Vì sao Đà Nẵng cần sớm xây dựng chính quyền đô thị?
(Cadn.com.vn) - Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia, các nhà khoa học đều nhận định đây là thời điểm chín muồi để Đà Nẵng thực hiện chính quyền đô thị (CQĐT).
Trước sự phát triển mạnh mẽ đòi hỏi tất yếu phải xây dựng CQĐT thì Đà Nẵng còn được đánh giá là TP có những điều kiện thuận lợi nhất để áp dụng CQĐT. TS Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP cho rằng, để giúp cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, phục vụ tốt hơn nhu cầu cho người dân, việc xây dựng CQĐT là cần thiết, phù hợp và ở Đà Nẵng là thành phố có điều kiện chín muồi nhất. Hệ thống hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, hệ thống truyền tải, cấp điện cấp nước... thuộc diện tốt nhất cả nước. Do đó, Đà Nẵng là địa phương có điều kiện tốt nhất để xây dựng CQĐT.
Cơ sở hạ tầng Đà Nẵng được xem là lợi thế lớn cho Đà Nẵng xây dựng CQĐT. |
Trong Đề án thí điểm CQĐT Trung ương cho phép 2 TP thực hiện thí điểm đầu tiên là TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng... TP Hồ Chí Minh là đô thị đứng đầu trong cả nước về quy mô, mật độ dân số, đóng góp hơn 1/5 GDP cả nước và gần 1/3 ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng xuất khẩu thu hút FDI của TP đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, Đà Nẵng tuy có quy mô nhỏ nhưng đang có xu hướng gia tăng đầu tư phát triển, và trình độ nguồn nhân lực cao hơn. Hiện nay, tại Đà Nẵng số lượng công chức, viên chức/100 dân là 0,26 người và 1,8 người, trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là 0,17 công chức và 1,3 người viên chức.
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, để có bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp với cơ chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH, Đà Nẵng sẽ kiên trì đề xuất để Trung ương cho phép xây dựng CQĐT. Cũng theo ông Ngữ, Đà Nẵng hiện nay có đủ điều kiện để xây dựng CQĐT. Riêng đội ngũ cán bộ của Đà Nẵng được chuẩn bị, đào tạo khá bài bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, mô hình thí điểm CQĐT của Đà Nẵng trải qua 3 giai đoạn (giai đoạn 1 từ khi đồng ý thí điểm đến năm 2016; giai đoạn 2 từ năm 2016-2021 và giai đoạn 3 từ năm 2021 trở đi). Tuy nhiên, với điều kiện về năng lực cán bộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin cộng với kinh nghiệm trước đây khi TP Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vốn là một đô thị 2 cấp... Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để đi trước 1 bước tức là đi ngay vào giai đoạn 2.
Thực hiện Chính quyền đô thị sẽ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với hoạt động hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở GTVT TP Đà Nẵng. Ảnh: P.V |
Không những chính các chuyên gia tại Đà Nẵng đánh giá mà các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện thí điểm mô hình CQĐT. GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu CQĐT tại Việt Nam, Nghị quyết 724/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về áp dụng thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tiến đến xây dựng CQĐT sau 5 năm thực hiện thì nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận định hiệu quả hoạt động của Đà Nẵng là khá rõ rệt. Một kết quả thể hiện tính hiệu quả trong quản lý đô thị là Đà Nẵng hầu như ít quy hoạch treo hơn (trừ một số dự án của Trung ương).
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định Đà Nẵng xây dựng mô hình HĐND mạnh và thực quyền nhằm nâng cao quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch HĐND đồng thời là Bí thư Thành ủy nên vị trí của Chủ tịch HĐND tổng hợp được sức mạnh từ Đảng và từ dân, đảm bảo gắn kết quyền lực nhân dân và quyền lực chính trị của Đảng trong việc giám sát quyền lực của bộ máy hành chính trên địa bàn TP, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng cũng như quyền làm chủ của nhân dân, gắn lợi ích của nhân dân hòa vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng một cách thiết thực. Khi không còn HĐND quận, phường, Chủ tịch HĐND TP đóng vai trò quan trọng trong việc đôn đốc, nhắc nhở cũng như tăng cường mối quan hệ giữa tổ đại biểu HĐND và UBND, thậm chí chỉ đạo trực tiếp các sở, ngành quận, huyện trong các cuộc họp giao ban giữa HĐND và UBND. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt này mà không khí dân chủ và tự quản địa phương đã phát huy tác dụng, dù HĐND cấp quận phường không còn tồn tại. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, ngoài nhiệt huyết, niềm tự hào về TP của cán bộ công chức và người dân thì cơ chế chính sách thu hút nhân tài, khen thưởng hợp lý và xử phạt nghiêm khắc cũng là yếu tố hình thành nên đội ngũ cán bộ công chức giàu chuyên môn, trong sạch và tận tụy với công việc hơn.
Từ những kết quả đó, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận với quy mô nhỏ, dân cư thuần nhất, cơ sở hạ tầng tốt, sự nhiệt huyết dám nghĩ, dám làm, dám chịu của người đứng đầu và cán bộ công chức, cùng với việc ưu tiên phát huy dân chủ và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, sự minh bạch thông tin và chính sách phát triển hợp lý, cơ cấu tổ chức và phối hợp hoạt động phù hợp với quy mô dân cư đã góp phần phát huy hiệu quả CQĐT Đà Nẵng trong quá trình thí điểm. Vì vậy, việc chọn Đà Nẵng xây dựng CQĐT để làm mô hình nhân rộng trong cả nước là thuận lợi và chín muồi nhất.
Để minh chứng cho việc xây dựng CQĐT tại Đà Nẵng là đã chín muồi thì một bộ chỉ số để đánh giá cũng rất quan trọng đó là bộ “chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI)” Năm 2012, Đà Nẵng không chỉ xếp trên cả TP Hồ Chí Minh, mà còn đứng đầu cả nước về các chỉ số thành phần như cung ứng dịch vụ công, công khai minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong bộ PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp với tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tiến hành xây dựng và đánh giá. Đây là công cụ để người dân chủ động và tích cực thể hiện nhu cầu bức thiết, mức độ hài lòng và đề xuất ý kiến về dịch vụ hành chính và dịch vụ công tại địa phương. Theo TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Chỉ số PAPI sẽ có tác dụng tham khảo tốt cho việc tiến tới xây dựng luật về CQĐT của TP Đà Nẵng.
Xuân Đương