Vì sao bà Dương Hằng Nga "chưa được xuất cảnh" trong thời hạn 3 tháng?
Trong những ngày qua, câu chuyện vì sao Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Đà Nẵng có báo cáo đăng ký về việc "Chưa được xuất cảnh" từ ngày 1-6 đến ngày 1-9-2017 đối với bà Dương Hằng Nga - phóng viên Văn phòng đại diện miền Trung của Tạp chí Giao thông vận tải (GTVT) đang được dư luận quan tâm. Ngày 31-10, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Đình Liên - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng để tìm hiểu cụ thể, xác thực về vụ việc này.
Đại tá Trần Đình Liên |
Phóng viên: Xin Đại tá cho biết cụ thể về vụ việc của bà Nga mà cơ quan công an đã thụ lý?
Đại tá Trần Đình Liên: Ngày 5-5-2017, Cơ quan An ninh Điều tra tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến bà Dương Hằng Nga - Phóng viên Văn phòng đại diện miền Trung của Tạp chí GTVT. Cụ thể, đây là đơn kiến nghị của Cty TNHH The Sunrise Bay, Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (tầng 2, tòa nhà 32 Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng) và ông Phan Văn Anh Vũ (trú 82-Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng) đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân của bà Nga và Tạp chí GTVT liên quan đến các bài viết "có nội dung sai sự thật, làm ảnh hưởng uy tín và gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân ông Vũ và lãnh đạo Cty".
Qua xác minh, cơ quan An ninh Điều tra xét thấy các nội dung tố cáo là có cơ sở và có dấu hiệu hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân" quy định tại điều 258 của Bộ luật hình sự 1999. Căn cứ Điều 103 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư số 06/2013 của Liên bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Công an thành phố đã có quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra, điều tra viên để tiến hành điều tra, xác minh tố giác, tin báo tội phạm. Phía VKSND TP Đà Nẵng cũng đã ra quyết định phân công kiểm sát viên giám sát theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Việc này có liên quan đến vụ kiện mà ông Phan Văn Anh Vũ kiện bà Nga lên TAND Q. Hải Châu không, thưa Đại tá?
Đại tá Trần Đình Liên: Cơ quan điều An ninh Điều tra cũng đã giải thích với bà Nga là hai vụ việc này hoàn toàn khác nhau. Tòa án họ giải quyết vụ việc dân sự, còn cơ quan công an là xác minh vụ việc trên cơ sở thông tin tố giác, tin báo tội phạm của công dân theo đúng luật định.
Cơ quan Công an khẳng định thủ tục giải quyết vụ việc liên quan đến bà Dương Hằng Nga là hoàn toàn đúng luật định. |
Phóng viên: Bà Nga cho rằng Cơ quan An ninh Điều tra đăng ký thông báo "chưa được xuất cảnh" đối với bà mà không có thông báo cũng như thực hiện một số hoạt động điều tra không đúng quy định của pháp luật. Đại tá có ý kiến gì về việc này?
Đại tá Trần Đình Liên: Trong quá trình xác minh vụ việc, Cơ quan An ninh Điều tra đã 3 lần có văn bản triệu tập đồng thời liên lạc qua điện thoại thông báo cho bà Nga đến trụ sở Công an làm việc nhưng bà Nga không có mặt cũng không thông báo lý do. Đến tháng 7-2017, Cơ quan An ninh Điều tra đã có 2 buổi làm việc với bà Nga nhưng qua làm việc, bà không hợp tác.
Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được và để đảm bảo phục vụ cho công tác điều tra theo luật định, căn cứ Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ quy định về xuất cảnh - nhập cảnh của công dân Việt Nam và Thông tư 21/2011 của Bộ Công an quy định về trình tự chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của công dân Việt Nam, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Đà Nẵng có báo cáo đăng ký về việc "chưa được xuất cảnh" đối với công dân Dương Hằng Nga từ ngày 1-6-2017 đến 1-9-2017.
Việc đăng ký "Chưa được xuất cảnh" trong thời gian nói trên đối với bà Dương Hằng Nga là có căn cứ, đúng quy định nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Cụ thể, Điều 21, Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định công dân Việt Nam ở trong nước đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm thì chưa được xuất cảnh. Điều 22 của Nghị định này cũng nêu rõ cơ quan điều tra có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh.
Khoản 3, Điều 22 của Nghị định 136 nêu rõ: cơ quan nào ra quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông tin bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.
Chúng tôi áp dụng đúng luật, không làm sai. Thậm chí, khi vào TP Hồ Chí Minh để làm việc, biết bà Nga đang chăm sóc người nhà ở bệnh viện, chúng tôi cũng cử người thăm hỏi và thông báo vụ việc rồi về chứ không hề tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh trong thời gian này. Hồ sơ vụ việc cũng đã được báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an, Cục An ninh Điều tra cũng như thông báo đến các cơ quan mà bà Nga gửi đơn khiếu nại.
Phóng viên: Tại cuộc họp báo quý III do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 26-10, bà Nga cho rằng cơ quan công an đã hình sự hóa vụ việc dân sự. Xin Đại tá cho biết quan điểm của cơ quan công an?
Đại tá Trần Đình Liên: Thông tin tố giác, tin báo tội phạm mà cơ quan công an tiếp nhận phải được hiểu tách bạch so với vụ kiện dân sự mà bà là bị đơn tại TAND Q. Hải Châu. Cơ quan An ninh Điều tra đăng ký "chưa được xuất cảnh" đối với bà Nga nằm trong thời gian xác minh thông tin tố giác tội phạm. Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện các bước theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình của việc xử lý tin báo tố giác tội phạm và được Viện KSND TP Đà Nẵng giám sát trong suốt quá trình thực hiện. Việc bà Nga chưa được xuất cảnh 3 tháng tính từ ngày 1-6 là nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xác minh được quy định tại Nghị định 136 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/2013 của Liên bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao. Tôi khẳng định không hề có chuyện hình sự hóa vụ việc dân sự như bà Nga nói.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đại tá!
Nam Khánh (thực hiện)