Vì sao “vàng tặc” lộng hành?

Thứ tư, 22/06/2016 09:57

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, nạn khai thác vàng trái phép diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum, nghiêm trọng hơn, “vàng tặc” còn lợi dụng cả việc xin dự án thủy điện để... khai thác vàng sa khoáng. Tình trạng trên không chỉ xâm chiếm đất rừng, đất rẫy và tác động xấu đến môi trường, song chính quyền địa phương lại chậm trễ, dây dưa trong việc xử lý.

Một rừng thông nham nhở vì bị đào xới.

BÃI VÀNG BÊN ĐỒI SẠC LY

Cơn mưa rào đầu mùa khiến con đường từ xã Đắc Kan (H. Ngọc Hồi, Kon Tum) lên khu vực rừng thông ba lá ở khu vực đồi Sạc Ly trơn trượt, ngập đầy bùn đất. Tuyến đường ranh cản lửa ngoằn ngoèo giữa rừng thông trở thành độc đạo để đến những “mỏ vàng” mà bấy lâu nay “vàng tặc” vẫn hay phao tin trúng đậm.

Chỉ đi chừng hơn 200m, những đống đất, đá bị đào xới chất cao giữa rừng thông đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Người dẫn đường nhìn quanh rồi nói: “Mấy hôm nay “động” (bị lực lượng chức năng kiểm tra) nên “vàng tặc” lánh đi rồi, chứ hầm đang làm dở vì nghe bảo gặp “mỏ” ở dưới đó”. Chỉ một khoảnh đồi nhỏ nhưng xuất hiện chi chít những hố, hầm mà “vàng tặc” đào xới và những hố nhỏ như đào dế mà những đối tượng khai thác vàng trái phép đi “tăm” vàng. Những lán trại tạm bợ đã được dọn đi, chỉ còn những tấm bạt chứa nước sinh hoạt vẫn để nguyên bên các hầm vàng. Ngay cạnh đó, một hố vàng sâu cả 40-50m, nhìn xuống dưới tối mịt, người yếu tim chắc không dám lại gần, bởi chỉ cần 1 cái sẩy chân thì khó bảo toàn tính mạng. Thế nhưng, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, “vàng tặc” vẫn khoét sâu xuống lòng đất, tìm kiếm những quặng vàng lẫn trong đất, đá. Đếm nhẩm, có đến cả gần chục cái hố mà “vàng tặc” đào xuống sâu hoắm như vậy.

Không chỉ đào hố, “vàng tặc” còn khoét đất tạo nên những hầm vàng như địa đạo bên chân đồi. Phía ngoài một bao cát nhỏ được nối sâu hun hút vào bên trong để làm dụng cụ thông hơi vào hầm vẫn được các “vàng tặc” để lại. Len sâu vào bên trong, vai đã chạm nền trần với lớp đất mềm nhũn, phải dùng đèn pin mới thấy rõ đường đi. Lối đi vòng vèo khắp nơi vì “vàng tặc” cứ lần theo “mạch” vàng mà đào, xới. Đi vào khoảng vài chục mét, không khí như cô đặc lại và nền đất bắt đầu thấm nước chảy róc rách, chúng tôi đành quay trở ra. Qua tìm hiểu của phóng viên, sau khi khai thác phần đất, đá có quặng vàng, “vàng tặc” sẽ dùng xe máy chở số đất, đá này ra khu vực khác dùng máy móc để đãi vàng… Hàng loạt hầm vàng khác bị đào xới khắp cả quả đồi trong suốt thời gian dài trong sự thờ ơ đến khó hiểu của chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương H. Ngọc Hồi kiểm tra thực tế tại 1 bãi vàng trái phép.

XỬ LÝ KIỂU DÂY DƯA

Không chỉ ở khu vực này, những khu vực khác xung quanh đồi Sạc Ly cũng bị “vàng tặc” đào xới không thương tiếc. Những hầm, hố băm nát các cánh rừng thông chục năm tuổi thuộc quản lý của Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi (thuộc Cty nguyên liệu giấy miền Nam). Vừa qua, đích thân ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND H. Ngọc Hồi cùng các cơ quan chức năng của huyện đi kiểm tra cũng phát hiện “vàng tặc” vẫn cắm chốt dựng lán trại ở các khu vực khó đi lại để đào xới.

Lý giải vì sao “vàng tặc” lộng hành trong thời gian dài trong lâm phần được giao, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi cho biết: Việc khai thác vàng trái phép diễn ra trên toàn bộ diện tích rừng trồng của Ban, có nơi giáp ranh giữa 3 huyện Ngọc Hồi, Đắc Tô và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) nhưng tập trung chủ yếu ở Tiểu khu 181 (thuộc xã Đắc Kan, H. Ngọc Hồi). Cách đây 2 năm, các đối tượng vào khai thác vàng trái phép đã xuất hiện, Ban cũng đã nhiều lần có báo cáo lên chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhưng sau khi truy quét, đẩy đuổi thì đâu lại vào đấy.

Cũng theo ông Sơn, mỗi ngày thường có 30-40 xe máy chở “vàng tặc” đua nhau vào băm nát các cánh rừng thông để đào xới tìm vàng. Lúc cao điểm, lên tới cả 100 xe máy chở người cùng dụng cụ vào đây giành bãi vàng. Trong khi đó, “vàng tặc” còn quay sang đe dọa cả cán bộ, nhân viên của Ban khi biết Ban báo cáo vấn đề khai thác vàng trái phép ở đây lên cơ quan chức năng.

Trong chuyến kiểm tra thực tế tại bãi vàng, ông Trần Văn Chí đã truy vấn rất nhiều các cơ quan chức năng về việc để “vàng tặc” lộng hành ở khu vực này. Bởi việc để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt trong 2 năm trời, thế nhưng chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng không có một biện pháp nào xử lý dứt điểm. “Dù từ đầu chúng tôi đã có giải pháp nhưng những giải pháp này chưa triệt để và cũng không căn cơ. Để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép này diễn ra trong thời gian dài và cái này là một phần khuyết điểm  trong công tác quản lý của chúng tôi”, ông Chí thừa nhận. Cũng trong chuyến kiểm tra này, ông Chí đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp như: tiến hành lấp các hầm, hố vàng, tăng cường tuần tra kiểm soát, đẩy đuổi các đối tượng “vàng tặc” ra khỏi địa bàn. “Chúng tôi cam kết từ giờ trở đi sẽ không còn các đối tượng khai thác vàng trái phép ở đây nữa”, ông Chí cho biết thêm.

Ở một diễn biến khác, vừa qua UBND tỉnh Kon Tum đã tiến hành thu hồi dự án thủy điện Đắc Brot do Cty CP Phúc Kim Tân (Kon Tum) làm chủ đầu tư tại xã Đắc Nhoong (H. Đắc Glei, Kon Tum). Dự án này dù công suất chỉ có 2MW nhưng được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép vào năm 2010, dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Thế nhưng, 6 năm qua, dự án thủy điện chỉ dậm chân tại chỗ, thay vào đó lợi dụng việc làm dự án này, chủ đầu tư đã “hợp đồng” với người khác để đưa máy móc vào đây khai thác vàng trái phép. Trong năm 2015 và 2016, UBND H. Đắc Glei đã có đến 5 công văn đề nghị tỉnh Kon Tum thu hồi dự án trên. Thế nhưng, chần chừ mãi, chỉ đến khi thông tin được phản ánh trên báo chí, UBND tỉnh Kon Tum mới “chịu” thu hồi dự án này và đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi vùng dự án.

M.T