Vì sao không nên ngủ trong ô tô, kể cả mở cửa không bật điều hòa?

Chủ nhật, 04/06/2023 07:23
Ngủ trong ô tô đôi khi có vẻ thuận tiện, nhưng có những rủi ro rất lớn đi kèm.
Nghiên cứu đã tiết lộ rằng ngủ trong ô tô bật điều hòa có thể gây tử vong do ngộ độc khí carbon monoxide - Ảnh: Auto Care Aids
Nghiên cứu đã tiết lộ rằng ngủ trong ô tô bật điều hòa có thể gây tử vong do ngộ độc khí carbon monoxide - Ảnh: Auto Care Aids

Đỗ xe và ngủ trong ô tô bật điều hòa mát mẻ là thói quen của nhiều người, đặc biệt trong những ngày nắng nóng hay bị cúp điện.

Nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo thói quen này hết sức nguy hiểm. Theo cảnh sát Dubai nói với Gulf News, bất kể xe cũ hay mới, trong vòng một giờ, người ngủ trong ô tô bật điều hòa có thể tử vong vì ngạt thở.

Chuyên gia y tế ở nhiều nước cũng đã lên tiếng cảnh báo điều này. Chẳng hạn, Bộ Y tế Malaysia từng phải ra cảnh báo sau khi 3 nữ sinh nước này thiệt mạng năm 2020 cũng vì ngủ trong ô tô bật điều hòa.

Gần đây hơn ở Việt Nam có vụ 3 cha con ở Hải Phòng với 1 người tử vong, 2 người nguy kịch một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của những thói quen tưởng như vô hại.

Ngộ độc khí CO

Theo các chuyên gia y tế các nước, nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở những người ngủ trong ô tô là ngộ độc khí carbon monoxide (CO). Đó là một loại khí không màu, không mùi, xuất hiện khi có nhiên liệu bị đốt cháy. Khí CO có thể tích tụ ở những nơi không được thông khí, chẳng hạn cabin đóng kín cửa (thường xảy ra khi bật điều hòa).

Khi CO tích tụ lại, người trong ô tô hít phải CO sẽ ngăn các tế bào máu mang đủ oxy đi khắp cơ thể, từ đó dẫn đến sốc hoặc thậm chí đột tử.

Ngay cả trong trường hợp ô tô có hệ thống điều hòa hoạt động tốt, việc lưu thông không khí trong không gian kín vẫn không đủ. Do không khí vẫn có thể bị mắc kẹt trong quá trình lưu thông, làm tăng nồng độ CO và giảm nồng độ oxy.

Chuyên gia y tế Dubai Babu Shershad thậm chí cảnh báo một trong những lầm tưởng lớn là nhiều người cho rằng có thể ngủ trong ô tô với cửa sổ mở.

Thực tế, ngay cả khi ngủ trong ô tô với cửa sổ mở cũng khá rủi ro. Vì dù lượng CO thấp hơn, nhưng vẫn có tích tụ, do luôn có một lượng khí nhất định bị giữ lại trong quá trình lưu thông. Do đó, vẫn có rủi ro nhiễm độc CO hoặc xảy ra hiện tượng mất nước. Ví dụ rõ ràng nhất là khi để giấy ướt trong ô tô và sau một thời gian sẽ khô cong.

Đó là chưa kể một hệ lụy khác của việc ngủ trong ô tô mở cửa, là dễ dàng gặp phải rủi ro an ninh.

Ngủ hay thức, có gì khác nhau?

Vậy vấn đề phải chăng nằm ở trạng thái ngủ hay thức? Tiến sĩ Babu Shershad cũng cho biết: “Khi lái xe (hay tỉnh táo), bạn dễ dàng nhận biết sự thay đổi nhiệt độ hoặc bất kỳ sự rò rỉ nào”. Khi cảm thấy ngột ngạt, người trong xe sẽ biết mở cửa sổ thật lớn, tắt điều hòa một lúc, thậm chí là xuống xe giải tỏa một chút.

Nhưng với trường hợp ngủ trong ô tô, con người không dễ dàng nhận biết sự thay đổi, do đó dẫn đến tích tụ nhiệt và CO.

Bất kể mở cửa hay không, chuyên gia cũng khuyến cáo không ngủ trong ô tô, trừ khi là trường hợp khẩn cấp. Bộ Y tế Malaysia cũng đã đưa ra khuyến cáo tương tự.

Kiểm tra điều hòa ô tô

Vì sao không nên ngủ trong ô tô, kể cả mở cửa không bật điều hòa? - Ảnh 2.

Ngủ trong ô tô chỉ là phương án cuối cùng, khi thực sự không thể tìm được chỗ ngủ nào khác. Đặt một phòng ngủ có thể rẻ hơn là ngủ trong ô tô, không chỉ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà bật điều hòa và để xe chạy không tải dễ tốn xăng và dễ hỏng hơn - Ảnh: Auto Care Aids

Trong khi đó, chuyên gia sửa xe nói với Gulf News rằng nên kiểm tra điều hòa ô tô ít nhất 6 tháng một lần. Đặc biệt, khi kiểm tra nên xem xét có hiện tượng rò gas hay không.

Nếu điều hòa bị rò rỉ, không những ảnh hưởng đến chức năng điều chỉnh nhiệt độ, mà còn gây tốn kém năng lượng, khiến hệ thống khởi động/dừng một cách ngẫu nhiên.

Với một ô tô “được” trang bị điều hòa hỏng, sau một thời gian, nhiệt độ có thể tăng gấp 2-3 lần so với nhiệt độ môi trường. Ngay cả khi ngoài trời mát mẻ 20 độ C, trong cabin ô tô có thể nóng tới 60 độ C.

Theo TTO