Vì sao ngư dân P.Nại Hiên Đông không đưa tàu cá vào neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang?
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-7, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tổ chức cuộc họp với bà con ngư dân P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng về việc di dời tàu cá trước khu vực thi công dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Tuy nhiên, cuộc họp đã gặp phải sự phản ứng khá gay gắt từ phía các chủ tàu và ngư dân.
Ông Cao Văn Minh phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã thông báo nội dung kết luận ký ngày 26-6-2017 của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng Nguyễn Đỗ Tám về việc di dời này. Trong đó có một số điểm chính: “Không thống nhất đề xuất khơi dòng đoạn từ bờ kè vệt cuối dự án bến du thuyền đến ngoài cầu Thuận Phước để bố trí làm nơi neo đậu tàu cá, do không đảm bảo trật tự an toàn và ảnh hưởng đến hiện trạng hạ tầng tại khu vực. Trong điều kiện thời tiết bình thường, thống nhất di dời toàn bộ tàu cá hiện đang neo đậu tạm thời trước khu vực thi công dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang theo quy định. Giao BQL Âu thuyền Thọ Quang chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan, hướng dẫn và tổ chức di dời toàn bộ tàu cá đang neo đậu tạm thời trước khu vực dự án về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, thời gian hoàn thành trước ngày 10-7-2017...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, chiều 23-6, tại BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã diễn ra cuộc họp với sự tham dự của nhiều thành phần do ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP chủ trì. Tại cuộc họp, ông Tám cho biết, hiện có tổng số gần 130 tàu cá đang neo đậu tại khu vực thi công dự án bến du thuyền, trong đó có 43 tàu có công suất từ 90CV trở lên, 7 phương tiện có công suất từ 30CV đến dưới 90CV, còn lại là các tàu có công suất dưới 20CV. Trong số các tàu cá trên, có khoảng 35 phương tiện không đăng ký. Đề nghị BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang xác định có đủ khả năng bố trí các tàu này vào neo đậu tại âu thuyền hay không? Theo ông Phạm Bá Hùng, Phó Trưởng BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đây là nơi tránh bão cho tàu cá vừa là cảng cá, vừa là chợ đầu mối thủy sản phục vụ cho cộng đồng ngư dân TP Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung được Bộ NN&PTNT công bố là một trong các khu neo đậu tránh bão cho tàu cá. Tuy nhiên, theo công suất thiết kế của âu thuyền có sức chứa tối đa là 553 chiếc trong điều kiện thời tiết bình thường và 493 chiếc trong điều kiện mưa bão. Hiện nay, âu thuyền đang quá tải, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết có mưa bão xảy ra. Ông Hùng cho rằng, trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư thi công bờ kè bến du thuyền, trong điều kiện thời tiết bình thường khoảng 130 chiếc tàu, ghe của ngư dân P.Nại Hiên Đông đang neo đậu tạm tại khu vực thi công bến du thuyền có thể di dời vào khu vực Âu thuyền Thọ Quang để neo đậu. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Minh Hương, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông đưa ra ý kiến là, trong cuộc họp với ngư dân mới đây, bà con đề nghị 2 nội dung: Khơi thông dòng ngoài vệt thi công bến du thuyền để ngư dân neo đậu tạm thời cho các tàu dưới 20CV. Bố trí cho tàu thuyền về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang đoạn từ vị trí cầu Mỹ Ánh đến cầu Trạm Hải Đăng và có phương án bố trí tàu thuyền cụ thể, thời gian và địa điểm rõ ràng. Nói rõ về vấn đề này, đại diện BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thừa nhận là không thể bố trí một khu vực dành riêng cho bà con neo đậu, vì hiện nay khu vực âu thuyền đang quá tải. Đặc thù của tàu cá là vào neo rồi rời đi để đi khai thác nên vị trí rời đi sẽ là chỗ đậu cho các tàu khác vào cập bến để bán cá. Vì thế, nếu dành một khu vực riêng là không thể được, đồng thời sẽ phát sinh xung đột giữa tàu các địa phương với nhau. Đại diện Cty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng nói rằng, dự án được UBND TP giao cho Cty TNHH Bến du thuyền thực hiện và được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Nhà đầu tư đã tổ chức khởi công và triển khai xây dựng đến nay đã được gần 4 tháng nhưng khối lượng công việc chỉ đạt khoảng 10%. Vướng mắc chủ yếu của nhà đầu tư là hiện nay mặt bằng thi công bị tàu thuyền của bà con ngư dân neo đậu nên không triển khai được, trong khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Tàu, thuyền đang neo đậu tại bến tạm khu vực thi công dự án Bến du thuyền. |
Tại cuộc họp diễn ra vào sáng 6-7, ông Cao Văn Minh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá P.Nại Hiên Đông sau khi nghe truyền đạt nội dung kết luận của Sở NN&PTNT đã nêu ý kiến. Ông Minh cho rằng, Âu thuyền đã được xác nhận là quá tải nhưng ngay cả việc sắp xếp, bố trí nơi neo đậu tàu cá cũng thiếu khoa học. Đó là chưa kể vùng nước tại đây còn bị nhiễm khuẩn, hàu bám nhiều vào lườn tàu buộc phải lên đà sửa chữa nhiều lần trong năm rất tốn kém. Ngư dân Nguyễn Mến, Nguyễn Lầu cũng nêu lại ý kiến nói trên và cho rằng, ông rất lo về sự an toàn về tài sản và tốn kém khi vào neo đậu tại âu thuyền. Ông Lầu dẫn chứng, vào âu thuyền mỗi ngày đều phải tốn tiền gửi và chỉ tính mỗi năm 6 tháng thôi cũng đã mất khoảng 9 triệu đồng tiền gửi. Tàu neo đậu ở bến tạm không bị hàu ăn nên chỉ lên đà 2 lần, còn nếu vào âu thuyền phải lên đà 4 lần, tốn kém đến 25 triệu đồng do hàu ăn mê lườn tàu nhiều. Vì thế ý kiến của ngư dân đều không thống nhất với việc di dời. Ông Cao Văn Minh nói: “Với tình hình này, bà con rất không yên tâm, khó đầu tư để phát triển ngành nghề trong thời gian đến do không có nơi neo đậu ổn định. Tôi đề nghị cần có một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP và Q.Sơn Trà với đại diện một số bà con ngư dân của P.Nại Hiên Đông có tàu, ghe đang neo đậu tại khu vực thi công dự án để giải quyết thấu tình, đạt lý về chủ trương chung của thành phố”.
PHƯƠNG KIẾM