Vì sao tội phạm truy nã người nước ngoài sa lưới khi đến Đà Nẵng?

Thứ ba, 24/10/2023 07:00
Từ năm 2022 đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ và phối hợp bàn giao 9 đối tượng truy nã là người nước ngoài (NNN), trong đó có những đối tượng nguy hiểm bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ. Đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, mang tính đặc thù, nhưng lực lượng chức năng Công an TP Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc, được lãnh đạo Bộ Công an biểu dương, đánh giá cao, được cơ quan ngoại giao các nước gửi thư cảm ơn.
Cơ quan chức năng Công an TP Đà Nẵng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao đối tượng truy nã người nước ngoài.
Thượng tá Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng các đơn vị phối hợp bắt giữ một đối tượng người nước ngoài bị truy nã.

Quyết tâm, nỗ lực không ngừng

Khi đồng hồ điểm thời gian qua ngày mới, phối hợp cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện xong việc bàn giao Kil Jinhong- nghi phạm cướp ngân hàng ở Hàn Quốc cho Cảnh sát nước bạn, cán bộ chiến sĩ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) Công an TP Đà Nẵng mới nhẹ người vì đã hoàn thành nhiệm vụ sau gần một tháng trời vất vả. Bởi, bắt được đã khó khăn mà giữ đối tượng an toàn, đảm bảo sức khỏe, tâm lý trong thời gian chờ phối hợp xử lý, bàn giao theo đúng quy định càng nhiều vất vả. "Những ngày đầu, anh em phải theo dấu, bám sát mọi di biến động để chọn thời cơ phối hợp bắt giữ. Thời gian sau đó thì đúng nghĩa là "ăn ngủ" với đối tượng 24/24 vì diễn biến tâm lý của họ rất phức tạp. Các nghi phạm bị truy nã quốc tế biết mức án của mình là rất nặng và nhiều thời điểm không làm chủ được bản thân", cán bộ chỉ huy Đội 2, Phòng QLXNC cho biết.

Công an TP Đà Nẵng bắt đối tượng cướp ngân hàng tại Hàn Quốc, bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ.

Một cán bộ trinh sát kể lại, đầu tháng 9-2023, Cảnh sát Hàn Quốc phối hợp với Interpol trao đổi thông tin với Việt Nam về việc Kil Jinhong trốn truy nã sang Đà Nẵng. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng xác định nghi phạm đang tạm trú tại một khách sạn trên địa bàn Q. Sơn Trà. Tuy nhiên, khi tiến hành rà soát thì Kil Jinhong đã nhanh chóng trốn đi. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng xác định Kil Jinhong đã rời khách sạn ngay sau khi một tờ báo Hàn Quốc đăng tải thông tin vụ cướp. Cùng với việc thay đổi nơi trú ẩn, nghi phạm liên tục thay sim điện thoại sau mỗi lần gọi điện với người ở Hàn Quốc và đầu mối quen biết tại Đà Nẵng. Qua nhiều ngày theo dấu, sau khi xác định thời cơ phù hợp, tổ trinh sát của Phòng QLXNC phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tại địa phương và Bộ Công an tiến hành mật phục và bắt giữ Kil Jinhong khi đối tượng đang có mặt tại một khu vui chơi giải trí trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn. "Khó khăn nhất là phải luôn đảm bảo đối tượng trong tầm kiểm soát và không thực hiện các hành vi nguy hiểm cho cộng đồng. Nghi phạm đã dùng hung khí thực hiện cướp ngân hàng ở nước bạn, bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ thì việc đó là không hề đơn giản", cán bộ trinh sát này cho hay.

Cơ quan chức năng Công an TP Đà Nẵng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao đối tượng truy nã người nước ngoài.

Bắt được Kil Jinhong đã rất vất vả, những ngày giữ đối tượng để làm thủ tục phối hợp cơ quan chức năng Bộ Công an bàn giao cho Cảnh sát Hàn Quốc càng thêm áp lực. Vừa phải hoàn thành công việc hàng ngày, cán bộ chiến sĩ của Phòng QLXNC chia ca để giữ, đảm bảo an toàn cả sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ và sinh hoạt cho Kil Jinhong trong thời gian thực hiện các thủ tục bàn giao tiếp theo. "Đó là những ngày rất dài. Chúng tôi đối mặt với nhau hàng ngày để vừa hoàn thiện hồ sơ xác minh, điều tra, vừa làm các liệu pháp ổn định tâm lý. Khác với các đối tượng phạm tội về kinh tế, Kil Jinhong có diễn biến tâm lý rất phức tạp vì biết tính chất nghiêm trọng của hành vi cũng như mức án phải đối mặt. Bắt được đối tượng là mới chỉ hoàn thành một nửa nhiệm vụ, chỉ khi bàn giao cho cơ quan chức năng nước bạn thì mới được đánh giá là hoàn thành", chỉ huy Đội 2 chia sẻ.

Bên cạnh những vụ mà lính QLXNC phải ăn dầm nằm dề mới giăng lưới thành công, nhiều vụ bắt đối tượng trốn nã NNN cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ. Vào tháng 3-2023, CAQ Ngũ Hành Sơn, Phòng An ninh đối ngoại, Phòng QLXNC, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị của Bộ Công an về đối tượng nghi vấn có tên Huang Pingfeng thuộc diện truy nã của Bộ Công an Trung Quốc đang có mặt tại địa bàn Đà Nẵng. Sau khi "định vị" được đối tượng, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện và bắt giữ Huang Pingfeng tại một khách sạn trên đường Lê Quang Đạo. Dù quanh co "câu giờ" nhưng bằng các biện pháp xác minh, đối chiếu dữ liệu khớp với thông tin truy nã mà phía Bộ Công an Trung Quốc cung cấp, Công an TP Đà Nẵng đã chủ trì , thực hiện quy trình tiếp nhận đối tượng truy nã theo quy định để tiến hành thủ tục bàn giao cho phía cơ quan chức năng nước bạn.

Cần sự phối hợp chặt chẽ từ cấp Bộ đến địa phương

Trong 9 NNN bị truy nã mà Phòng QLXNC Công an TP Đà Nẵng phát hiện và phối hợp bắt kể từ năm 2022 đến nay, có 8 đối tượng là người Hàn Quốc, 1 đối tượng người Trung Quốc. Phần lớn trong số này bị cơ quan chức năng các nước phát lệnh truy nã sau khi phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng còn lại chính là nghi phạm cướp ngân hàng tại Hàn Quốc bị Interpol truy nã đỏ.

Thượng tá Trần Thế Mạnh- Phó trưởng phòng QLXNC Công an TP Đà Nẵng cho biết, tình trạng NNN hoạt động tội phạm rồi tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam để trốn nã diễn biến phức tạp, tiểm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Là địa bàn có nhiều NNN cư trú nên Đà Nẵng là một trong những địa phương mà các đối tượng này tìm cách đến để lẩn trốn. Công an TP đã tích cực, chủ động triển khai hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, bắt giữ và phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an bàn giao nhiều đối tượng trong diện này, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT. Theo Thượng tá Mạnh, thông tin về các đối tượng truy nã NNN thời gian qua chủ yếu được thu thập qua công tác nghiệp vụ của Công an địa phương. Đây là một nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là quy định, quy trình phối hợp từ cấp Bộ về đến Công an các tỉnh, thành. Bắt được đối tượng đã khó, giữ đối tượng trong thời gian chờ phối hợp bàn giao cũng không hề đơn giản. Công việc giai đoạn này tiềm ẩn rất nhiều áp lực, rủi ro, không chỉ liên quan đến sức khỏe của cán bộ chiến sĩ mà cả cho chính đối tượng truy nã vừa bắt được. Mặc dù vậy, với tinh thần, quyết tâm cao, không để đối tượng truy nã NNN tiếp tục lẩn trốn, hoạt động tại địa phương hoặc có đủ thời gian để bỏ trốn sang địa bàn khác, lực lượng đã làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, truy tìm, bắt giữ và bàn giao cho các nước với sự phối hợp cùa các đơn vị.

Từ các vụ việc đã xử lý, Công an TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề xuất Bộ Công an một số giải pháp để chủ động và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bắt các đối tượng truy nã NNN, đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, pháp luật, nghiệp vụ. Trong đó quan trọng nhất là việc thông báo kịp thời đến các địa phương danh sách, lệnh truy nã tội phạm của Interpol và các cơ quan chức năng nước ngoài. Cùng với đó là cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho Công an địa phương về việc bắt, giữ và bàn giao đối tượng theo lệnh truy nã của các nước để thực hiện thủ tục tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. "Đà Nẵng phát hiện nhiều đối tượng truy nã NNN xuất phát từ việc làm tốt công tác quản lý. Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, thông thoáng về chính sách xuất nhập cảnh, đây là nhiệm vụ cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan Công an địa phương cũng như các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an mới có thể thành công. Nếu không phát hiện, hoặc phát hiện, xử lý chậm sẽ tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước", Thượng tá Mạnh cho hay.

Công Khanh