Vì sao cát xây dựng ở Đà Nẵng, Quảng Nam lại khan hiếm? (Kỳ 1: Giá tăng cao, cát không có để bán)

Thứ sáu, 17/02/2023 09:44
Sau Tết Quý Mão 2023, những người làm công việc xây dựng lại bắt đầu một mùa mới. Ngoài những khó khăn như: tiền nhân công, sắt thép... tăng giá, các chủ đầu tư tại TP Đà Nẵng và Quảng Nam còn đối mặt với một khó khăn chưa có tiền lệ xảy ra là không có cát để xây dựng.
Những bến cát không còn... cát để bán.
Những bến cát không còn... cát để bán.

Ông Nguyễn Cường- chủ thầu xây dựng, trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng cho biết: “Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cát dùng làm vật liệu xây dựng (VLXD) được nhập từ Quảng Nam có giá 215.000 đồng/m3 nay đã tăng lên 400.000 đồng/m3 nhưng các đại lý thông báo chỉ 5 ngày nữa sẽ không còn cát để bán. Nếu đúng như vậy, chưa đầy 1 tuần nữa, chúng tôi phải cho công nhân nghỉ việc vì không còn cát để xây”. Tương tự, ông N.T.D-một chủ thầu xây dựng khác chia sẻ thêm: “Theo kế hoạch, tôi sẽ mở móng, khởi công xây dựng công trình nhà ở cho người ta vào ngày 14-2 (tức 24-1 Âl), nhưng vì không mua được cát nên chủ nhà đành khất lại”.

Một số nhà thầu cho biết, với những công trình do tư nhân làm chủ còn dễ xoay xở, còn với những công trình do Nhà nước đầu tư thì vô cùng khó khăn bởi với quy mô xây dựng lớn, tiến độ điều chỉnh vốn đầu tư không kịp với tiến độ tăng của VLXD nên các nhà thầu chỉ có lỗ hoặc “bỏ của chạy lấy người”.

Giải thích về việc giá cát tăng mà không có để bán, ông M.T- chủ bãi cát VLXD lớn tại TX Điện Bàn (Quảng Nam) cho hay: “Trước Tết Nguyên đán, việc mua bán cát xây dựng diễn ra bình thường, mua vào với giá 140.000 đồng/1m3 tại mỏ, bán ra cho khách tại địa phương giá 160.000 đồng/m3. Với khách hàng tại TP Đà Nẵng, sau khi kèm chi phí vận chuyển, giá bán là 210.000 đồng/m3. Sau Tết, hàng hết, chúng tôi mua nhưng không có nguồn vì các mỏ như: Giao Thủy, Ngọc Kinh Đông, Pha Lê (Quảng Nam)… đều đồng loạt thông báo tạm dừng khai thác”.

Cũng trong hoàn cảnh đó, ông Thái D.-chuyên kinh doanh VLXD tại Q. Cẩm Lệ, cung cấp thêm: “Hiện tại, gần như tất cả các đại lý VLXD trên địa bàn đều hết cát xây dựng nên nhiều công trình xây dựng bị gián đoạn hoặc hoạt động cầm chừng, một số công trình đành phải lùi ngày khởi công”. Cũng theo ông Thái D., nếu tình trạng này kéo dài, một số đại lý VLXD phải đóng cửa, dẫn theo người lao động làm xây dựng lâm vào cảnh thất nghiệp. Một chủ vựa cát ở TP Hội An cho hay: “Từ nhiều tháng qua, khi UBND tỉnh Quảng Nam áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhằm kiểm soát tình trạng khai thác cát lậu trên các sông Vu Gia, Thu Bồn thì nguồn cung cho các đại lý đã gặp khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Hiện tại, cát bị nhiễm mặn cũng không còn để bán với giá cao. Cụ thể, từ chỗ mua tại chân công trình với giá hơn 210 ngàn đồng/m3, nay giá cát được “thổi” lên 400 ngàn thậm chí có nơi 500 ngàn đồng/m3 mà vẫn mua không có…

Tìm hiểu thêm, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng được biết, do cát xây dựng bị khan hiếm nên tình trạng một số đại lý “đẩy giá” lên quá cao, gây nhiều hệ lụy, đẩy nhiều chủ đầu tư vào tình thế khó khăn… Việc một số công trình phải dừng thi công dẫn đến tình trạng rất nhiều thợ xây, phụ hồ tại hai địa phương rơi vào cảnh không có việc làm. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm cát kéo dài được một số kẻ xấu lợi dụng cơ hội để “làm giàu”. Đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình sông nước sử dụng phương tiện sẵn có lén lút tổ chức việc khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn và Vu Gia. Nhiều người cho biết, trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi phương tiện có thể khai thác được 90m3. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ hết mọi chi phí chủ ghe “bỏ túi” khoảng 25 triệu đồng…

M.T