Vị Tết những năm tháng ấy

Thứ bảy, 27/01/2024 11:34
Ký ức về Tết của những năm tháng đất nước còn chia cắt và sau này là thời bao cấp, dù đã trải qua quãng thời gian gần nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn lắng đọng trong tôi. Nhớ lại, giai đoạn đất nước còn khó khăn gian khổ, miền Bắc phải dồn sức người sức của để giải phóng miền Nam, vừa phải chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cả năm vất vả, chỉ mong đến “3 ngày Tết” để có cơ hội được “ăn ngon mặc đẹp” theo suy nghĩ của đám trẻ như chúng tôi lúc bấy giờ.
Tết đến rồi.
Tết đến rồi.

Chuyện “mặc” ngày Tết thì ít có cái để nói vì cùng lắm là được ba má mua cho 1 bộ quần áo mới ngoài cửa hàng mậu dịch là oách lắm rồi. Trọng tâm và nhớ nhiều, nhớ mãi vẫn là chuyện “ăn” Tết. Những gia đình có người tập kết như nhà tôi, cứ dịp Tết đến là trổ tài làm những món ăn mang tính “truyền thống” của quê hương, đặc biệt là món miền Trung, cụ thể là Hội An, một phần là vì nỗi nhớ quê, một phần là để cho con cái thưởng thức và đôi lần còn góp chung trong bữa liên hoan tất niên của khu tập thể nơi gia đình tôi sống lúc đó.

Tôi có may mắn sống trong gia đình ba má đều là người Hội An tập kết ra Bắc và cả hai đều nấu nướng rất ngon, nên hai chị em tôi cứ mong Tết đến để được thưởng thức những món ngon ba má làm mà thường ngày không thể có, không ai làm cũng chẳng ai bán, nếu nói ở thời điểm đó. Trước tiên phải kể đến đó là món cơm gà Hội An. Nguyên liệu cho món này thì tìm không khó, bởi gà nào cũng là gà, nhưng cách nấu thì phải là người Hội An. Không biết có phải vì bảo thủ không mà đến bây giờ tôi vẫn thấy cơm gà ba má nấu những năm tháng khó khăn ấy là ngon nhất, bây giờ không có quán ngon nào ngon hơn nữa. Còn nhớ, để tham gia “góp công sức” cho món ngon độc đáo ngày Tết này, chị em chúng tôi cũng “hụ hợ” như bóc tỏi, bào đu đủ... Và cuối cùng có bữa cơm gà “độc nhất vô nhị” của khu tập thể mang tên “Cơm gà Hội An”. Với món này tôi còn nhớ “quy trình” với gạo được vo sau đó để ráo nước, cho vào chảo mỡ gà phi tỏi băm, rang lên cho hạt gạo săn lại, sau đó nấu với nước luộc gà để cho ra “sản phẩm” là những đĩa cơm có màu sắc ánh vàng của mỡ gà, được rắc gà xé trộn rau răm và muối tiêu, ăn với tô canh đầu, cổ, cánh, xương gà nấu rau cải hoặc su hào cùng với một món không thể thiếu là đu đủ bào trộn với giấm ớt tỏi. Nói nhiều đến món “đinh” này vì nó là “món để đời” với tôi những ngày Tết năm ấy.

Ngoài cơm gà, trong ngày Tết cả nhà còn được thưởng thức những “món miền Nam” như đồ trộn (bây giờ hay gọi là gỏi), “chả ram Sài Gòn”, “Thịt kho tàu”...

Về các món ngọt, ngoài tiêu chuẩn khi ấy là mỗi nhà được mua là hộp mứt Tết thì các món còn lại chủ yếu là “món nhà làm”. Nào là mứt khoai, mứt dừa, mứt cà chua..., được má trổ tài. Còn một món, có thể nói là khá “ấn tượng” trong các món bánh trái ngày Tết của nhà tôi lúc đó là món bánh “Cravat” mà tôi nghĩ là có nguồn gốc từ Hội An. Món này ba tôi làm không những ngon mà còn đẹp nữa. Nguyên liệu làm bánh là bột mì, một thứ thời ấy không thiếu nên có thể chế biến nhiều món từ loại nguyên liệu này. Cách làm bánh này đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ là trứng gà được đánh kỹ nổi bọt, sau đó trộn với bột mì, “nhào nặn” cho nhuyễn thành khối hình trụ rồi, sau đó cắt ra từng miếng rồi dùng cái chai cán mỏng, tiếp tục cắt thành những miếng hình chữ nhật cỡ khoảng 3x10cm rạch một đường ở giữa rồi đút 1 đầu qua rồi nhẹ nhàng kéo ra, tạo hình cho miếng bánh có hình dạng như chiếc cavat. Việc tiếp theo là cho mỡ vào chảo đến khi sôi lên rồi hạ bớt lửa rồi thả bánh vào chờ nó phồng lên, vàng ruộm là vớt ra bỏ vào rổ (hồi ấy chủ yếu là mỡ hóa học hoặc khá giả thì mỡ heo để chiên xào chứ rất hiếm khi có dầu thực vật như bây giờ, nếu có cũng thuộc vào hàng quý hiếm), để nguội rồi sau đó đến khâu cuối là ngào đường. Đường cát được hòa với nước cho vào chảo giữ lửa cho đường sôi lên mà không bị cháy, sau khi sôi đến khi quánh lại, dùng chiếc đũa nhúng vào, kéo lên thấy sợi tơ thì biết đường đã đến độ. Khi đó cho mẻ bánh đã chiên vàng vào nhúng đều rồi vớt ra, thấy lớp đường chuyển qua màu trắng là “thành công” và có thể thưởng thức ngay. Khi ấy, vì thèm quá mà tôi hay nhón tay bốc ăn ngay khi lớp đường bao quanh vẫn còn quánh dẻo nhưng cũng thấy ngon vô cùng. Để ăn và mời khách trong mấy ngày Tết phải cho bánh vào túi ni-lông để giữ không cho bị ỉu sẽ mất ngon.

Sau này, khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ba má đưa hai chị em về lại Đà Nẵng. Thời kỳ bao cấp, đời sống kinh tế ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung cũng khó khăn nhưng để làm ra những món ăn như đã kể ở trên không phải là quá khó và cũng không phải chỉ đến dịp Tết mới làm. Nhưng đối với thế hệ 6X chúng tôi, những cái Tết của những năm tháng đất nước trăm bề khó khăn có một giá trị đặc biệt. Về vật chất không thể so sánh với những cái Tết bây giờ nhưng có thể khẳng định, những năm tháng đó, đất nước càng khó khăn, Tết lại càng đầm ấm và có giá trị biết bao, người người, ai cũng mong ngóng chờ trông Tết đến.

Một mùa xuân mới lại đến, một cái Tết nữa lại về, trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn này, tôi vẫn không thể nào quên những cái Tết của một thời đất nước gian khó nhưng ấm áp tình người, thiếu thốn vật chất nhưng tinh thần thì phơi phới dậy tương lai. Và đặc biệt là không thể nào quên cái vị Tết thật đặc biệt của những năm tháng ấy.

DÂN HÙNG