Vì sao Italy muốn rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường?

Thứ ba, 01/08/2023 09:45
Ngày 30-7, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosett lên tiếng rằng nước này đang cân nhắc cách để rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh.
Lãnh đạo Trung Quốc và Italy chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc Italy tham gia BRI trong chuyến thăm Italy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 3-2019. Ảnh: AFP
Lãnh đạo Trung Quốc và Italy chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc Italy tham gia BRI trong chuyến thăm Italy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 3-2019. Ảnh: AFP

"Sai lầm" của chính phủ tiền nhiệm

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho rằng quyết định năm 2019 của chính quyền cựu Thủ tướng Giuseppe Conte để Italy tham gia BRI là một hành động "ngẫu hứng và sai lầm dẫn đến kết quả tiêu cực kép".

Theo ông Crosetto, việc chính quyền tiền nhiệm tham gia BRI vào năm 2019 không giúp ích được nhiều cho hoạt động xuất khẩu của Italy. BRI chỉ giúp tăng nguồn xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này nhưng không có tác động ngược lại. "Chúng ta đã xuất khẩu một lượng cam sang Trung Quốc trong khi họ đã tăng gấp 3 lần xuất khẩu sang Italy trong 3 năm. Một nghịch lý là Pháp, quốc gia không ký hiệp ước nào với Trung Quốc, đã bán máy bay cho Bắc Kinh với giá hàng chục tỷ USD", ông nói.

Ông Crosetto cho rằng, việc tham gia BRI không mang lại nhiều lợi ích cho Italy và đẩy Rome vào thế khó. Italy giờ đây đối mặt với câu hỏi rằng làm cách nào để rút khỏi BRI mà không ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc. "Vấn đề hiện nay là làm sao để rút khỏi sáng kiến BRI mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng cũng là đối tác", Bộ trưởng Crosetto nói thẳng.

Áp lực từ Mỹ?

BRI là sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2012, nhằm củng cố các tuyến thương mại kết nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Bắc Kinh đã chi hơn 900 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến này. BRI nhằm kết nối Bắc Kinh với châu Á, châu Âu và các khu vực xa hơn nữa với những khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng. Các nhà quan sát cho rằng BRI là công cụ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.

Thỏa thuận BRI giữa Trung Quốc và Italy được ký kết vào năm 2019 trong chuyến thăm Italy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3-2019. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ (MoU) về việc Italy tham gia BRI. Italy là thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên và duy nhất ký Bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc.

Khi đó, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho biết các thỏa thuận được ký giữa hai nước có giá trị ban đầu là 2,5 tỷ EUR và có thể sẽ tăng lên tới 20 tỷ EUR những năm tiếp theo. Tổng thống Italy Sergio Mattarella đánh giá sẽ tạo "điều kiện tuyệt vời" để mối quan hệ hai nước phát triển. Italy, đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế khi đã rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật," đang kỳ vọng sẽ có được những cơ hội đầu tư và thương mại to lớn từ dự án này.

Dự kiến thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3-2024 và Italy cần đưa ra quyết định về việc có nên gia hạn hay không vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng tuần qua, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, chính phủ của bà có thời hạn đến tháng 12 để quyết định sự tham gia của Italy trong BRI. Bà cho rằng Italy có thể có "quan hệ đối tác và quan hệ đối tác thương mại tốt" với Trung Quốc ngay cả khi không ở trong sáng kiến này.

Trước đó, tại cuộc họp ở Rome hồi tháng 5, Thủ tướng Giorgia Meloni đã trấn an Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy rằng mặc dù chưa đưa ra quyết định chính thức, chính phủ của bà đang ủng hộ việc rút khỏi BRI. Theo những nhân vật giấu tên có mặt tại cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Italy và Mỹ, Washington đã tích cực gây áp lực buộc Rome phải có lập trường công khai về vấn đề này và từ bỏ hiệp ước.

Giống như phần lớn Liên minh châu Âu (EU), Italy hiện mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi "cơn bão" căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trở nên leo thang, một phần do Bắc Kinh duy trì ủng hộ Nga. EU là một đồng minh trung thành của Mỹ nhưng cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy, các nước châu Âu đang buộc phải đấu tranh để cân bằng giữa mong muốn tham gia hợp tác về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, cùng lúc đó là đẩy lùi các tuyên bố về sự ràng buộc kinh tế theo lo ngại của Mỹ.

Hiện Italy là nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn thứ ba tại EU và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư sang nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Italy Jia Guide cho biết thương mại giữa hai quốc gia trong ba năm qua đã lập kỷ lục mới, chạm mức 73,5 tỷ EUR vào năm 2022.

AN BÌNH