Vì sao xuất khẩu của đà Nẵng tăng ấn tượng?
Từ đầu năm đến nay xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vì sao trong bối cảnh dịch bệnh vô vàn khó khăn, cả nước đang ở tình trạng nhập siêu thì Đà Nẵng vẫn giữ được đà xuất siêu ổn định và cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 5 năm qua?
Lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng trung bình mỗi tháng hơn 800 ngàn tấn. |
Trong tháng 8 Đà Nẵng phải đối mặt với dịch bệnh căng thẳng, nhiều nhà máy thu hẹp sản xuất với tối đa 30% nhân lực, hoạt động lưu thông trở ngại, tuy nhiên xuất khẩu của TP vẫn đạt hơn 144 triệu USD, tăng 5,4%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng luôn duy trì xuất siêu với mức tăng 20,3%. Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết, việc duy trì xuất khẩu tăng cao thể hiện nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đơn hàng tồn trong năm. Chưa kể, trong điều kiện dịch bệnh, dù chi phí logistics tăng, vận chuyển hàng hóa khó khăn, chậm hơn vì các yêu cầu phòng dịch (xét nghiệm cho tài xế, giấy đi đường) song các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng đơn hàng theo cam kết với đối tác. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh bị phạt vi phạm cam kết thời gian giao hàng mà còn giúp giữ uy tín kinh doanh với đối tác.
Là một trong số những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt- Tổng giám đốc công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh thu xuất khẩu của DRC tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng, DRC đạt doanh thu xuất khẩu từ 10-12 triệu USD, riêng trong tháng 8 do thực hiện các yêu cầu chống dịch, một số bộ phận phải nghỉ giãn cách nên doanh thu xuất khẩu đạt 9,3 triệu USD. Ông Nhựt chia sẻ, cứ sau lô hàng xuất đi mỗi tháng công ty lại có đơn hàng mới. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu dự trữ từ 2-3 tháng nên trong tháng 7 và 8 vừa qua dù hoạt động vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn vì giãn cách chống dịch song công ty không bị đứt gãy, gián đoạn sản xuất.
Một doanh nghiệp khác cũng nằm trong top 10 xuất khẩu lớn nhất Đà Nẵng là công ty thủy sản Thuận Phước có mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 45% những tháng qua. Ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, năm ngoái, Việt Nam chống dịch tốt, các đơn hàng ồ ạt cập bến như một điểm khắc phục các chuỗi gãy đổ chỗ khác. Nhờ đó, công ty có đơn hàng xuất khẩu đến đầu năm 2022. Riêng 6 tháng đầu 2021, công ty tăng tốc sản xuất với 2800 nhân lực, tăng trưởng hơn 45%. Tuy vậy, từ cuối tháng 7 khi dịch bệnh tại Đà Nẵng phức tạp, số lao động làm việc trong các nhà máy giới hạn, vì vậy trong tháng 8 xuất khẩu của công ty giảm chỉ đạt 2 triệu USD, trong khi bình thường đạt từ 8-10 triệu USD/tháng. Hiện nay, nhân lực đã được tăng cường khoảng 1300 công nhân song ông Lĩnh cho biết vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn nguyên liệu chế biến có nguy cơ đứt gãy khi mà cảng cá đóng cửa, các vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng giãn cách không xuất bán được, giá rẻ chỉ còn 1/3, thua lỗ, nông dân không xuống giống nuôi trồng vụ mới. “Để có nguyên liệu thủy sản chế biến cần phải nuôi trồng trước 2-3 tháng. Nhưng nếu việc nuôi trồng gián đoạn thì các nhà máy chế biến buộc đóng cửa. Đơn hàng không đảm bảo, gián đoạn đồng nghĩa với mất uy tín, mất đối tác”- ông Lĩnh chia sẻ.
Ông Trần Lê Tuấn- Tổng giám đốc cảng Đà Nẵng cho biết, lượng hàng hóa qua cảng thời gian qua tăng hơn 10% (khoảng 800 đến 900 ngàn tấn/tháng). Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều trở ngại, để đạt được kết quả này, cảng Đà Nẵng đã phải nỗ lực rất lớn. Công ty chấp nhận bỏ kinh phí thuê 3 khách sạn cho hơn 300 công nhân lưu trú, thực hiện “một cung đường hai điểm đến” để duy trì hoạt động lưu thông hàng hóa qua cảng trong những thời điểm dịch diễn biến căng thẳng nhất. Do đặc thù cảng phải hoạt động 24/7 nên với tối đa 30% nhân lực không đủ lấp đầy các ca, công ty phải có chế độ ưu tiên để công nhân tăng ca. Ông Tuấn nói: Vừa chống dịch, vừa sản xuất, chi phí phát sinh tăng cao, song chúng tôi chấp nhận để đảm bảo hàng hóa qua cảng được thông suốt. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng nếu gián đoạn cũng giống như mạch máu giao thông tắc lại, dễ dẫn tới nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Cảng ngoài kinh doanh còn thực hiện công ích xã hội, chống dịch khó khăn, tốn kém đến mấy cũng phải nỗ lực đảm bảo dòng hàng hóa được thông suốt, góp phần phát triển kinh tế TP.
HẢI QUỲNH