Vì sao tuyến đường hơn ngàn tỷ làm mãi không xong?

Thứ ba, 07/12/2021 17:52

Những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) dẫn tới chậm tiến độ vừa được Thanh tra TP Đà Nẵng công bố.

Đường vành đai phía Tây đáng lẽ hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn dang dở. 

Tuyến đường vành đai phía Tây dài hơn 19,1 km, tổng vốn (giai đoạn 1) hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, có điểm đầu giao với Quốc lộ 14B, điểm cuối nối tiếp vào trục đường chính của Khu CNTT tập trung. Dự án do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2017-2020. Tuy vậy, do nhiều tồn tại, vướng mắc đến nay tuyến đường vẫn dang dở. Theo đánh giá, bên cạnh đường vành đai phía Nam đang triển khai, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này đi qua các xã của Hòa Vang nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, kết nối mạng lưới giao thông Đà Nẵng với giao thông khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội phía tây TP. Xác định đây là dự án có tầm quan trọng và cần thiết nên trong quá trình triển khai từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công xây dựng, lãnh đạo TP nhiều lần kiểm tra hiện trường, có các văn bản chỉ đạo, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trong quá trình triển khai dự án có một số nguyên nhân bất khả kháng đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án, nhất là tác động 3 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng như thời tiết bất lợi kéo dài khiến nhà thầu phải tạm dừng thi công nhiều lần. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ dự án còn do những tồn tại, hạn chế, thiếu sót chủ quan. Qua thanh tra cho thấy, các nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai thi công gói thầu Xây lắp phần giao thông, thoát nước chậm so với hợp đồng là do giải phóng mặt bằng, do nhà thầu thi công...

Thanh tra TP Đà Nẵng cho biết, tại thời điểm lập dự án, theo khảo sát của Tư vấn lập dự án, để phục vụ cho việc thi công công trình cần thu hồi đất và giải phóng mặt bằng đối với khoảng 117 hộ dân, trong đó 95 hộ dân cần di dời, tái định cư (TĐC). Đồng thời tư vấn cũng xác định các khu TĐC ở xung quanh khu vực dự án với diện tích khoảng 5ha cũng đã chuẩn bị để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Vì vậy tư vấn lập dự án không đề xuất xây dựng khu TĐC mới cho dự án. Nhưng khi triển khai thực hiện, số hồ sơ đất ở cần phải thu hồi là 369 hồ sơ, số lô đất cần để bố trí TĐC là 625 lô và quỹ đất để bố trí TĐC xung quanh dự án không đáp ứng để bố trí TĐC nên TP đã tiến hành thủ tục để xây dựng các khu TĐC.

Ngoài ra, theo thuyết minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xác định trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án có 128 mộ và phương án di dời mộ cũng không được đề cập. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì có 1.192 mộ cần phải di dời để thực hiện dự án nên phát sinh nhiều khó khăn trong việc bố trí đất di dời mộ. Qua đó cho thấy, phương án GPMB và TĐC khi lập dự án chưa sát với thực tế dẫn đến khâu chuẩn bị các khu TĐC, khâu chuẩn bị nghĩa trang để di dời mộ, công tác GPMB bị động phải điều chỉnh, từ đó làm gián đoạn và kéo dài thời gian GPMB đối với dự án. Đây là nguyên nhân trước hết làm ảnh hưởng tiến độ GPMB. BQL với vai trò là cơ quan lập và trình dự án đầu tư xây dựng nhưng đánh giá, kểm tra phương án GPMB và TĐC của tư vấn lập dự án chưa sát thực với yêu cầu thực tế. Sở Giao thông vận tải thẩm định chưa phù hợp với thực tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhưng không thể hiện phương án GPMB và TĐC là không đảm bảo quy định.

Năng lực nhà thầu không đảm bảo tiến độ cam kết.

Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế khác khiến việc GPMB và bàn giao mặt bằng chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ dự án. Cụ thể việc xây dựng các khu TĐC phục vụ giải tỏa dự án theo tiến độ đã cam kết hoàn thành ngày 29-5-2020 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công xây dựng các khu TĐC. Việc phối hợp của BQL, Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang và liên danh nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Huyện Hòa Vang bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công không liên tục, không đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt, không hoàn thành đúng theo kế hoạch tiến độ công tác GPMB đã cam kết.

Đặc biệt, việc chậm tiến độ dự án, nhất là thi công gói thầu xây lắp phần giao thông, thoát nước còn do nguyên nhân từ liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP. UBND TP Đà Nẵng đã tạo điều kiện để liên danh nhà thầu tạm ứng vốn 50% giá trị hợp đồng nhằm huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công gói thầu xây lắp phần giao thông, thoát nước. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu triển khai thi công không đảm bảo theo tiến độ thi công tổng thể. Cụ thể, đến ngày 31-3-2021 đã bàn giao mặt bằng hơn 14,6km (đạt hơn 76%), tuy nhiên liên danh mới chỉ thực hiện đạt 25,5% tổng giá trị hợp đồng số 87/2018/HĐXD-BCTGT. Trong đó, giá trị thanh toán khối lượng công việc hoàn thành so với khối lượng được giao theo hợp đồng của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là 112.523 triệu đồng, đạt 30,78%. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP chỉ đạt 17,69%. BQL đã ban hành 4 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 176.430.841 đồng.

Trong kết luận, Thanh tra TP Đà Nẵng đã kiến nghị Giám đốc BQL, Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng H. Hòa Vang, liên danh nhà thầu và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh các bộ phận, cá nhân có liên quan đối với các tồn tại, hạn chế... Đồng thời, BQL kiểm tra, đánh giá năng lực của nhà thầu trong liên danh (biện pháp thi công, việc huy động thiết bị, máy móc và nhân lực...) để hoàn thành công trình đúng theo tiến độ đã được gia hạn. Đánh giá, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các giải pháp xử lý tiếp theo khi dự án không đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đã gia hạn...

HẢI QUỲNH