Vì sao Việt Nam chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Genève năm 1954?
(Cadn.com.vn) - Lời tòa soạn: Cách đây tròn 60 năm, một sự kiện chính trị tụ họp mọi cường quốc trên thế giới để quyết định những vấn đề lớn nhất của thời đại diễn ra ở Genève (Thụy Sỹ). Hội nghị này quan trọng đến mức, bất luận những biến thiên lịch sử mang tầm thời đại..., thì những vấn đề mà nó đặt ra vẫn chi phối cho đến tận hôm nay, vẫn trở thành chủ đề mang tính thời sự, chẳng hạn, riêng với Việt Nam, đó là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhân kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Genève, Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết của PGS – TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Khu vực III (Đà Nẵng). Trong bài viết, tác giả đã phân tích những lý do lý giải cho câu hỏi vì sao Việt Nam chấp nhận đàm phán tại Genève 1954 như tiêu đề bài viết nêu ra, đồng thời, một lần nữa cho thấy tầm nhìn của Chính phủ, Cụ Hồ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Hội nghị Genève năm 1954. Ảnh: Tài liệu |
Suốt 7 năm, từ tháng 12-1946 cho đến tháng 11-1953 giữa ta và Pháp chỉ có đánh nhau trên chiến trường, vấn đề gặp gỡ hai bên để đàm phán không được đặt ra. Chỉ đến cuối năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đặt lại vấn đề đàm phán với Pháp qua việc trả lời phóng viên báo Expressen của Thụy Điển là, nếu Chính phủ Pháp “muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó...”.
Vì sao đến lúc này Đảng và Chính phủ ta quyết định đàm phán với Pháp để đi đến kết thúc chiến tranh? Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Thấy cây phải thấy rừng”. Tức là, cần phải có một cái nhìn toàn diện, cả về tương quan lực lượng giữa ta và Pháp vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, về ý nguyện của nhân dân và thiện chí của Chính phủ ta, ý nguyện của nhân dân và thái độ của Chính phủ Pháp sau 9 năm tiến hành cuộc chiến; về ý đồ của Mỹ, Anh là những nước đồng minh của Pháp và thái độ của hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, đó là do dân tộc Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, không hề muốn chiến tranh, chỉ khi không còn cách nào khác mới đứng lên tiến hành chiến tranh để bảo vệ nền độc lập của mình, khi chiến tranh đã xảy ra vẫn “chủ trương chấm dứt cuộc chiến tranh và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam bằng phương sách thương lượng hòa bình”, và cũng vì “chủ trương đó cũng là nguyện vọng chung của nhân dân toàn thế giới và cũng phù hợp với quyền lợi của nhân dân hai nước Việt – Pháp”.
Hai nữa, dù có thiện chí hòa bình nhưng không phải cứ muốn là được. Chúng ta chỉ có thể thương lượng hòa bình khi nào tương quan lực lượng đã mạnh hơn hoặc chí ít cũng ngang ngửa với đối phương. Đến lúc này, xét về tương quan lực lượng thì thế ta ngày càng mạnh, thế Pháp ngày càng yếu.
Chính phủ Pháp đã tỏ rõ muốn giải quyết vấn đề Đông Dương như vấn đề Triều Tiên để khỏi lâm vào tình thế tiếp tục sa lầy ở đây. Một khi Chính phủ Pháp đã đặt ra giải pháp như vậy (đành rằng với ý muốn đàm phán trên thế mạnh), thì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương giải pháp thương lượng đình chiến vào thời gian này là hợp lý, đáp ứng được ý muốn của cả hai bên Việt - Pháp.
Thứ ba, việc quyết định đi đến kết thúc chiến tranh còn phải xem xét thái độ của các nước lớn. Lúc này xu thế hòa hoãn trên thế giới đang phát triển, đang chi phối đường lối đối ngoại của nhiều nước, nhất là sau khi mặt trận Triều Tiên ngừng tiếng súng. Với Liên Xô và Trung Quốc là hai nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam kháng chiến nay cũng muốn Việt Nam đi đến kết thúc chiến tranh bằng giải pháp đàm phán, tuy mỗi nước có toan tính khác nhau.
Tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị Genève giữa Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, Chu Ân Lai đã tuyên bố rằng: “Nếu cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, Chính phủ Trung Quốc không thể viện trợ thêm cho Việt Nam được nữa vì điều đó làm Trung Quốc đối lập với nhân dân Đông Nam Á và tạo cho Mỹ khả năng lập một khối quân sự kéo dài từ Ấn Độ Dương đến Indonesia. Vì vậy cần phải tìm ra khả năng tiến hành các cuộc thương lượng với nước Pháp”.
Thứ tư, cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng đã trải qua một thời gian dài. Phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến mà ngay từ đầu Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra là đánh lâu dài. Nhưng lâu dài không có nghĩa là cứ đánh dằng dai mãi, mà phải biết nhân thế tạo lực rồi từ lực mới tạo ra thế mới để tạo ra bước ngoặc cho cuộc kháng chiến (điều này chúng ta đã tạo ra được trong chiến dịch Biên giới năm 1950), rồi từ thế và lực mới phải biết chọn lúc kết thúc chiến tranh trên thế có lợi cho ta.
Trung ương Đảng nhận định, nếu chiến tranh trường kỳ, nhân dân ta phải đóng góp sức người, sức của nặng thêm, và có thể sinh ra những hiện tượng mệt mỏi, như thế cuộc kháng chiến sẽ càng khó khăn. Và để có được thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự thì không thể chỉ trong một, hai năm, do đó cần phải biết thắng và chấp nhận thắng từng bước bằng biện pháp đàm phán để đạt được những kết quả nhất định bước đầu.
Thứ năm, việc quyết định chấp nhận đàm phán của nước ta bấy giờ lại đặt trong thế đã rồi, bởi Hội nghị tứ cường gồm Liên Xô – Mỹ - Anh – Pháp đã họp ở Berlin để bàn vấn đề triệu tập Hội nghị Genève về Triều Tiên và Đông Dương, có sự tham dự của Trung Quốc.
Từ đây, Liên Xô và Trung Quốc phối hợp nhịp nhàng với nhau để đề cao vị thế của phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc với tư cách là người bảo trợ chính cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tự đứng ra đóng vai trò là người đối thoại chính với Pháp nhằm có một giải pháp có lợi cho Trung Quốc.
Pháp thì chỉ muốn đối thoại với Trung Quốc và Liên Xô để giữ lấy sĩ diện khỏi phải ngồi đối thoại với Việt Nam, và qua đàm phán với Trung Quốc Pháp cũng sẽ có được một giải pháp có lợi hơn cho mình. Anh ủng hộ Pháp để có lợi cho việc củng cố “khối thịnh vượng chung” của Anh ở Châu Á.
Chỉ có Mỹ là không ủng hộ giải pháp thỏa hiệp của Pháp tại Hội nghị Genève vì lo sợ sự thắng lợi của phong trào cộng sản ở Đông Nam Á sẽ là khó khăn cho mưu đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương. Vậy thì, nếu lúc này Chính phủ ta vẫn còn chờ đợi thêm thời gian mà không nhận lời tham dự Hội nghị Genève thì sẽ bị đứng ra bên ngoài.
Khi đó, việc thiếu tiếng nói của phái đoàn ta tại Hội nghị chắc chắn sẽ là một thiệt thòi lớn cho nước ta. Chính vì lẽ đó nên Ban Bí thư Trung ương Đảng nhận định: “Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Genève nhưng không nên bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ dư luận và tranh thủ làm cho Hội nghị Genève có thể bắt đầu để đi đến các cuộc gặp gỡ khác”.
Thứ sáu, nếu ta không chịu tham gia vào Hội nghị Genève, ngoài việc bị thiệt thòi về kết quả của Hội nghị lại còn bị các nước đế quốc nhân đó vu cáo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn kéo dài chiến tranh, chỉ chúng mới muốn hòa bình. Và còn một lý do nữa, nếu chúng ta vẫn kiên quyết đánh tiếp thì có thể giải phóng thêm được một phần đất đai nhưng đế quốc Mỹ sẽ lập tức lấy cớ nhảy ngay vào Việt Nam cứu nguy cho quân Pháp vì Mỹ đã có sẵn kế hoạch chiếm lấy Đông Dương. Như thế, sẽ là khó khăn gấp bội cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Tuy thắng lợi của ta tại Hội nghị Genève chưa được thể hiện đầy đủ, một mặt tuy có thắng lợi tại Điện Biên Phủ, nhưng nhìn tổng thể thì cuộc kháng chiến của nhân dân ta chưa tạo được biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược; một mặt còn do Liên Xô và Trung Quốc ép ta có những nhân nhượng cần thiết để đạt thỏa thuận mà họ mong muốn.
Nhưng, rõ ràng ta đã đạt được yêu cầu cơ bản là: chấm dứt được cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương; các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Thắng lợi của bản Hiệp định này tạo những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới và đã đặt những cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ về sau.
PGS-TS Ngô Văn Minh