Viết cho học trò

Thứ tư, 15/11/2017 14:16

Có những người khi còn công tác, mải mê với công việc chuyên môn không liên quan gì đến chuyện sáng tác văn chương. Ấy vậy mà sau khi về hưu lại âm thầm gõ bàn phím say sưa để cho ra đời những tác phẩm văn chương khiến bạn bè, đồng nghiệp và người thân ngạc nhiên thán phục. Một trong những người mà tôi biết thuộc “dạng” này là cô giáo Nguyễn Thị Phú, sau những tác phẩm trình làng đã được kết nạp vào Hội Nhà Văn TP Đà Nẵng.

Bìa sách Nhớ một mùa hoa                                              Tác giả Nguyễn Thị Phú 

Là người có thâm niên dạy học, gắn liền với nhiều thế hệ học trò, khi chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục - công việc cũng liên quan đến trường lớp và học trò. Sự nghiệp trồng người đã để lại trong lòng người giáo viên nữ này nhiều dấu ấn sâu đậm. Khi về hưu, các tác phẩm văn chương của cô lại tiếp tục chắp cánh ước mơ vì học trò, mang lại thông điệp cảm hóa những tâm hồn trắng trong của lứa tuổi hồn nhiên. Trong thời gian chưa đầy 6 năm, Nguyễn Thị Phú đã lần lượt cho ra đời các tác phẩm Sương khói học trò (Nxb Văn Học - 2012), Về miền tuổi thơ (Nxb Văn Học - 2013), Vũ điệu thần tiên (Nxb Văn học - 2015). Và mới đây là Nhớ một mùa hoa (Nxb Hội Nhà Văn - 2017). Cả bốn tác phẩm đều được viết dưới dạng văn xuôi, là các tản văn, ghi chép, hồi ức, truyện ngắn, bút ký..., tất cả xoay quanh chủ đề tuổi thơ và học trò. Sách của nhà văn Nguyễn Thị Phú đã được các thế hệ học trò, đồng nghiệp và bạn bè đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, giới văn chương thành phố đánh giá tốt về mặt chất lượng.

Nhớ một mùa hoa gồm 15 bài viết, mỗi bài là một câu chuyện kể với một giọng điệu truyền cảm, cuốn hút người đọc. Hãy nghe tác giả giải bày: “... Từ những ký ức, những buồn vui đâu đấy quanh mình, tôi nhớ lại rồi kết thành những bông hoa vàng tươi lung linh trước gió, thêm một chút hương thoang thoảng nhưng gần gũi không kiêu sa, diệu kỳ để dành cho cái tuổi đầy mộng mơ, trong trắng”. Đâu đó đột nhiên hiện ra những chi tiết bất ngờ đến thú vị. “Nhận... hối lộ” là một trong những chuyện như thế. Chuyện kể về học trò lớp một, “vị lớp trưởng” vì nhận bánh kẹo “hối lộ” của bạn đã không ghi tên bạn nói chuyện ồn ào trong lớp lúc cô đi vắng mà chỉ ghi tên những ai không “cúng” bánh kẹo cho lớp trưởng thôi. Khi nhận kẹo bánh, vị lớp trưởng luôn nhủ thầm (hoặc cũng có thể là sự bào chữa non nớt của tuổi thơ) là bạn đối xử tốt với mình. Tuy nhiên, người xưa nói: “Ăn xôi chùa nghẹn họng”. Chuyện đến tai cô giáo. Cô giáo gọi riêng lớp trưởng ra “phê bình”. Rồi cô giáo nghĩ cách luân chuyển lớp trưởng thành tổ trưởng, tổ trưởng thành lớp trưởng. Cứ thế mỗi tháng một lần và vị lớp trưởng bị... “tha hóa” từ những chiếc bánh kẹo kia đã nhận ra sự sai phạm của mình và quyết tâm sửa đổi: “Đêm. Tôi trằn trọc mãi, tôi không hiểu được vì sao cô giáo không phê bình tôi giữa lớp, lại còn cho tôi làm tổ trưởng tổ I. Tôi nhẩm đếm. Bốn tháng nữa là đến phiên tôi làm lớp trưởng. Lúc ấy, tôi sẽ chứng minh cho cô thấy là tôi đã biết hối hận, tôi sẽ không làm cho cô phải thất vọng như hôm nay”. Kết thúc câu chuyện thật là thú vị, mang tính giáo dục cao. Ngẫm ra, nếu từ nhỏ không được giáo dục tốt, cảm hóa tốt thì khó có một công dân tốt cho tương lai.

Bên cạnh những câu chuyện về trường lớp, thầy cô và bạn bè là những câu chuyện về gia đình trong đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em và cả hàng xóm láng giềng cũng mang lại những thông điệp mang tính giáo dục về lòng kính trọng, sự yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Xét cho cùng, trong cuộc đời này có tình cảm nào lớn hơn những tình cảm quý báu đó, nhất là đối với tuổi ấu thơ và giai đoạn của lứa tuổi học trò thần tiên. Chuyện: Mấy bài toán, Giấc mơ của lão Mộng, Về quê ăn giỗ, Khoảnh khắc giao thừa... là những câu chuyện mang ý nghĩa đó.

Nhận xét về văn của Nguyễn Thị Phú, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước đã viết trên facebook cá nhân: “Với lòng yêu học trò, cô không chỉ truyền cảm hứng cho các em từ những bài giảng trên lớp mà cô còn muốn gởi đến tâm hồn các em những ánh nắng mới, những cơn gió lạ, những làn hương thơm qua các câu chuyện nhẹ nhàng, dễ thương...”.

Đâu là nắng mới? Đâu là gió lạ? Và đâu là hương thơm? Lật từng trang sách và đồng cảm cùng tác giả, người đọc lớn tuổi sẽ bắt gặp bóng dáng của mình qua những trang viết. Bồi hồi nhớ về thời thơ ấu, nhớ một thuở học trò trôi xa ngút ngàn. Người đọc nhỏ tuổi thú vị như nghe những câu chuyện kể của cô giáo, của mẹ, của bà và tiếp nhận những thông điệp mang tính giáo dục của một nhà sư phạm để có những lời nói, những cử chỉ, những hành động và những ước mơ tốt đẹp trong đời...     

MAI HỮU PHƯỚC

(Nhân đọc “Nhớ một mùa hoa” của Nguyễn Thị Phú, Nxb Hội Nhà Văn - 2017)