Vì sao Đà Nẵng cắt chế độ ưu đãi với Trường chuyên Lê Quý Đôn?
Có ý kiến cho rằng việc cắt các chế độ đãi ngộ với học sinh, giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn được coi là cái nôi đào tạo nhân tài của Đà Nẵng để giảm chi hơn 4 tỷ đồng/năm là một bước lùi trong chính sách đào tạo của TP. Vậy Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh nói gì về việc này? Dưới đây là cuộc trao đổi giữa PV Báo Công an TP Đà Nẵng với ông Vĩnh.
PV: Ông đánh giá thế nào về chính sách ưu đãi đã duy trì suốt 14 năm này?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Năm 2005, Đà Nẵng triển khai chính sách ưu đãi miễn học phí cho học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn, đồng thời hỗ trợ 520 ngàn đồng/tháng với học sinh nội trú, 260 ngàn đồng/tháng với học sinh ngoại trú. Bên cạnh đó, TP hỗ trợ thêm 1 lần lương với giáo viên và 0,5 lần lương với nhân viên làm việc tại trường. Chẳng hạn lương giáo viên 5 triệu đồng/tháng thì sẽ nhận 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, cùng với cơ sở vật chất là số 1 cả nước lúc đó, thì các chính sách ưu đãi nổi bật dành cho giáo viên, học sinh đã giúp Trường Lê Quý Đôn nhanh chóng tạo nên thương hiệu đào tạo cho TP. Các chính sách này tạo sức hút lớn để thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao từ trong và ngoài TP chuyển về giảng dạy. Số lượng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế rất nhiều đã góp phần đưa thương hiệu trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) được cả nước biết đến.
PV: Nếu chính sách này tạo động lực tích cực thì vì sao phải cắt bỏ?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Đối chiếu với nghị định của Chính phủ học sinh trường chuyên không thuộc diện miễn học phí. Đà Nẵng qui định học sinh trường chuyên được miễn học phí là không đúng thẩm quyền và không phù hợp. Trên cơ sở đó, Sở đề nghị Trường chuyên Lê Quý Đôn phải thu học phí như các trường PTTH khác ở Q.Sơn Trà. Từng là hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, tôi cũng rất hiểu tâm tư của giáo viên, học sinh, nhưng đây là việc bất khả kháng. Chúng tôi đã cố gắng xin nhưng cả 3 Bộ đều nói trái quy định, kiểm toán còn đề nghị xuất toán việc làm sai các năm trước nữa.
PV: Việc cắt giảm chính sách ưu đãi này sẽ tác động thế nào đến trường chuyên Lê Quý Đôn, ngôi trường đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác tới thời điểm nay đã đầu tư mạnh mẽ cho trường chuyên. Tuy nhiên, trường chuyên đang chịu một sức ép rất lớn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách thi đại học. Trước đây thi tự luận các em học sinh trường chuyên điểm rất cao, bây giờ chuyển qua thi trắc nghiệm, một hình thức khác cho nên học sinh ngại vào trường chuyên. Bởi vì học sinh vào trường chuyên không có giải quốc gia, không được chuyển thẳng vào đại học thì không kịp học kiến thức thi trắc nghiệm mang tính chất mở rộng, và không đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Do đó, hiện nay phụ huynh và học sinh có một sự chọn lựa khác là chọn lựa học tiếng Anh cho thật giỏi và học các môn thi đại học sau đó ưu tiên số 1 là kiếm học bổng đi nước ngoài. Sức hút trường chuyên không còn như trước nữa. Có thể hình dung đơn giản thế này, thi trắc nghiệm yêu cầu học phải dàn đều và không quá khó như thi tự luận, mà học sinh trường chuyên thì học rất chuyên sâu, 2 cái đó bản thân mâu thuẫn với nhau. Không thể 1 em học sinh vừa học sâu vừa học rộng được. Trong bối cảnh hiện nay mô hình trường chuyên không còn hấp dẫn trên toàn quốc nữa, dù chúng ta có chính sách ưu đãi đến mấy chăng nữa. Cái đó mới là nguyên nhân lớn nhất.
PV: Có ý kiến cho rằng hơn 4 tỷ đồng mỗi năm dành ưu đãi cho Trường Lê Quý Đôn không phải lớn, nhất là trong bối cảnh, nhiều năm liền TP không có học sinh đạt giải quốc tế, vì thế nên tìm mọi cách duy trì? Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Đúng là với các chính sách ưu đãi cho Trường chuyên Lê Quý Đôn mỗi năm TP chi phí hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cắt những ưu đãi đó, Sở cũng đề xuất hỗ trợ theo hướng mới thiết thực hơn. Cụ thể với học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế sẽ được tăng tiền thưởng gấp đôi, giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế được tăng gấp 4 lần. Cụ thể hiện tại mỗi tiết học giáo viên nhận 80 ngàn đồng thì sắp tới sẽ nhận 350 ngàn đồng/tiết. Hiện tại mỗi năm TP đạt từ 45 tới 56 giải quốc gia, tuy nhiên giải quốc tế thì 3 năm qua không có. Nếu tính tổng cộng ưu đãi mới mỗi năm TP cũng chi khoảng 3 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt trong chính sách đãi ngộ so với trước. Trong tháng 8-2018, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Trường Lê Quý Đôn cũng nêu quan điểm, Trường chuyên Lê Quý Đôn không phải là nơi cào bằng để học sinh nào vào đó cũng được nhận một khoản ưu đãi của nhà nước. Bây giờ, chỉ những học sinh và giáo viên xuất sắc, có giải quốc gia, quốc tế mới được ưu đãi, điều này hoàn toàn phù hợp. Việc không thể ưu đãi giáo viên, nhân viên như trước được nữa thì cũng đành lòng vậy.
PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
HẢI QUỲNH (thực hiện)