Việc đánh giá tác động môi trường sẽ “đơn giản”?

Thứ bảy, 25/09/2021 11:45

Một số quy định trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được cho là sẽ làm “tăng gánh nặng, chi phí” cho doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và thông tin chi tiết về vấn đề này, trong đó, vấn đề được quan tâm hàng đầu là Đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, một số hiệp hội, báo chí cho rằng, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm đánh giá tác động môi trường và xin giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II, kể cả đã hoạt động cũng phải làm đánh giá tác động môi trường và xin giấy phép môi trường là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa…

Điều 39 quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý, hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức; dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 điều này.

Dự thảo Nghị định mới nhất đã tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép môi trường, như: Nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép đơn giản hơn, phù hợp với từng đối tượng; bỏ trình tự về thông báo việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép, đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần, chỉ yêu cầu báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường, hoặc cơ sở đang hoạt động thì chỉ cần nộp văn bản đề nghị và báo cáo đề xuất cấp giấy phép, trường hợp điều chỉnh thì chỉ nộp văn bản đề xuất điều chỉnh. Quy trình cấp cũng được đơn giản hóa theo tính chất dự án, như trường hợp các dự án không có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm và trường hợp điều chỉnh giấy phép thì được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong thời gian không quá 15 ngày.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật, việc cấp giấy phép môi trường, dự thảo Nghị định cũng chỉ quy định trong trường hợp cần thiết đối với các dự án thuộc nhóm I, nhóm II, cơ quan cấp giấy phép mới thành lập đoàn kiểm tra.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 gồm 13 Chương, 197 Điều.

MINH NGUYỆT