Vì sao dự án đường gần 345 tỷ đồng được điều chỉnh đội vốn khi gần hoàn thành?
Dự án đường Phú Mỹ - Thuận An được HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế thống nhất chủ trương đầu tư tại văn bản số 213/HĐND-TH ngày 30-10-2015 và điều chỉnh chủ trương tại văn bản số 86/HĐND-THKT ngày 10-6-2019. Dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh tại quyết định số 2356/QĐ-UBND ngày 11-10-2017 và quyết định số 2110/QĐ-UBND ngày 30-8-2019.
Tuyến đường có tổng chiều dài 4.178,94m, nền đường rộng 36m, mặt đường 21m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa, móng cấp phối đá dăm, vỉa hè lát gạch Terrazzo. Dự án còn có các hạng mục như xây dựng mới hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, trồng cây xanh trên toàn tuyến, xây dựng khu tái định cư.
Tổng mức đầu tư dự án là 344,985 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 5 năm kể từ ngày khởi công. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp và đã được khởi công từ tháng 9-2018. Đến nay, gói thầu xây lắp khu tái định cư đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Gói thầu đoạn tuyến km0+00- km3+283,87 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, thảm bê tông nhựa lớp 1 được 3,28km, lớp 2 được 2,0km.
Gói thầu đoạn tuyến km3+283,87- km4+178,49 đã hoàn thành công tác đắp gia tải và chờ lún kỹ thuật để tiến hành các bước tiếp theo. Dự kiến vào tháng 9-2023 dự án thông xe toàn tuyến.
Khi dự án đang ở giai đoạn gần hoàn thành thì mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên -Huế thông qua nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 344,985 tỷ đồng thành 371,850 tỷ đồng (tăng 26,865 tỷ đồng), quy mô đầu tư dự án không thay đổi.
Lý giải cho việc đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đưa ra nhiều lý do. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế, dự án được phê duyệt từ năm 2017, đến nay qua quá trình triển khai thực hiện thì tổng mức đầu tư của dự án đã vượt so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, từ 344,985 tỷ đồng thành 371,850 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng dự án tăng từ 266,898 tỷ đồng lên 302,144 tỷ đồng, tăng 35,246 tỷ đồng. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng từ 34,611 tỷ đồng lên thành 41,028 tỷ đồng, tăng 6,417 tỷ đồng. Chi phí quản lý dự án tăng từ 3,826 tỷ đồng lên 4,334 tỷ đồng, tăng 508 triệu đồng. Chi phí tư vấn đầu tư tăng từ 10,266 tỷ đồng lên thành 10,462 tỷ đồng, tăng 196 triệu đồng. Chi phí khác từ 13,110 tỷ đồng giảm xuống còn 2,448 tỷ đồng, giảm 10,662 tỷ đồng. Chi phí dự phòng từ 16,274 tỷ đồng giảm xuống còn 11,435 tỷ đồng, giảm 4,839 tỷ đồng.
Nguyên nhân tổng mức đầu tư dự án tăng 26,865 tỷ đồng trong khi quy mô đầu tư dự án không thay đổi là do phải điều chỉnh các chế độ chính sách (vật liệu, nhân công, máy thi công), điều chỉnh thiết kế, bổ sung cây xanh trên dải phân cách giữa cho toàn tuyến.
Để đảm bảo nguồn vốn bố trí cho dự án, Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn của các dự án khả năng không sử dụng hết và các dự án khác không có khả năng triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đối với phần chi phí tăng thêm 26,865 tỷ đồng của tổng mức đầu tư dự án.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế, nội dung điều chỉnh dự án chủ yếu điều chỉnh tổng mức đầu tư. Nguyên nhân điều chỉnh chủ yếu do dự án được thực hiện trong thời gian dài nên đã có sự biến động tăng về giá nhân công, vật liệu, ca máy. Việc điều chỉnh tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng do áp dụng chính sách mới về đơn giá đền bù. Ngoài ra, dự án bổ sung hạng mục trồng cây xanh trên dải phân cách nhằm bảo đảm tính đồng bộ với tuyến đường Thủy Dương- Thuận An.
Việc điều chỉnh giảm chi phí khác, chi phí dự phòng do áp dụng quy định mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc điều chỉnh không làm thay đổi quy mô và thời gian thực hiện dự án và Ban Kinh tế- Ngân sách thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh.
Hầu Tỷ