Vì sao Đà Nẵng rút đề nghị viện trợ không hoàn lại dự án Nhà máy nước Hòa Liên?

Thứ năm, 15/11/2018 07:48

Đi kèm với những bức xúc về tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa qua kèm theo “nghi án ém nước có động cơ”, nhiều luồng dư luận cũng xoáy vào tìm hiểu và phân tích vì sao Đà Nẵng “chưa giàu đã làm sang” từ chối khoản vay không hoàn lại của Nhật Bản để đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Chúng tôi đã tiếp cận được những tài liệu để có cái nhìn khách quan về câu chuyện này.

Nhà máy nước Cầu Đỏ hiện phải gồng mình để cung cấp khoảng 95% nhu cầu nước cho toàn TP Đà Nẵng. 

CÂN NHẮC LỢI THẾ KHI TỰ HUY ĐỘNG VỐN

Theo hồ sơ do Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cung cấp cho chúng tôi, dự án Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày và các công trình phụ trợ được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 2-2012 thuộc phân kỳ 2 Dự án mở rộng Hệ thống cấp nước Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Cty Cấp nước Đà Nẵng khi đó còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được giao làm chủ đầu tư. Tháng 3-2012, Đà Nẵng đã thống nhất cho Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu khả thi Nhà máy nước Hòa Liên và đường ống nước thô theo hình thức Hợp tác công tư (PPP). Hai năm sau đó, JICA đã nộp Báo cáo khả thi cho UBND TP Đà Nẵng kèm theo đề xuất thành lập một doanh nghiệp dự án (SPC) gồm các Cty Nhật, Dawaco và các nhà đầu tư khác sử dụng vốn vay từ ADB, JICA và các nhà tài trợ để cung cấp nước với giá bán sỉ tại Nhà máy cho Dawaco thông qua đấu thầu giữa các cty của Nhật. Giá bán sỉ năm đầu tiên được đề xuất là 7.690 đồng/m3 và hoàn toàn không có viện trợ không hoàn lại. Giá nước này không phù hợp để đầu tư, vì bán lẻ tới người tiêu dùng sẽ lên đến 8.782 đồng/m3, lớn hơn giá nước đã đề xuất tại Dự án vay vốn ADB là 7.918 đồng/m3.

Sau khi đồng ý cung cấp cho doanh nghiệp dự án một khoản vay từ nguồn tài chính Đầu tư khu vực tư nhân để thực hiện xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để xây dựng tuyến ống nước thô và công trình thu nước nhằm giảm giá nước và đảm bảo tính khả thi của dự án. Giá nước bán sỉ năm đầu tiên là 5.690 đồng/m3. Do đó, đến tháng 9-2014, Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy  nước Hòa Liên theo hình thức PPP với phương án có sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật cho các Cty Nhật Bản. Tuy nhiên, JICA đã từ chối viện trợ không hoàn lại cho dự án này. Đến tháng 3-2015, ADB thông báo không tài trợ cho phân kỳ 2 Dự án đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Khi đó, các Cty Nhật đề xuất lại giá nước mới là 6.260 đồng/m3 với phương án không có viện trợ không hoàn lại của JICA nên Đà Nẵng chưa chấp thuận.

Tháng 6-2015, Dawaco đã xin chủ trương đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên theo phương án Dawaco tự đầu tư từ nguồn vốn vay trong nước với giá nước là 4.800 đồng/m3 nhưng cũng chưa được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận. Một năm sau, các Cty Nhật Bản đề xuất lại phương án đầu tư mới: dự án sẽ được thực hiện theo hình thức PPP, trong đó chỉ lựa chọn nhà đầu tư giữa các Cty Nhật Bản và Chính phủ Nhật sẽ viện trợ không hoàn lại cho phần đập ngăn mặn, tuyến ống nước thô và trạm bơm. Tiền viện trợ sẽ được chuyển cho Cty Nhật Bản trúng thầu. Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án khoảng 5.429 tỷ đồng và giá nước mới là 5.410 đồng/m3 cho năm đầu tiên Nhà máy đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp SPC Nhật Bản này sẽ vận hành Nhà máy nước Hòa Liên trong thời gian 20 năm, vốn sẽ góp từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư và vay từ các ngân hàng Nhật Bản, JICA. Tháng 10-2016, UBND thành phố đã giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng chuẩn bị dự án theo hình thức PPP. Phương án này đã được UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất trình Chính phủ phê duyệt theo lộ trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022. Đến ngày 9-2-2017, Dawaco có hồ sơ gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị đầu tư dự án bằng nguồn vốn tự cân đối với tổng mức đầu tư thấp hơn nhiều là 1.243,71 tỷ đồng, giá nước tại nhà máy dự kiến năm 2020 là 4.600 đồng/m3.

Vào tháng 2-2017, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu nguồn nước sinh hoạt của thành phố đồng thời phân tích, so sánh các phương án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Văn bản cho biết: Phương án do Dawaco đưa ra có nhiều lợi thế do sử dụng nguồn vốn trong nước, chi phí đầu tư thấp hơn, giá nước rẻ hơn và thời gian triển khai dự án sớm hơn so với phương án đầu tư dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của phía Nhật Bản. Đặc biệt, phương án này đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc dùng nước của thành phố Đà Nẵng giai đoạn hiện nay. Lý giải thêm về việc chọn phương án do Dawaco đưa ra, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, kể từ khi cổ phẩn hóa vào tháng 11-2016, Dawaco mạnh dạn xin tự đầu tư do việc huy động vốn thuận lợi hơn. Ngoài ra, Dawaco hiện nay đang triển khai dự án Mở rộng hệ thống cấp nước giai đoạn 2012-2018 nên có thể chủ động đấu nối mạng lưới cấp nước với nhà máy nước Hòa Liên. “Nhu cầu cấp nước của thành phố là rất cấp thiết trong những năm đến, cần phải đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để sớm khai thác, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của thành phố trong thời gian đến. Trên cơ sở đó, ngày 16-2-2017, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã họp và thống nhất phương án tự đầu tư của Cty Dawaco là khả thi và đáp ứng nhu cầu”, văn bản kết luận kèm theo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Ngày 25-5-2017, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý không sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các công trình phụ trợ Nhà máy nước Hòa Liên. Từ báo cáo của Đà Nẵng, ngày 24-7-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo việc rút đề nghị sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án “Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên” để đầu tư bằng nguồn vốn trong nước. Cũng tại văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong Chính phủ Nhật Bản thông cảm và xem xét sử dụng khoản viện trợ này cho các dự án ưu tiên khác nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Đà Nẵng.

 

“KHÔNG CÓ CHUYỆN ÉM NƯỚC HAY TIẾT KIỆM TIỀN ĐIỆN”

Trước những thông tin cho rằng Dawaco đã không vận hành hết công suất trạm bơm An Trạch để cung cấp nước cho 2 nhà máy nước Sân bay và Cầu Đỏ dẫn đến “cú sốc” thiếu nước gây bức xúc cho người dân trong 3 ngày 5, 6 và 7-11, ông Hồ Hương – Tổng giám đốc Dawaco cho biết: “Tôi thật sự đáng tiếc vì anh em không trao đổi để hiểu rõ bản chất câu chuyện mà chỉ thấy hiện tượng như vậy rồi phản ánh khiến dư luận hiểu nhầm. Không có chuyện ém nước hay tiết kiệm tiền điện ở đây”.

Theo ông Hương, dư luận thấy vô lý là trạm An Trạch công suất 300.000m3/ngày đêm, cao hơn nhu cầu sử dụng của toàn thành phố ở thời điểm hiện tại thì vì sao lại thiếu nước? Thực tế công suất 300.000 m3/ngày đêm là công suất thiết kế theo tiến độ đầu tư đến ngày 1-1-2023, còn thực tế hiện tại công suất chỉ mới đạt 210.000 m3/ngày đêm. Con số thì đúng nhưng là trong tương lai chứ không phải bây giờ, chính điều đó gây hiểu nhầm cho người dân và báo chí. Với nghi vấn trạm có 6 máy nhưng chỉ vận hành 3 máy để tiết kiệm tiền điện xử lý nước thô, ông Hương cho biết, thực tế là 3 máy hoạt động đủ để đáp ứng cho nhiệm vụ sản xuất nước, chi phí tiền nước thu và tiền điện để vận hành đập An Trạch đã được tính trong phương án giá. Cuối năm hạch toán tiền điện, nếu còn dư sẽ nộp vào ngân sách. “Tôi khẳng định là không thể có câu chuyện không cho máy hoạt động để tiết kiệm tiền điện. Anh em thấy vậy thì có quyền nghi ngờ, nhưng tiếc là không tìm hiểu  kỹ, chưa rõ ràng, chưa có thông tin đầy đủ. Câu chuyện chỉ có thế thôi”, ông Hương nói.

Khi được hỏi trong tương lai liệu sự cố thiếu nước nghiêm trọng xảy ra vào ngày 5, 6 và 7-11 vừa qua có nguy cơ lặp lại hay không, ông Hương cho hay, để nguồn nước luôn đảm bảo thì phải ngăn mặn từ đầu nguồn. Sẽ có 3 phương án để khắc phục: Thứ nhất là xây đập ngăn mặn tại Cầu Đỏ để lấy nước trực tiếp tại đây, không phụ thuộc trạm An Trạch. Thứ hai là đầu tư nâng cấp trạm An Trạch để cung cấp nước thô cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay. Thứ ba là xây dựng thêm nhà máy nước tại An Trạch. “Vấn đề chính là ngăn mặn. Nếu ngăn được mặn thì không lo thiếu nước. Chúng tôi đã đề xuất phương án cụ thể nhưng giờ thành phố đang xem xét”, ông Hương nói.

CÔNG KHANH

Bộ TN&MT kiểm tra tình trạng thiếu nước tại Đà Nẵng

Hôm nay, 15-11, Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn sẽ làm việc với Cty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng để kiểm tra, khảo sát thực tế việc khai thác, sử dụng nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Trước đó, ngày 13-11, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có công văn hỏa tốc gửi Sở TN&MT TP Đà Nẵng, các Cty quản lý, vận hành hồ A Vương, Đắc Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Cty Thủy lợi Đà Nẵng về việc kiểm tra, khảo sát lần này. Mục đích của Đoàn kiểm tra nhằm nắm bắt thực trạng cấp nước, nhiễm mặn sông Cầu Đỏ, việc vận hành hệ thống các hồ chứa thủy điện, hệ thống đập dâng An Trạch phía thượng lưu có liên quan đến việc sử dụng nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Cũng trong ngày 13-11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, TP Đà Nẵng về việc đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019. Theo văn bản này, lượng nước tích được của các hồ đạt tỷ lệ rất nhỏ (từ 20%-45%), nếu so với yêu cầu lượng nước tối thiểu vào đầu mùa cạn cũng mới chỉ đạt từ 35%- 50%. Cùng với đó, theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mưa trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% - 50%. Vì vậy, nếu từ nay đến cuối năm tình hình mưa lũ không có những đột biến đáng kể thì nguy cơ thiếu nước ngay trong mùa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với đó là nguy cơ thiếu nước trong mùa cạn cuối năm 2018 đầu năm 2019 cũng sẽ nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ các hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu; rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước từ nay đến cuối mùa lũ dưới hạ du các hồ và có phương án bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

HẢI QUỲNH