Vì sao gia tăng tỷ lệ nữ sinh liên quan bạo lực học đường?

Thứ sáu, 01/04/2022 15:49
Đơn cử, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, tại H. Hòa Vang (Đà Nẵng) xảy ra hai vụ việc liên quan đến nữ sinh đánh nhau khiến dư luận lấy làm quan ngại. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh THCS ở tỉnh Quảng Trị đánh túi bụi một nữ sinh ngay trong lớp học. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu cam chịu, không một sự phản kháng. Điều đáng buồn hơn cả, những HS khác ngồi trong lớp thấy bạn bị đánh nhưng không ai can ngăn...

Cũng mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, một nữ sinh bị bạn đánh hội đồng nhưng cha mẹ, thầy cô không hề hay biết. Chỉ đến khi mạng xã hội tung clip thì gia đình và nhà trường mới hay biết... Nhìn vào bản chất của các vụ bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh thời gian gần đây, có thể thấy cách hành xử của các nữ sinh trong giải quyết mâu thuẫn manh động không kém gì nam giới. Quan ngại hơn nữa, hầu hết các vụ việc được phát hiện, phát tán lên mạng xã hội đều là nữ sinh bậc THCS. Đã đến lúc vấn đề bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh cần được nhìn nhận thấu đáo, không nên né tránh, xem đây chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, cá biệt. Thực tế, những vụ việc được phát hiện là do được ai đó quay và tung lên mạng. Còn bao nhiêu trường hợp bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh bị bưng bít, che giấu?

Vì sao bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh ngày càng có dấu hiệu gia tăng, phổ biến hơn trước? Ngoài các nguyên nhân: Nhà trường và gia đình quá chú trọng, nặng dạy kiến thức nên đôi khi lơ là, chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống cho HS; ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, phim ảnh bạo lực, game online; chuyển biến về mặt tâm lý v.v, thực trạng bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh còn bởi do nhận thức nông nổi, cách hiểu sai về giới tính và bình đẳng giới ở một bộ phận nhỏ nữ sinh THCS.

Có nữ sinh hồn nhiên bức xúc rằng, tại sao nam sinh đánh nhau ít bị dư luận đánh giá hơn nữ sinh. Trong khi cả xã hội đều công nhận nam nữ bình đẳng như nhau? Từ nhận thức nông nổi này, một bộ phận nữ sinh cho rằng, việc đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn là chuyện... bình thường. Thậm chí, có em còn cho đó là cách để... thể hiện cái tôi của riêng mình. Từ cách hiểu sai lệch đó, một bộ phận nữ sinh quên mất đi, chính những đặc trưng khác biệt đã tạo nên nét đẹp giới tính của phái nữ. Rằng, ở bất kỳ thời đại nào, vẻ đẹp cũng là sức mạnh của phái nữ chính là sự dịu dàng, công dung, ngôn, hạnh.

Theo các nhà tâm lý và các nhà quản lý giáo dục, xét về góc độ tâm lý, nữ giới thường dậy thì sớm hơn nam giới nên tâm sinh lý của các em nữ sinh ở độ tuổi THCS rất phức tạp. Vì vậy, ở độ tuổi này các em cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục, định hướng từ phụ huynh và nhà trường. Trong đó, cần đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho HS nói chung, nữ sinh nói riêng nhận thức đúng về hành động đẹp, tăng cường trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh, tố giác trước những biểu hiện liên quan đến bạo lực học đường. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính, giúp các em hiểu đúng bản chất giới tính của mình, tránh hiểu nhầm, hiểu chưa đúng về giới tính và giới. Mặt khác, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, nắm bắt được tâm tư, tình cảm cùng những diễn biến tâm lý bất thường ở độ tuổi này để cùng đồng hành kiểm soát, tìm giải pháp để hạn chế tối đa hiện tượng đã, đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong môi trường giáo dục thời công nghệ.

Bên cạnh sự quan tâm, giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô, bản thân mỗi HS cũng phải có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, tìm hiểu, nâng cao ý thức trong cách ứng xử, hành động; có ý thức đấu tranh trước những hành vi bạo lực trong học đường. Đặc biệt, không được thờ ơ, vô cảm khi thấy bạn bị hành hung mà không can ngăn, không kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè, mọi người xung quanh nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực trong học đường...

KHÁNH YÊN