Vì sao nhiều dự án đầu tư công vẫn ì ạch?
Trong bối cảnh kinh tế Đà Nẵng suy giảm vì dịch Covid-19 thì việc đẩy mạnh đầu tư công gói hơn 14 ngàn tỷ đồng của năm 2020 được xem là giải pháp quan trọng tạo việc làm và động lực tăng trưởng. Tuy vậy, công việc “tiêu tiền” này hiện cũng rất khó khăn.
Đà Nẵng sẽ xây dựng các khu đô thị rộng vài trăm héc-ta để tái định cư, tạo thuận lợi trong GPMB triển khai các dự án đầu tư công. |
Hết tháng 2-2020, Đà Nẵng mới giải ngân vốn xây dựng cơ bản 229 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,9% trong tổng số hơn 14,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công bố chí cho năm 2020. Đối với 50 dự án động lực đầu tư bằng ngân sách (năm 2020 được bố trí vốn 5.200 tỷ đồng) hiện chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, 22 dự án đang thi công, 16 dự án đang hoàn tất thủ tục, 11 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm một phần do thủ tục phức tạp, kéo dài, song cơ bản do thiếu mặt bằng thi công. Cụ thể, do người dân không thống nhất về giá cả đền bù cũng như phương án tái định cư (TĐC) nên chưa bàn giao mặt bằng. Đơn cử dự án đường ven sông Tuyên Sơn- Túy Loan còn vướng 77 hồ sơ đất ở, đường vành đai phía Tây 721 hồ sơ (366 hồ sơ đất ở), đường DT 601 có 551/948 hồ sơ đất ở, nhà máy nước Hòa Liên 170 hồ sơ... Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP cho biết, qua kiểm tra, một số khu vực giải tỏa vướng về đất TĐC, một số nơi đưa ra khu TĐC nhưng dân không đồng thuận, đây cũng là lý do TP còn dư tới mười mấy ngàn lô đất TĐC. Cũng theo ông Trung, hiện có những địa bàn trọng tâm về đền bù giải tỏa như Hòa Vang với hơn 200 dự án, song nhân lực làm công tác này mỏng, cần tăng cường điều chuyển nơi khác về.
Bên cạnh vướng về mặt bằng thì năng lực nhà thầu hạn chế, tư vấn thiết kế quá tải nên hồ sơ hoàn thành theo thủ tục sau phê duyệt chủ trương đầu tư chậm dẫn tới nhiều dự án chưa thể khởi công, hoặc đã khởi công nhưng tiến độ ì ạch. Thực trạng này đòi hỏi trách nhiệm quan trọng của BQL các dự án, song họ gần như đứng lơ lửng, đổ lỗi hết cho nhà thầu, tư vấn.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, công tác giải tỏa đền bù hiện gặp nhiều vướng mắc. TP yêu cầu đất TĐC phải có trước dự án, song vì chưa có dự án thì biết TĐC chỗ nào. Mà khi có dự án khởi động thì mới khởi động khu TĐC, 2 cái cùng giải tỏa một lúc thì sao làm được. Vì vậy, giờ TP chủ động cho nghiên cứu 4-5 khu đô thị, làm hạ tầng hiện đại, hoàn thiện, quy mô mỗi khu vài trăm héc-ta để TĐC cho người dân vùng giải tỏa. Chẳng hạn ở Hòa Vang hiện giải tỏa nhiều, trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị về phía Tây, TP sẽ đầu tư xây dựng các khu đô thị này. Khi có khu đô thị đầy đủ tiện nghi rồi, người dân sẽ so sánh được giá trị ở khu đô thị mới với đất giải tỏa, từ đó chấp nhận di dời. Chứ bây giờ, đất TĐC chỉ trên giấy, nói bằng miệng, có khi chờ vài năm chưa có đất thực tế, vận động người dân giải tỏa, bàn giao mặt bằng rất khó khăn. “Cách làm lâu nay cứ ở đâu có dự án lại chọn xây một khu TĐC chút chút gần đó vận động bà con đi, nhưng thực ra không hiệu quả. Các khu TĐC này sau rất khó khớp nối hạ tầng”- ông Thơ nói. Cũng theo ông Thơ, hiện TP đã chọn xong địa điểm, thông qua chủ trương đầu tư một số khu đô thị lớn để phục vụ TĐC ở Hòa Vang. TP đang tiến hành thủ tục đầu tư, thuê tư vấn quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, có trường học, bệnh viện, đường sá, cây xanh chất lượng chứ không phải làm như ở Hòa Liên trước đây san lấp rồi chia ra một cách đơn giản.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 suy giảm kinh tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh giải ngân gói đầu tư công hơn 14,3 ngàn tỷ đồng năm 2020 để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm. |
Hiện công tác đền bù giải tỏa đã khó khăn hơn trước rất nhiều. Ông Thơ nói: Nếu nói về đơn vị sự nghiệp công lập có thu làm đền bù giải tỏa bây giờ, để nói sòng phẳng không thể nào làm được. Bởi vì toàn bộ các dự án này hầu hết là các dự án dở dang, tiền thì những ông trước dùng hết rồi, nhưng nhiệm vụ giải tỏa thì vẫn còn, mỗi dự án chỉ 10-20% số hộ, nhưng rất khó giải quyết để di dời giải tỏa. Tiền thì hết, mà nhiệm vụ còn, nên nếu không có giải pháp “gỡ vướng mắc” này rất khó thực hiện, dự án cứ chậm trễ kéo dài. Việc điều chuyển nhân lực giải tỏa đền bù từ nơi ít việc đến nơi trọng điểm như Hòa Vang, về nguyên tắc vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận huyện rất sợ nhận thêm người, do không có quỹ lương chi trả. Toàn bộ chi phí hoạt động cho Hội đồng này nằm trong 2% từ kinh phí khai thác quỹ đất.
Một thực tế khác khiến nhiều dự án đầu tư công ì ạch là do nhà thầu thi công. Đơn cử như dự án nhà ở công nhân mà TP xây tặng người lao động, ông Thơ nói, dự án này do một đơn vị ở Hà Nội vô đấu thầu, nhưng lại bị hạ giá nhiều quá, tới 25-30% bây giờ thì bể. TP đã yêu cầu răn đe, xử phạt nhà thầu này. Ông Thơ cũng giải thích thêm, bây giờ cạnh tranh khốc liệt, những nhà thầu không có việc làm thì chủ động hạ giá xuống, trúng thầu thì làm giữa chừng như vậy. Nhà thầu này dù có năng lực đầy đủ, nhưng vì nhận rồi khoán lại cho thầu khác qua lớp 2, lớp 3, cứ thế đến nhà thầu cuối thì không còn tiền làm nữa.
Như vậy, vướng mắc lớn nhất khiến các dự án đầu tư công ì ạch vẫn là khâu GPMB. Thực tiễn hiện nay đòi hỏi việc GPMB phải có giải pháp linh hoạt, khác biệt hơn so với trước mới mong thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư công.
HẢI QUỲNH