Viện nói có, tòa nói không!

Thứ bảy, 23/07/2016 11:30

(Cadn.com.vn) - Đó là trường hợp của Nguyễn Thanh Tùng (1991, trú thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, H. Phú Hòa, Phú Yên) khi bị cơ quan CA khởi tố, bắt tạm giam 14 tháng và được VKSND phê chuẩn. Trong khi đó, tòa cho rằng đây là hành động phòng vệ chính đáng nên tòa tuyên Tùng vô tội.

Theo đó, 13 giờ ngày 6-6-2013, Nguyễn Xuân Đại, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tình (1992), Hồ Văn Nhật (1990), Nguyễn Thanh Tùng (cùng trú thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, H. Phú Hòa, Phú Yên) tổ chức ăn nhậu ở nhà Đại. Trong lúc nhậu, Đại nói với cả nhóm là ở thôn Sơn Thọ (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) có một ông nói rằng con trai Phụng Nguyên qua chơi là “kết lắm”. Nghe vậy, Tuấn hỏi lại “Ông đó là ông nào? Giờ chúng ta qua đó xem thử”. Thế là Tuấn điều khiển xe máy BKS 78V2-0155 chở Tùng và Đại, Nhật điều khiển xe máy BKS 78V2-2210 chở Tình đi từ Hòa Trị qua Hòa Kiến. Khi đi qua tiệm sửa xe của anh Đỗ Văn Đông (1987, ở thôn Sơn Thọ) thì cả nhóm dừng lại sửa xe. Lúc này Đại hỏi: “Sao mấy người Phụng Nguyên qua chơi mấy ông đánh miết vậy?” thì Đông hoảng sợ bỏ chạy. Lúc này, anh họ của Đông là Đỗ Minh Tuấn nghe nói Đông bị đánh nên vào tiệm sửa xe lấy tuýp sắt đánh Tùng. Bị đánh, Tùng xông vào ôm Tuấn vật ngã, làm rơi tuýp sắt. Lúc này, Nguyễn Anh Tuấn nhặt lấy tuýp sắt, Nhật cầm ghế nhựa, Tình cầm tuýp sắt đánh nhiều cái vào mặt, đầu và lưng của Đỗ Minh Tuấn gây thương tích 33%. Sau đó, thấy Đông cầm rựa nên Nhật điều khiển xe chở Tình, Tùng và Nguyễn Anh Tuấn chạy khỏi tiệm, Đại chạy bộ. Đông cầm rựa đuổi theo Đại rồi cả hai giằng co nhau nên Đông cầm rựa chém trúng đỉnh đầu, tay trái và lưng khiến Đại bị thương tích 14%.

Sau thời gian điều tra, CATP Tuy Hòa khởi tố Tình, Tùng, Nhật và Đông về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Trong đó, Tình bị bắt tạm giam từ ngày 12-12-2013, đến ngày 14-1-2016 được cho tại ngoại; Nhật bị bắt tạm giam ngày 28-3-2014, đến ngày 14-1-2016 được cho tại ngoại; Tùng bị bắt tạm giam từ ngày 28-3-2014, đến ngày 29-5-2015 được tại ngoại. Riêng Đông được tại ngoại. Sau đó, VKSND TP Tuy Hòa truy tố Tình, Tùng, Nhật và Đông về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại các phiên tòa, Tùng đều cho rằng mình không phạm tội. Tùng khai do bị Đỗ Minh Tuấn dùng tuýp sắt tấn công trước nên mới ôm và vật ngã Tuấn để phòng vệ, chứ không có ý định vật ngã để tạo điều kiện cho Tình, Nhật đánh. Trước đó, TAND TP Tuy Hòa từng 3 lần mở phiên xử nhưng đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Những lần ấy, tòa đều yêu cầu điều tra để xác định Tùng có hành vi cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm hay chỉ phòng vệ chính đáng. Mới đây, TAND TP Tuy Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo và của các nhân chứng đều phù hợp với nhau và phù hợp với lời khai của Tùng. Mặc dù vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Tùng tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 5-15 năm tù, nhưng đại diện VKSND TP Tuy Hòa lại đề nghị tòa xử phạt Tùng 3 năm tù cho hưởng án treo. Với các bị cáo còn lại, VKSND TP Tuy Hòa đề nghị phạt từ 3-4 năm tù.

Tuy nhiên, HĐXX TAND TP Tuy Hòa nhận định: Hành vi của Tùng mang tính chất phòng vệ chính đáng, thật sự cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của mình. Khi Tùng và Đỗ Minh Tuấn ôm vật nhau, ở thế đôi co, Tùng không hề chủ động dùng tay chân để gây thương tích cho Tuấn, không có ý thức tạo điều kiện cho các bạn của mình đánh Tuấn, không có lời nói hay biểu hiện kêu gọi nhóm bạn của mình xông vào hỗ trợ để gây thương tích Tuấn... Do đó, không đủ căn cứ để kết luận Tùng phạm tội như cáo trạng đã quy kết. Từ những nhận định trên, HĐXX đã tuyên bố Tùng không phạm tội cố ý gây thương tích. Riêng các bị cáo còn lại, tòa tuyên cùng phạm tội cố ý gây thương tích. Trong đó, Tình bị xử phạt 2 năm 1 tháng 2 ngày tù; Nhật 2 năm 6 tháng tù và Đông 1 năm 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

P.V