Vì sao giá hàng điện máy cao-thấp khác nhau?
(Cadn.com.vn) - Nhiều khách hàng cứ nghĩ, ở siêu thị thì ở đâu cũng giá như nhau, nếu chênh nhau cũng chỉ số tiền lẻ. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm.
Loạn giá
Chị Tường Viễn (trú Q. Hải Châu) có ý định mua một bộ hàng điện máy (tủ lạnh, tivi, máy nước nóng, 1 đầu đĩa). Chị đi 4 siêu thị (Viettronimex, siêu thị Chợ Lớn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Siêu thị BigC, Phan Khang) để khảo sát giá và quả thật siêu thị nào cũng có chương trình khuyến mãi giảm giá in ngay trên giá sản phẩm và chênh lệch nhau khá nhiều lên đến hàng trăm ngàn đồng.
Nếu khách hàng có thời gian, muốn mua một số sản phẩm điện máy tại các siêu thị điện máy Đà Nẵng, từ BigC, Phan Khang, Chợ Lớn, Co.opmart, Viettronimex, Metro... thì thấy sự khác biệt nhau về giá cả của một số mặt hàng cùng loại của một nhà sản xuất với thời hạn bảo hành như nhau. Chẳng hạn, máy giặt Sanyo có sóng siêu âm loại 7 kg và 9 kg siêu tiết kiệm điện (160kW) tại siêu thị BigC Đà Nẵng có giá 4,89 triệu đồng và 7,4 triệu đồng; tại siêu thị Phan Khang có giá 4,86 triệu đồng và 7,12 triệu đồng; siêu thị Chợ Lớn có giá 5,199 triệu đồng và 7,999 triệu đồng; tại siêu thị Viettronimex có giá 5,26 triệu đồng và 7,68 triệu đồng... Không những máy giặt Sanyo mà hầu hết các thương hiệu khác như Sharp, Panasonic, Toshiba,
Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Trợ lý Giám đốc Big C Đà Nẵng cho biết, mỗi siêu thị có thế mạnh một số nhóm mặt hàng vì có quan hệ tốt với đối tác cung cấp, được các nhà sản xuất chọn là nhà phân phối cấp 1; đồng thời mỗi siêu thị có một chiến lược kinh doanh khác nhau và thường các sản phẩm của siêu thị này đang trong mùa khuyến mãi nên giá sẽ có sự khác biệt nhau.
Hàng điện máy đang có nhiều mức giá khác nhau ở các siêu thị.
"Chiêu" khuyến mãi
Như bà Hoàng Ánh nói ở trên, giá cả khác nhau một phần vì các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào các chương trình này. Câu chuyện sau đây của anh Nguyễn Trọng Hùng (Q. Thanh Khê): "Mấy năm trước, khi siêu thị Đà Nẵng còn hoạt động, phía bên hông của nó có một gian hàng gốm sứ. Có lần, buổi trưa nắng, gian hàng khách vắng, tôi ghé định mua một bộ ấm chén. Tôi quan sát thấy một người đàn ông, có lẽ là trưởng quầy, lúi húi cắt dán những tờ giấy nhỏ bằng ngón tay lên từng sản phẩm. Nhìn kỹ, đó là những tờ ghi % giảm giá. Ví dụ, bộ ấm chén gốm Giang Tây đại hạ giá đến 60%. Thế nhưng, vô tình, tôi lại phát hiện thêm, anh ta đã lột niêm yết giá cũ xuống và dán giá mới lên. Bộ gốm sứ Giang Tây mà tôi định mua có giá cũ là 400 nghìn đồng nhưng đã bị niêm yết theo giá mới là 1 triệu đồng. Thế là, sản phẩm có giá 400 nghìn đồng, sau khi "đại hạ giá" 60% vẫn... còn nguyên 400 nghìn đồng!? Kể từ đó, tôi không bao giờ còn tin vào các chương trình khuyến mãi nữa, dù được nghe đến rất nhiều".
Tất nhiên, không phải chương trình khuyến mãi nào cũng bị đánh tráo như anh Hùng chứng kiến. Song, trong kinh doanh, không ai lạ "chiêu" giảm giá rất sâu nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng thực tế hầu hết các mặt hàng đã bị đẩy giá lên rất cao trước đó. Khảo sát một số mặt hàng điện máy thuộc diện giảm giá của các siêu thị, chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm này không hề rẻ hơn mà vẫn có giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn trên thị trường. Cụ thể, tại một số siêu thị, máy nước nóng Ariston có bơm trợ lực được bán với giá 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, ở một số đại lý bán lẻ chiếc máy này được bán với giá 2,4 triệu đồng, chưa mặc cả.
Không chỉ đồ điện máy, mà một số mặt hàng tiêu dùng khác như sữa tại các siêu thị cũng có giá cao hơn so với thị trường, mặc dù có treo biển khuyến mãi giảm giá. Như vậy, thực chất giá các mặt hàng trong chương trình khuyến mãi của một số siêu thị không hề rẻ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
* Không được ghi giá
Cửa hàng và siêu thị
Trong vai khách mua hàng, chúng tôi tiến hành ghi lại giá cả các mặt hàng điện lạnh, nhân viên quản lý các siêu thị đều ngăn cản và khi đề nghị xin bảng giá thì cũng bị từ chối cung cấp.
Cửa hàng bán lẻ là đối thủ cạnh tranh của các siêu thị. Dù xu hướng tiêu dùng đang hướng về siêu thị ngày càng nhiều hơn nhưng các cửa hàng này vẫn tìm được hướng đi khá bền vững (trong khi không ít siêu thị sập tiệm). Một trong những cách thức tồn tại của nó là cạnh tranh về giá.
Theo ông Lê Văn Nên, Giám đốc một Cty có nhiều cửa hàng điện lạnh (chúng tôi xin phép không đề cập rõ tên cửa hàng để tránh "định hướng" theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh) cho biết: "Thông thường, ở một số siêu thị các mặt hàng đều được nhà kinh doanh tăng giá bán lên cao hơn so với quy định của nhà sản xuất để bù lại cho khách hàng một sản phẩm khuyến mãi không có giá trị. Vì vậy, khi định mua 1 sản phẩm, người tiêu dùng nên tham khảo giá tại nhiều siêu thị, cửa hàng nếu không sẽ bị móc túi một số tiền không nhỏ.
Đại diện siêu thị (giấu tên) cho biết, với các siêu thị lớn, các hãng sản xuất luôn có quy định về giá bán lẻ, giá niêm yết để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong khi đó, những cửa hàng nhỏ lại không bị ràng buộc chặt quy định này nên có thể hạ giá thấp để thu hút khách, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, khi mua tại các siêu thị, người tiêu dùng thường được hưởng trọn gói ưu đãi của hãng sản xuất như sản phẩm đi kèm... Ở một số cửa hàng nhỏ lẻ trên thị trường, quà tặng từ nhà sản xuất có thể được tách bán riêng, rồi họ trừ trực tiếp số tiền đó vào hàng hóa, nhằm hạ giá để cạnh tranh.
Giá cả không phải là nhân tố duy nhất đáng quan tâm của khách hàng khi quyết định chọn mua sản phẩm, bên cạnh nó còn có dịch vụ, hậu mãi, thậm chí cả sự thuận tiện và thái độ của người bán hàng... Tuy nhiên, một khi giá cả quá chênh lệch nhau thì mỗi người tiêu dùng nên tham khảo kỹ các nhà phân phối khác nhau trước khi đưa ra quyết định.
Xuân Đương