Vì sao ngư dân rút đăng ký đóng tàu vỏ thép?
(Cadn.com.vn) - Không nhiều như ở các địa phương khác, ở TT-Huế có 2 tàu vỏ thép đã được hạ thủy và đến nay chưa ghi nhận tàu vỏ thép đóng mới theo chính sách của Nghị định 67 bị hư hỏng. Gặp ông Nguyễn Hôi ở TT Thuận An (H.Phú Vang) ngay sau chuyến đánh bắt hải sản từ vùng biển Trường Sa trở về với khoang tàu đầy ắp cá, ông Hôi cười tươi: “Chuyến này chúng tôi đến tận vùng biển Trường Sa, kéo dài hơn nửa tháng, đánh bắt trúng đậm mẻ cá thu, chủa, ngừ. Từ khi hạ thủy tàu vỏ thép đến nay đã có 4 chuyến xa bờ, trừ các khoản chi chí, trả công lao động 60-70 triệu đồng/thuyền viên, còn lãi hơn 1 tỷ đồng”. Chiếc tàu vỏ thép của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (H.Phú Vang) hạ thủy từ cuối năm 2016, đến nay đã có 5 chuyến đánh bắt xa bờ, kéo dài từ 15-20 ngày/chuyến. Ông Chiến chia sẻ: “Từ khi hạ thủy gặp thời điểm thời tiết bất lợi nên hiệu quả khai thác chưa cao. Từ đầu năm 2017 đến nay, thời tiết khá thuận lợi, mỗi chuyến thu từ vài tấn đến gần chục tấn hải sản các loại, lãi 200-300 triệu đồng”. Theo các ngư dân đi biển trên tàu vỏ thép, thì tàu có công suất lớn, đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt tại các vùng biển xa, hoặc nơi trú ẩn cách bờ đến 200 hải lý. Tốc độ di chuyển của tàu rất cao đã hạn chế, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với tàu vỏ gỗ. Hầm bảo quản, các khoang thiết kế rộng lớn, có thể chứa hàng chục tấn hải sản, nhiên liệu, nước ngọt... giúp mỗi chuyến đánh bắt kéo dài ngày, có thể cả tháng...
Nhiều ngư dân ở xã Vinh Thanh lo lắng trước sự cố tàu vỏ thép ở các tỉnh Nam Trung Bộ bị hỏng. |
Trước thực trạng hàng loạt tàu vỏ thép được đóng mới chỉ vài tháng đưa vào sử dụng, 3 chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 ở xã Vinh Thanh (H.Phú Vang, TT-Huế) đã quyết định rút khỏi dự án đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 và đang làm thủ tục để chuyển sang đóng tàu gỗ. Ông Nguyễn Thanh Phát- Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xa bờ xã Vinh Thanh (H.Phú Vang, TT-Huế) cho biết, đã xảy ra tình trạng ngư dân ở xã rút đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 vì... sợ tàu vỏ thép nhanh hư hỏng. Theo ông Phát, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thời gian qua dư luận xôn xao việc nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ở một số tỉnh Nam Trung Bộ nhanh chóng bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng. Tình trạng này khiến những ngư dân ở Vinh Thanh đăng ký đóng tàu vỏ thép có tâm lý bất an, lo sợ nên rút đăng ký. Ngư dân Đỗ Khể ở thôn 2, xã Vinh Thanh cho biết, ông đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số vốn 18,6 tỷ đồng và được các cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế chấp thuận. Tuy nhiên, vừa qua, do nghe thông tin nhiều tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhanh chóng bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng, ông quyết định rút đăng ký đóng tàu vỏ thép. “Sau khi rút đăng ký đóng tàu vỏ thép, tôi nộp hồ sơ xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ trị giá 14,1 tỷ đồng. Đóng tàu vỏ gỗ cho an tâm chứ “chơi” tàu vỏ thép mặc dù hiện đại hơn nhưng lỡ nó nhanh bị hư hỏng như ở Bình Định thì trắng tay”- anh Khể bộc bạch. Hiện, toàn xã Vinh Thanh có 25 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất từ 350CV đến hơn 800CV. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, có 3 hộ ngư dân ở xã đăng ký đóng tàu vỏ thép để hiện đại hóa tàu cá, nhưng hiện tất cả những hộ này đều đã rút đăng ký. Ông Nguyễn Trường Chính- Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho rằng: Việc rút đăng ký đóng tàu vỏ thép là tùy vào nguyện vọng của ngư dân, cái gì có lợi thì ngư dân làm. Chính quyền xã không dám can thiệp vì lỡ sau này xảy ra tình trạng tàu vỏ thép nhanh chóng bị hư hỏng thì rất rắc rối.
Bên cạnh nguyên nhân ngư dân rút khỏi danh sách đóng tàu vỏ thép do sợ bị hư hỏng thì theo một số ngư dân khác, hiện trên địa bàn tỉnh TT-Huế vẫn chưa có cơ sở sửa chữa, đóng tàu vỏ thép nên người dân còn ngại trong việc đóng tàu vật liệu mới. “Nếu đóng tại địa phương thì chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn. “Việc đóng tàu vỏ thép ở ngoại tỉnh vừa trông coi việc đóng tàu, vừa mất công, vừa tốn chi phí tàu xe, ăn ở; sau khi đóng xong, còn chi phí nhiên liệu lai dắt tàu về địa phương. Khi tàu gặp sự cố, hư hỏng trong quá trình đánh bắt, thiên tai phải ra ngoại tỉnh để sửa chữa sẽ rất tốn kém”- một ngư dân nói. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cảng biển, âu thuyền bị xuống cấp, hư hỏng, thiết kế lạc hậu cũng là bất cập khiến ngư dân còn e ngại đóng tàu vỏ thép. Luồng lạch, âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận, Thuận An (H.Phú Vang); cửa biển Tư Dung, cửa biển Lạch Giang (H.Phú Lộc, TT-Huế) bị bồi lắng, nhiều tàu thuyền thường xuyên nằm bờ... khó đảm bảo cho tàu vỏ thép ra vào bờ.
H.LAN