Vì sao chưa tìm được nhà đầu tư các khu công nghiệp mới?

Thứ bảy, 14/11/2020 16:22

Để giải quyết nhu cầu cấp thiết về mặt bằng sản xuất, Đà Nẵng đã tích cực hoàn thiện thủ tục tìm nhà đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích gần 900 ha. Tuy nhiên, qua sơ tuyển, hầu hết các nhà đầu tư không đạt yêu cầu, do vậy tiến độ xây dựng các KCN mới chưa biết bao giờ triển khai.



Đà Nẵng tìm nhà đầu tư xây dựng 3 KCN mới với tiêu chí khắt khe để hướng đến các KCN sinh thái, sản xuất với công nghệ tiên tiến.

Tiêu chí khắt khe

Việc xây dựng các KCN mới là cần kíp để giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất ngày càng khan hiếm tại Đà Nẵng, đồng thời đón đầu dòng vốn dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19. Để có một KCN mới đòi hỏi thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, vì thế chủ trương, quy hoạch xây dựng 3 KCN mới Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm (giai đoạn 2) dù đã có từ rất lâu, song đến nay vẫn dừng ở khâu thủ tục. Trước đó, HĐND TP đã đề nghị UBND TP tập trung hoàn thiện thủ tục, kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư cho 3 KCN này. Việc đầu tư các KCN mới phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 43, phù hợp với quy hoạch chung TP. Đặc biệt, các nhà đầu tư được lựa chọn xây dựng 3 KCN mới phải có năng lực để khi đi vào hoạt động, các KCN mới phải khắc phục được những tồn tại, bất cập như các KCN đã đầu tư trước đây.

Trước yêu cầu đó, ngay từ bước lập hồ sơ quy hoạch, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đã đặt yêu cầu ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, những ngành nghề có yêu cầu chất xám cao, công nghệ tiên tiến, dây chuyền hiện đại. Cụ thể, KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) rộng 120 ha, tổng vốn hơn 2,2 ngàn tỷ đồng (1 ngàn tỷ đồng chi phí GPMB) thuộc nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng... KCN Hòa Nhơn 360 ha tổng vốn hơn 5,6 ngàn tỷ đồng (2,5 ngàn tỷ đồng GPMB) thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, cơ khí chính xác, dược phẩm, vật liệu xây dựng cao cấp... KCN Hòa Ninh 400 ha tổng vốn hơn 6 ngàn tỷ đồng (GPMB gần 2,6 ngàn tỷ đồng) thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm...

Bên cạnh đó, BQL Khu Công nghệ cao (CNC) và các KCN Đà Nẵng cũng đặt nhiều yêu cầu khắt khe khi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 3 KCN mới. Các nhà đầu tư đó phải có năng lực trong quản lý, khai thác và kêu gọi đầu tư vào các KCN (khuyến khích các nhà đầu tư đặt trụ sở chính tại Đà Nẵng để tăng nguồn thu ngân sách TP). Nhà đầu tư phải tập trung phát triển KCN theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chọn lọc với công nghệ sạch, tiên tiến, ít thâm dụng lao động thay vì chỉ thu hút nhằm sớm lấp đầy. Đặc biệt, chủ đầu tư KCN phải gắn thu hút đầu tư với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và nền kinh tế số; nghiên cứu mô hình xây dựng nhà xưởng cao tầng trong các KCN để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Các nhà thầu đều “trượt”

Trước tiêu chí lựa chọn đó, khi đóng thầu KCN Hòa Nhơn chỉ có 1 liên danh nhà đầu tư tham dự sơ tuyển là Cty CP Đầu tư Sài Gòn- Đà Nẵng và Tổng Cty Phát triển đô thị Kinh Bắc. Kết quả đánh giá hồ sơ dự tuyển của liên danh không đạt vì Liên danh nhà đầu tư không chứng minh được kinh nghiệm theo hồ sơ mời sơ tuyển. Với KCN Hòa Ninh có 3 đơn vị tham gia thầu gồm: Cty CP Long Hậu, Liên danh Cty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng và Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc, Liên danh Cty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng - Cty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Cty CP Trung Nam. Kết quả đánh giá sơ tuyển cả 3 đơn vị tham gia thầu đều không đạt. Trong đó, lý do không đạt với các nhà thầu đều rơi vào tiêu chí không kê khai, chứng minh được đã hoàn thành dự án nào có tổng mức đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên (tương ứng dự án loại 3) trong vòng 10 năm gần nhất để xem xét, đánh giá. Riêng với Cty CP Long Hậu, tại bảng kê khai kinh nghiệm, nhà đầu tư có kê khai gộp 14 hợp đồng với tổng mức đầu tư hơn 3,8 ngàn tỷ đồng, tổng giá trị đã hoàn thành hơn 3,1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi yêu cầu bổ sung, làm rõ hồ sơ dự tuyển, Cty không kê khai chứng minh được có hoàn thành dự án nào tổng mức trên 2 ngàn tỷ đồng trong vòng 10 năm gần nhất. Do tổ chức sơ tuyển, các đơn vị tham gia thầu song đều không vượt qua sơ tuyển bởi các yêu cầu khắt khe, vì thế cả KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh đều chưa tìm được nhà đầu tư. Hiện TP đang xử lý theo hướng tiếp tục kêu gọi đầu tư theo qui định hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh các tiêu chí xét thầu. Bởi lẽ, tiêu chí phải hoàn thành dự án tổng vốn trên 2 ngàn tỷ trong 10 năm gần đây rất khó có nhà đầu tư đáp ứng được.

Với KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 qua tiến hành mời thầu có 3 đơn vị dự tuyển gồm Liên danh Cty BES Engineering Coroporation-Cty Đầu tư Core Pacific Twin Star (Việt Nam); Liên danh Cty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm - Cty CP Xây lắp Thủy sản Việt Nam- Cty CP DDT-XD Công trình Đô thị Đà Nẵng; Cty CP Long Hậu. Qua sơ tuyển, Liên danh Cty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm - Cty CP Xây lắp Thủy sản Việt Nam- Cty CP DDT-XD Công trình Đô thị Đà Nẵng không đạt vì vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm gần nhất chỉ hơn 93 tỷ đồng, không đảm bảo yêu cầu của Hồ sơ mời sơ tuyển (tối thiểu phải là hơn 334 tỷ đồng). Ngoài ra, tại bảng tự kê khai năng lực kinh nghiệm, Liên danh này không có dự án nào đã hoàn thành trong vòng 10 năm gần nhất có giá trị gói thầu trên 800 tỷ đồng để xem xét, đánh giá. Tương tự, với Cty CP Long Hậu không đạt vì không cung cấp được hồ sơ chứng minh đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án nào có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên trong vòng 10 năm gần nhất. Riêng với Liên danh Cty BES Engineering CoroporationCty TNHH Đầu tư Core Pacific Twin Star (Việt Nam) qua sơ tuyển đạt vì cơ bản nhà đầu tư chứng minh được năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng các Khu CNC. Cụ thể, Liên danh này đã thực hiện khu CNC Nghi Lan Litzer hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, KCN khoa học công nghệ YUNLIN hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, KCN Chang Hoa 1,3 ngàn tỷ đồng trong thời hạn 10 năm gần nhất. Hiện Liên danh này đang chờ TP phê duyệt đạt yêu cầu sơ tuyển để tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, theo BQL, trong trường hợp không nhà đầu tư nào đạt yêu cầu sơ tuyển xây dựng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 thì sẽ tiến hành tìm nhà đầu tư mới, hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đều chỉnh tiêu chí xét thầu.

Dù mong muốn sớm có hạ tầng các KCN mới để thúc đẩy phát triển kinh tế TP, song với quyết tâm và tư duy phát triển công nghiệp tiên tiến, thân thiện môi trường, việc lựa chọn nhà đầu tư rất khắt khe. Điều đó cũng báo hiệu công nghiệp TP thời gian tới sẽ phát triển dựa vào chất, thay vì chỉ chăm chăm lo lấp đầy.

HẢI QUỲNH