Vì sao chậm xử lý vụ cháy gây hư hại nhà dân?

Thứ ba, 17/05/2016 09:14

(Cadn.com.vn) - Mới đây, ông Trần Đức và ông Trần Bình (cùng trú thôn Đại An, xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, Quảng Nam) gửi đơn đến Báo Công an TP Đà Nẵng trình bày về việc nhà cửa của 2 ông bị hư hại nặng do vụ cháy xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Tiến Triển (Cty Tiến Triển) gây ra. Mặc dù vụ cháy xảy ra đã gần 2 tháng, ông Đức và ông Bình đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng  nhưng đến nay họ vẫn chưa được giải quyết...

Được biết, xưởng chế biến gỗ của Cty Tiến Triển do ông Trần Minh Tiến làm giám đốc, đặt tại khu đất trống giữa nhà ông Trần Đức và Trần Bình từ năm 2013. Theo người dân địa phương, từ khi xưởng hoạt động, khu dân cư bị ảnh hưởng bởi mùi sơn PU, tiếng ồn của máy gia công cưa, xẻ gỗ và bụi bặm mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Do xưởng làm sơ sài, không xây tường rào, không mái che, không có bể nước và trang bị phòng cháy, chữa cháy nên ngoài việc phát thải bụi gỗ thì nguy cơ cháy nổ rất cao. Tại các cuộc họp khu vực, nhiều hộ dân phản ảnh, cán bộ xã Đại Lãnh cũng đã nhắc nhở, tuy nhiên xưởng gỗ vẫn không khắc phục và tiếp tục hoạt động...

Ngôi nhà của ông Trần Đức bị ảnh hưởng... và hiện trường vụ cháy.

Do ở sát vách với xưởng gỗ nên ông Trần Đức và Trần Bình nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Đại Lãnh đề nghị giải quyết. Cuối tháng 4-2015, UBND xã Đại Lãnh đã mời các bên liên quan đến để giải quyết. Tại cuộc họp, ông Phạm Thức, trưởng thôn Đại An cũng khẳng định xưởng gỗ đang gây ô nhiễm tại khu dân cư và cán bộ địa chính- xây dựng xã đã yêu cầu ông Tiến có biện pháp khắc phục ô nhiễm, nếu không sẽ đề nghị dừng hoạt động. Ông Tiến cam kết, trước mắt cho che chắn bạt xung quanh giảm ô nhiễm và hết năm 2015 sẽ chuyển xưởng đi nơi khác.  Tuy nhiên, qua năm 2016, ông Tiến vẫn không dời nhà xưởng như cam kết mà vẫn hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.  Các hộ dân tiếp tục làm đơn khiếu nại và đầu tháng 3-2016, UBND xã Đại Lãnh mời ông Tiến lên giải quyết và đình chỉ hoạt động, hạn hết ngày 25-3-2016 phải dời xưởng gỗ đi nơi khác.

Không may, đến 0 giờ 15 ngày 22-3-2016, xưởng gỗ của ông Tiến bất ngờ bốc cháy dữ dội, người dân địa phương đã điện báo CSPCCC  đồng thời tổ chức dập lửa nhưng bất thành. Khi có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi mới dập tắt được nhưng toàn bộ nhà xưởng đã bị thiêu rụi. Do nhà sát với xưởng gỗ nên nhà ông Đức và ông Bình bị ảnh hưởng nặng nề, sức nóng từ vụ cháy hơn 2 giờ đã làm từng mảng tường nhà của 2 hộ dân này bị tróc từng mảng. Kết cấu nhà bị ảnh hưởng bởi sức nóng nung trong nhiều giờ làm cột trụ, dầm ngang nứt nẻ, giảm sự chịu lực...

Tuy nhiên, điều làm các hộ dân thắc mắc là vụ cháy xảy ra đã gần 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng đến giải quyết (?!).  Dư luận cũng bức xúc trước việc Cty Tiến Triển thờ ơ vô trách nhiệm. Mặc dù biết đám cháy gây thiệt hại đến nhà cửa của ông Đức, ông Bình, nhưng ông Tiến, giám đốc không hề qua thăm hỏi, hoặc hỗ trợ kinh phí để người bị hại che tạm cửa ngõ...

Cửa sổ, la phông, mái ngói trong nhà ông Đức bị cháy rụi.

Ngày 14-5-2016, P.V Báo Công an TPĐN đã trao đổi với Thiếu tá Mai Thành Tâm, Phó trưởng CAH Đại Lộc và được biết, ngay sau vụ cháy, CAH đã lập hội đồng xác định thiệt hại 2 ngôi nhà trên. Sự việc có chậm trễ một phần do Phòng Kinh Tế H. Đại Lộc không đủ chức năng kiểm định. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra CAH Đại Lộc đã ra quyết định trưng cầu giám định nhằm xác định giá trị thiệt hại tài sản đối với gia đình ông Trần Đức và ông Trần Bình để làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra theo quy định.

Vụ cháy xưởng gỗ trên là bài học kinh nghiệm đối với các cơ sở chế biến gỗ, đồng thời cũng là bài học đối với chính quyền địa phương về công tác quản lý, việc kiểm tra về ô nhiễm môi trường, kiểm tra PCCC  đối với các cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động trong khu dân cư.

Hiền Minh