Vì sao khó liên kết doanh nghiệp FDI và nội địa?
(Cadn.com.vn) - Tại Đà Nẵng ngày 27-9, hàng trăm học giả, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã cùng tham gia hội thảo bàn về các vấn đề tái cấu trúc kinh doanh trong bối cảnh mới. Những chia sẻ rất thiết thực tại Hội thảo đã giúp DN có hướng tiếp cận chủ động hơn trong quá trình liên kết, tái cấu trúc kinh doanh của mình.
Ths Lê Mai Trang – ĐH Thương mại, chia sẻ: Kinh nghiệm từ Thái Lan, một nền kinh tế đã rất thành công với mô hình liên kết giữa DN FDI và nội địa. Thái Lan đã tập trung phát triển hạ tầng rất tốt (thứ 46 thế giới) trước khi thu hút FDI, nhưng là thu hút có chọn lọc, vào các lĩnh vực họ thấy có thể hợp tác, chuyển giao công nghệ được với DN nội địa, như phân ngành máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị điện, điện tử. Song song với đó, khi các DN FDI đầu tư vào Thái Lan, họ được hỗ trợ mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nếu là DN nội địa của Thái đầu tư vào lĩnh vực này thì càng được hưởng chính sách đặc biệt. Bằng cách đó, khi các Cty, tập đoàn lớn từ nước ngoài đầu tư vào Thái Lan thì họ đã tìm ngay được các DN nội địa của Thái đủ sức cung ứng các dịch vụ phụ trợ, các sản phẩm hỗ trợ phục vụ nền sản xuất hàng loạt. Hay nói cách khác, DN Thái đã chen chân vào trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hóa.
Quay lại vấn đề của kinh tế Việt Nam, dù thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, tuy nhiên lại thiếu định hướng, chọn lọc, dẫn tới không tận dụng được mục đích cuối cùng là chuyển giao công nghệ. Các DN của Việt Nam hầu như vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu bởi không thể đáp ứng được các yêu cầu khi tham gia làm một phần việc của các DN FDI. Kỹ sư Lê Trường Kỹ- TGĐ Cty Dinco cho biết, nước Nhật trưởng thành từ chính những doanh nghiệp nhỏ. Đặc thù của mình cũng là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Để tạo nên một chiếc xe Toyota có 3.500 nhà cung ứng, và mỗi DN nhỏ của Nhật chỉ đảm trách cung ứng một thiết bị trong đó và dù chỉ là một thiết bị thì họ cũng tạo nên thương hiệu, có bản quyền riêng. Chính sự liên kết có định hướng tạo thành một chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đã giúp các DN nhỏ mạnh lên. Còn ở VN mình, các DN nhỏ vẫn thiếu sự liên kết thậm chí cạnh tranh với nhau. Một DN nhỏ nào đó làm được dù chỉ một chi tiết trong sản phẩm thì nơm nớp sợ bị ăn cắp bản quyền. Đơn cử một chiếc xe tải, các kỹ sư thiết kế phần khung rất chắc chắn, chịu lực tốt, nhưng phần thùng xe bằng khung, vỏ nhôm lại yếu, không chịu được khi bão gió. Một DN nhỏ làm được phần thùng, trần xe chịu được áp lực bão tố, đấy là một sáng tạo, tạo nên thương hiệu của DN, nếu sáng tạo đó được tôn trọng, bảo vệ, phát triển, DN đó sẽ có điều kiện tham gia vào trong chuỗi sản xuất xe tải đó và đương nhiên sẽ có điều kiện phát triển mạnh lên.
Ông Lý Đình Quân - Giám đốc TT hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có khoảng 13 ngàn DN, trong đó 76% là DN siêu nhỏ và hầu hết DN Đà Nẵng đều nằm ngoài chuỗi cung ứng ngoại trừ một số DN FDI. Tuy vậy, các DN FDI này cũng chỉ cung ứng được một phần nhỏ trong chuỗi toàn cầu nhờ liên kết với các Cty mẹ ở bên ngoài. Trong thời gian qua Trung tâm có xây dựng chương trình liên kết giữa DN nội địa và một số DN FDI có số vốn đầu tư lớn nhằm đưa DN nội địa vào chuỗi cung ứng. Lúc đầu khi biết ý tưởng này DN FDI rất hào hứng, vì họ sẽ đỡ phải đầu tư thêm một số lĩnh vực phụ trợ bởi đã có DN trong nước tham gia. Nhưng qua làm việc thực tế, các DN nội địa không đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện mà DN FDI đưa ra, nên không thể hợp tác, liên kết. Đơn cử về tiêu chuẩn công nghệ, DN nội địa của mình quá yếu và hầu như không chịu áp dụng KHCN, không chịu đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại. Đây là một lỗ hổng, trong khi công nghiệp phụ trợ thì gần như không có gì, thử hỏi làm sao có thể liên kết, tạo giá trị từ trong chuỗi cung ứng toàn cầu được?
Theo TS Lê Thị Minh Hằng - ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh đang chuyển dịch từ các đơn vị riêng lẻ sang sự cạnh tranh giữa các chuỗi, do đó việc tìm kiếm liên kết để chen chân vào trong chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu của các DN có ý nghĩa sống còn. Với thực tế của Việt Nam, sự liên kết giữa DN nội địa và FDI càng cần thiết. Nhưng để có sự liên kết đó thì DN nội địa phải mạnh, nói rộng ra phải có một nền công nghiệp phụ trợ đi trước. Đây đang là thách thức lớn nhất, đòi hỏi trong tái cấu trúc kinh tế phải được chú trọng.
Hải Quỳnh