lý hộ bà L.T.T và hàng xóm N.X.Q (cùng trú Q. Sơn Trà) có hành vi phá niêm chì, sử dụng điện không qua đo đếm. Khi bị bắt quả tang, người vi phạm có hành vi cản trở, xóa hiện trường. Tuy nhiên, trước bằng chứng thuyết phục, cuối cùng họ phải ký biên bản vi phạm. Cơ quan chức năng đã truy thu sản lượng điện của 2 nhà là 21.000 kWh (tương đương 60 triệu đồng) và lập hồ sơ đề nghị xử phạt 55 triệu đồng. Tương tự, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã lật tẩy hành vi mổ cáp trước công-tơ để sử dụng điện trái phép của gia đình ông P.V.Đ (trú Q. Thanh Khê) với sản lượng điện đã trộm 15.303 kWh. Ngoài việc truy thu số tiền hơn 67 triệu đồng, ngành điện cũng đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Đ. với số tiền 35 triệu đồng... Theo cán bộ điện lực của các địa phương, một số gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện công suất lớn như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng... nhưng chỉ số đồng hồ hàng tháng lại rất thấp. Để tránh sự nghi ngờ, chủ hộ thường để các thiết bị này ở những nơi khó quan sát, mỗi tháng chỉ điều chỉnh cho điện chạy qua hệ thống đo đếm một số ngày. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, cán bộ phụ trách cần có kế hoạch theo dõi trong một thời gian dài để hiểu quy luật mới lên kế hoạch bắt quả tang được.
Theo thống kê, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 65 vụ trộm cắp điện bằng 2 hình thức phổ biến là đấu nối trước công-tơ, tác động trực tiếp vào hệ thống đo đếm. So với cùng kỳ 2015, số vụ trộm cắp điện tăng 6,6%, tập trung chủ yếu sử dụng vào mục đích ánh sáng sinh hoạt với 51 vụ. Tính đến thời điểm này, hành vi ăn cắp điện và chuyển giá điện của một bộ phận người dùng đã "xài chùa" lượng điện tương đương số tiền truy thu, bồi thường gần 1,8 tỷ đồng.
Nếu không nắm kỹ chiêu trò thì rất khó phát hiện những kiểu trộm điện như thế này. |
Hiện trường một vụ dùng biện pháp thủ công trộm cắp điện. |
Hình thức vi phạm ngày càng tinh vi
Đánh giá về thực trạng vi phạm sử dụng điện trên địa bàn của ông Trần Nguyễn Bảo An-Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng, cho rằng: "Mức độ nghiêm trọng của các vụ việc ngày càng cao, thủ thuật tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý".
Theo đại diện Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện (Điện lực Đà Nẵng), có nhiều vụ việc phải cử cán bộ có kinh nghiệm theo dõi trong một thời gian rất dài, tìm hiểu thói quen sinh hoạt cũng như hành vi của các gia đình có biểu hiện đồng thời tính toán phương án kiểm tra đột xuất mới bắt quả tang được. Khó khăn nhất vẫn là đảm bảo giữ nguyên hiện trường để lập biên bản khiến người vi phạm phải tâm phục khẩu phục. Trong 10 tháng của năm 2016, lực lượng kiểm tra viên toàn Cty đã thực hiện gần 75.000 đợt kiểm tra ban ngày và 710 đợt kiểm tra ban đêm. Qua đó phát hiện tới 3.478 vụ vi phạm sử dụng điện với sản lượng điện bồi thường 192.027 kWh.
Ông Trần Nguyễn Bảo An cho hay, ngoài việc đầu tư hệ thống trang thiết bị kiểm tra, theo dõi tự động, Điện lực Đà Nẵng treo thưởng cho các cá nhân, tổ chức phát hiện, thông tin hành vi trộm điện mức 1.000.000 đồng/vụ. Theo ông An, số vụ vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vẫn còn ít so với thực tế vì rất nhiều người dùng có đủ tuyệt chiêu và kinh nghiệm để qua mặt cơ quan chức năng. Không chỉ gây thất thoát thương mại ngày càng lớn mà các hành vi như mổ cáp, bứt kẹp chì hay tác động để hệ thống đo đếm ngừng hoạt động tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, chạm chập.
"Việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm phối hợp với động viên, khen thưởng đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân cũng như tình hình ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức dùng điện của một bộ phận người dân. Lợi ích trước mắt không những gây thất thoát thương mại mà quan trọng hơn nữa là những nguy hiểm mà họ có thể gây ra cho bản thân, gia đình và toàn xã hội", ông An cho biết.
Công Khanh