Vì sao tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam nằm bờ?
(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng số ra ngày 28-6 có bài viết "Ngư dân Quảng Nam cũng "đau đầu" với tàu vỏ thép" phản ánh con tàu của ông Trần Văn Liên (trú thôn Tân An, xã Bình Minh, H. Thăng Bình) phải nằm bờ hơn một năm nay ngay sau khi hạ thủy và chạy thử nghiệm do hỏng máy. Đây là tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam được hỗ trợ vay vốn đóng mới theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ. Tàu được đóng mới với công suất máy chính là 940CV, chiều dài 26m, chiều rộng 7,1m, chiều cao mạn tàu (cách chuẩn) là 3,3m, mớn nước 2,6m, lượng chiếm nước 19.500 tấn. Tổng kinh phí đóng tàu hơn 17 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng BIDV Quảng Nam cho vay vốn chiếm 95% giá trị con tàu.
Con tàu của ông Liên hiện đang nằm tại triền đà để chờ sửa chữa máy. Ảnh: CÔNG KHANH |
Như đã thông tin, sau khi hạ thủy và chạy thử vào tháng 3-2016 thì tàu xảy ra sự cố hỏng máy và cho đến hôm nay giữa ông Liên, Cty đóng tàu và đơn vị cung cấp máy vẫn chưa thể phối hợp giải quyết xong để có thể tiếp tục ra khơi. Theo ông Liên, toàn bộ thân tàu được đóng bằng thép Nhật nên không có vấn đề gì, sự cố xảy ra chỉ là phần máy tàu, nếu khắc phục xong thì tàu hoàn toàn có thể ra khơi đánh bắt bình thường nhưng do chưa thể giải quyết được nên ông buộc phải đưa vụ việc ra tòa án. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bên đều muốn giải quyết sớm sự việc, đặc biệt là ngư dân Trần Văn Liên rất mong muốn nhận tàu để sản xuất nhưng lại nhùng nhằng trong việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm đối với sự cố. Ngày 28-6, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cty CP Đóng tàu Bảo Duy (đơn vị đóng tàu cho ông Liên) cho biết, câu chuyện con tàu của ông Liên hoàn toàn không giống như các vụ việc đang xảy ra ở Bình Định. Vị này cho biết, trong hợp đồng đóng tàu giữa hai bên có điều khoản thỏa thuận là "Trong mọi trường hợp, Bảo Duy sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả và/hoặc tính năng của các hạng mục do ông Liên cung cấp". Nghĩa là phía Bảo Duy chỉ chịu trách nhiệm phần thân tàu, còn hệ thống đẩy thủy đồng bộ (máy tàu) do một đối tác khác cung cấp và lắp ráp nhưng đơn vị này đã cung ứng máy không đảm bảo chất lượng, phải chịu trách nhiệm. Đối tác cung cấp máy cho ông Liên cũng không chịu và cho rằng bên Cty đóng tàu có sai sót trong lắp máy mới xảy ra sự việc hỏng hóc như trên. Phía bảo hiểm đưa ra quan điểm họ chỉ bồi thường theo hợp đồng đã ký và muốn vậy thì 2 đơn vị lắp máy và cung ứng máy phải phân định rõ ràng trách nhiệm. Theo kết luận của đơn vị giám định, máy tàu bị tổn thất là do bị tắc dầu bôi trơn tại vị trí cổ biên máy 01.
Lãnh đạo Cty Bảo Duy cũng cho biết thêm, cho đến nay Cty đã đóng tất cả 7 chiếc tàu thuộc diện Nghị định 67, trong đó có 4 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ gỗ. Ngoài tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thiện thì 5 tàu khác đều đánh bắt hiệu quả, duy nhất chỉ có tàu QNa-94679 TS của ông Liên là gặp phải sự cố về máy chưa thể ra khơi. "Dù hoàn toàn không phải trách nhiệm của mình nhưng chúng tôi vẫn góp 600 triệu đồng để hỗ trợ ông Liên tìm cách khắc phục máy móc. Dù sao cũng là đối tác của nhau. Chúng tôi cũng mong tòa án sớm giải quyết vụ việc để tàu sớm được sửa chữa, ra khơi đánh bắt. Khi đó phía ngân hàng mới có thể giải ngân số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra đối ứng", giám đốc Cty Bảo Duy nói.
Chiều 28-6, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Liên cho biết: "Tui nộp đơn kiện cả đơn vị cung cấp máy lẫn bên đóng tàu. Ra tòa phán quyết như thế nào thì các bên chịu trách nhiệm. Do tàu không thể ra khơi nên tui thiệt hại quá nhiều rồi, giờ mong tòa án giải quyết sớm để nhanh chóng sửa chữa máy móc ra khơi chứ kiện cáo miết rồi làm ăn cũng không được".
CÔNG KHANH