Vì sao Ecuador “cưu mang” ông chủ Wikileaks?

Thứ tư, 22/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Hôm 16-8, dư luận thế giới một phen ồn ĩ về chuyện Ecuador đồng ý trao quy chế tị nạn chính trị cho Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks, bất chấp cảnh báo của Anh.

Ông Assange hiện vẫn đang cư trú tại Đại sứ quán Ecuador tại Anh, cũng vừa có bài phát biểu trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi ở nơi này hồi tháng 6, trong đó cảm ơn chính phủ Quito; kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama “làm điều đúng” và “từ bỏ cuộc săn đuổi chống WikiLeaks”. Có thể thấy rằng, câu chuyện quanh việc cấp quy chế tị nạn đã thực sự làm gia tăng một khủng hoảng ngoại giao mới khi London vẫn kiên quyết dẫn độ Assange đến Thụy Điển chịu tội bằng biện pháp có thể là tấn công Đại sứ quán Ecuador. Vì sao Ecuador lại bất chấp tất cả để cứu Julian Assange trong khi Anh cũng nỗ lực để bắt người sáng lập này?

Hành động “dũng cảm”?

Sau hơn 2 tháng tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London để tránh bị Anh dẫn độ đến Thụy Điển, chính phủ Tổng thống Rafael Correa chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange vì lo ngại tính mạng của ông này bị đe dọa. Ông Assange hoan nghênh quyết định này là “hào phóng và dũng cảm” bởi Ecuador không phải là quê hương ông nhưng lại đứng ra bảo vệ ông.

Theo Bộ trưởng NGOạI giao Ecuador, Ricardo Patino, ông Assange xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador từ tháng 6-2012 tránh nguy cơ bị áp giải sang Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc tấn công và lạm dụng tình dục. Ông Patino còn cáo buộc Anh công khai đe dọa xâm nhập vào đại sứ quán bắt giữ Assange nếu Quito không giao Assange cho Anh. Phía Ecuador coi sự đe dọa này hoàn toàn không thích hợp và xem là hành động thiếu thiện chí, thù địch, đe dọa chủ quyền. Ông Correa tuyên bố, chừng nào ông còn là tổng thống thì Quito sẽ không chấp nhận lời đe dọa của Anh về việc tấn công Đại sứ quán Ecuador để bắt giữ ông Assange. Tổng thống Ecuador còn cho biết, ông vẫn chưa nhận được sự bảo đảm nào của London về việc ông Assange sẽ không bị dẫn độ sang một nước thứ 3 (ám chỉ Mỹ).

Nhưng phía Anh vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm muốn bắt giữ Assange để dẫn độ về Thụy Điển theo bộ “Luật trụ sở ngoại giao và lãnh sự 1987”. Theo Bộ luật này, Anh có quyền gỡ bỏ quyền ngoại giao của đại sứ quán trên lãnh thổ của mình, cảnh sát Anh được thâm nhập vào trong đại sứ quán bắt giữ ông Assange vì vi phạm các điều khoản tại ngoại hoặc Assange cũng có thể bị bắt khi rời khỏi đại sứ quán. 

 Ông Assange phát biểu trước giới báo chí từ ban-công Đại sứ quán Ecuador. Ảnh: Reuters

Câu hỏi vì sao

Mổ xẻ câu hỏi vì sao Ecuador bất chấp tất cả để trao quyền tị nạn cho Assange, giới chuyên gia cho rằng, việc này không có gì khó hiểu. Từ thế kỷ XIX trở lại đây, việc cho phép tị nạn ngoại giao hầu như biến mất tại Châu Âu, song ở khu vực Mỹ Latinh vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy việc làm của Ecuador không có gì bất ngờ và việc giải quyết các tranh chấp về quy chế tị nạn như thế này cũng rất phức tạp, thường được dàn xếp giữa các quốc gia với nhau.

Ví dụ, Peru và Colombia đưa nhau ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) năm 1950 liên quan đến việc Victor de la Haya, thủ lĩnh phong trào nổi dậy bất thành ở Peru bị chính quyền truy nã, chạy vào đại sứ quán Colombia ở Lima tị nạn. Người này sau đó được chính phủ Colombia cho phép tị nạn chính trị mặc dù Peru không đảm bảo an toàn khi ra khỏi biên giới nước này. Tòa án nói trên đã phán quyết, việc tị nạn nói trên là không hợp pháp trừ khi đã có hiệp ước hoặc thỏa thuận được các quốc gia ký kết. Tương tự, trường hợp Julian được trao quyền tị nạn không có nghĩa là Ecuador có thể bảo toàn được tính mạng cho Julian và nếu chính phủ Anh chính thức có yêu cầu trao trả Assange thì Ecuador phải có nghĩa vụ pháp lý tuân theo. Tuy nhiên, phía Anh đang có ý định đàm phán để tìm ra giải pháp tối ưu.

Trong trường hợp thương lượng giữa Ecuador và Anh bị bế tắc, thì không hiểu Assange sẽ được sống bao lâu trong đại sứ quán của Ecuador. Trong khi đó, Thụy Điển đang chờ Anh dẫn độ về để xét xử tội danh tấn công và quấy rối tình dục mà Julian đang bị cáo buộc. Vì vậy, tuy được Ecuador trao quyền tị nạn nhưng sự việc không kết thúc ở đây được, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm như trường hợp Haya đề cập.

Và quan trọng hơn, người ta lo ngại sự việc lần này sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới về ngoại giao giữa Ecuador, Mỹ, Anh và Thụy Điển”.

Kẻ thù của Mỹ

Julian Assange lo sợ nếu ông bị dẫn độ đến Thụy Điển, thì sau đó chắc chắn sẽ bị dẫn độ đến Mỹ – nơi Assange từng khuấy đảo với việc công bố hàng triệu tài liệu tối mật của Washington.

Mặc dù sau đó Assange đang bị quản thúc nhưng trang WikiLeaks vẫn không ngừng đăng tải những “thâm cung bí sử”, trong số này có thêm một núi thông tin mới do nhóm hacker Anonymous cung cấp. Nếu được tung lên mạng sẽ làm cho nhiều chính phủ phải đau đầu, nhất là Mỹ và các nước phương Tây. Với 5 triệu emai đã được phân loại do Anonymous có được từ Statfor, một Cty bảo mật ở bang Texas của Mỹ cung cấp. Đây là những bức thư điện tử được giao dịch từ tháng 6-2004 đến tháng 12-2011 mang tính tình báo toàn cầu nói về rất nhiều hoạt động bí mật liên quan đến Cty sản xuất hóa chất Don Chemical, các tập đoàn Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon và một số Cty sân sau của Mỹ.

Khắc Hùng

(Theo WP/DM)