"Viên ngọc trai" của Trung Quốc ở Sri Lanka

Thứ hai, 05/02/2018 10:25

Với việc mua lại cảng Sri Lanka, Trung Quốc đã thêm một "viên ngọc" nữa vào "chuỗi ngọc trai" của mình.

Cảng Hambantota nằm trên bờ biển phía Nam của Sri Lanka. Ảnh: AFP

Khi chính phủ Sri Lanka lần đầu tiên tìm cách phát triển cảng Hambantota nằm trên bờ biển phía Nam nhìn vào Ấn Độ Dương, nước này nhờ người láng giềng Ấn Độ giúp đỡ. Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa khẩn trương nhờ Ấn Độ giúp kinh phí để thay đổi cảng thành phố quê hương mình, nhưng New Delhi tỏ ra rất ít quan tâm đến việc tài trợ một dự án xây dựng cảng tốn kém và khổng lồ ở làng chài kém phát triển Hambantota, một huyện bị tàn phá bởi trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Straits Times của Singapore vào năm 2010, ông Rajapaksa cho biết: "Cảng đã được chào bán cho Ấn Độ đầu tiên nhưng cuối cùng Trung Quốc đã đồng ý xây dựng nó". Bắc Kinh đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào năm 2010 để xây dựng cảng. Cuộc mạo hiểm này được coi là không khả thi về mặt kinh tế và trong những năm tiếp theo, cảng bị bỏ hoang khiến khoản nợ của Sri Lanka tăng vọt.

 "Một chiến lược quyết tâm"

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đầu tư vào Sri Lanka.

Khi Liên minh Châu Âu (EU) tìm cách trừng phạt Sri Lanka về những vi phạm nhân quyền trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa các lực lượng chính phủ và phe nổi dậy "Những con hổ Tamil", Trung Quốc đại diện cho LHQ giúp đỡ nước này. Bắc Kinh cũng cung cấp cho chính quyền Thủ tướng Rajapaksa viện trợ quân sự và hứa sẽ hỗ trợ tài chính để xây dựng lại cơ sở hạ tầng. New Delhi cũng gửi quân đội đến giúp, nhưng không thể bằng Bắc Kinh.

Cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2009. Từ năm 2005-2017, Trung Quốc đã chi gần 15 tỷ USD cho Sri Lanka. Theo so sánh, Tập đoàn Tài chính Quốc tế, là một bộ phận của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết trong khoảng thời gian từ năm 1956-2016, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2017, Sri Lanka không đủ sức duy trì cảng Hambantota. Trung Quốc đã nhắc đến món nợ, và Sri Lanka đã trả nợ cho họ Cảng Hambantota. Cảng Hambantota không chỉ cung cấp cho Trung Quốc một điểm tiếp cận chiến lược phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ mà còn tạo cho Bắc Kinh một vị thế thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường vốn là của Ấn Độ, vì vậy Bắc Kinh đã đạt được một số mục tiêu chiến lược về vấn đề này. Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Australia tại Sydney, nhận định: "Đây là một phần của chiến lược đã được Trung Quốc xác định sẽ quyết tâm theo đuổi để mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và Bắc Kinh đã sử dụng Sri Lanka để đạt được điều đó".

Việc Sri Lanka cấp giấy phép hoạt động chính thức cho cảng Hambantota vào tháng 12-2017 cho phép Trung Quốc tiếp cận thêm một tuyến vận tải quan trọng, đồng thời cung cấp cho Bắc Kinh một sự hiện diện đáng kể trong sân sau của Ấn Độ, đưa Trung Quốc đến gần bờ biển Ấn Độ hơn.

Hơn thế nữa, Sri Lanka sau đó ký hợp đồng cho thuê cảng Hambantota trong 99 năm với một Cty nhà nước Trung Quốc, động thái khiến nhiều nhà quan sát lo ngại, các nước đang phát triển khác đang hợp tác với Trung Quốc trong Dự án Một Vành đai, Một Con đường có thể rơi vào cái bẫy tài chính tương tự. Họ cảnh báo, cái bẫy này có thể đem lại nhiều tiền hơn cho Bắc Kinh. "Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc là bên duy nhất có lãi suất và vốn để thực hiện các dự án này. Câu hỏi đặt ra là sự can thiệp này ở mức nào?", Jeff Smith, nhà nghiên cứu về vấn đề Nam Á thuộc Quỹ Heritage tại Washington cho biết.

Tạo ra nhu cầu cho hàng hóa Trung Quốc

Ông Davis cho rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong việc kiểm soát các cảng chiến lược dọc các tuyến đường vận chuyển quan trọng - những gì mà các nhà phân tích gọi là "chuỗi hạt ngọc trai" - bắt đầu từ eo biển Malacca và vươn đến Ấn Độ Dương, báo hiệu những tham vọng của Bắc Kinh.

Trung Quốc đưa ra chiến lược phát triển "Một Vành đai, Một con đường" đầy tham vọng vào năm 2013. Sáng kiến này sẽ kéo dài trong hơn 68 quốc gia, bao gồm 4,4 tỷ người và chiếm tới 40% GDP toàn cầu. Dự án bao gồm 2 phần riêng biệt, vành đai kinh tế tơ lụa, kéo dài từ Trung Quốc đến Châu Âu, bao gồm một loạt các dự án về thương mại và cơ sở hạ tầng, và con đường tơ lụa biển thế kỷ XXI là một mạng lưới các tuyến đường biển và cảng biển trên khắp Châu Á-Thái Bình Dương.

Dean Cheng, một thành viên cao cấp của Tổ chức Heritage tại Washington cho biết, làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương chủ yếu do những cân nhắc về kinh tế. Các khoản đầu tư này sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ đem lại lợi ích cho các Cty Trung Quốc và các dự án xây dựng sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động Trung Quốc.

AN BÌNH (Theo CNN)