Viết cho ngày giã bạn!

Thứ ba, 02/06/2015 10:40

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao, bức xúc xung quanh “sự kiện” một nam sinh của một trường THPT có tiếng tại Đà Nẵng tung lên facebook bức ảnh phản cảm, gây sốc mạnh. Bức ảnh về một nữ sinh mặc áo dài trắng tinh khôi chu mông, phía sau là một nam sinh “vô tư” hôn vào mông nữ sinh này ngay giữa sân trường trong lễ tri ân dành cho HS lớp 12. Đã có quá nhiều sự chỉ trích dành cho nam sinh nọ, vì vậy, người viết không muốn bàn thêm về sự việc này, chỉ nhân đây xin kể một kỷ niệm nho nhỏ do một người bạn kể lại...

Cách đây gần 30 năm, khi ấy bạn tôi đang học lớp 8 tại một trường THCS thuộc quận Nhất (nay là Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Lớp bạn ấy có hai bạn nam được xếp vào loại “cá biệt” nhất lớp về độ nghịch phá, hay bỏ học. Một bạn con nhà nghèo, một bạn con nhà giàu. Thời bao cấp, đất nước còn khó khăn nên hầu như các trường không có quy định  HS phải mặc đồng phục như bây giờ, chỉ yêu cầu HS ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng khi đến trường, nếu được thì mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh càng tốt. Một lần, trong giờ Văn, hai bạn nam sinh này tiếp tục quậy phá, chọc ghẹo các bạn nữ, gây ồn ào mất trật tự trong lớp.

Cô giáo dạy Văn mời 2 bạn này đứng dậy. Thay vì la mắng, cô giáo dạy Văn lại... bất ngờ gọi lớp phó Văn thể mỹ kiêm tổ trưởng Văn của lớp đứng lên trình bày quan điểm của mình về cách ăn mặc của hai bạn ấy như thế nào, ai có cách ăn mặc đẹp hơn, phù hợp với lứa tuổi học trò nhất? Bạn tôi hơi ớ người trước câu hỏi chẳng ăn nhập gì với việc quậy phá của hai nam sinh. Tuy nhiên, bạn tôi vẫn trình bày quan điểm của mình. (Hôm ấy, hai bạn nam đều mặc áo sơ mi trắng. Nhưng, bạn con nhà giàu thì mặc áo trắng mới tinh, quần jean hàng hiệu, còn bạn nhà nghèo thì mặc áo trắng đã chuyển sang màu ngà, quần tây xanh đã cũ).

Học sinh Trường Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) trong ngày giã bạn. Ảnh: Việt Thành

Theo bạn ấy, nếu xét về mặc đẹp thì bạn mặc quần jean, áo trắng mới tinh đẹp hơn, nhưng nếu đứng ở góc độ học sinh thì bạn mặc quần tây xanh, áo trắng lại đẹp hơn bởi nó phù hợp với môi trường trường học hơn. Quần jean chỉ phù hợp với đi chơi, picnic... Cô giáo cho bạn tôi ngồi xuống rồi tủm tỉm cười, hỏi thêm một vài bạn khác. Tất cả đều có chung quan điểm với bạn tôi. Sau đó, cô giáo có ý kiến, đại ý, lời nhận xét của bạn lớp phó văn thể mỹ không sai. Rồi bất chợt (lại bất chợt) cô chuyển sang nhỏ to, tâm sự hơn là trách cứ hai bạn nghịch phá ấy rằng: “Khi các em khoác lên mình màu áo trắng tinh của học sinh, cô mong các em phải ý thức được rằng mình đang sung sướng, hạnh phúc hơn rất nhiều bạn khác vì một lý do nào đó không được tiếp tục cắp sách đến trường.

Màu trắng tinh khôi của tuổi học trò có ý nghĩa nhắn gửi biết bao điều. Và khi các em gắn lên chiếc áo trắng tinh khôi ấy tấm bảng tên có ghi tên trường, tên lớp, các em lại càng phải có ý thức hơn  trách nhiệm của bản thân với trường, với lớp mà mình đang theo học. Cô chia sẻ thêm, cô cũng từng trải qua lứa tuổi học trò nên rất hiểu tâm lý tuổi học trò. Ông cha mình từng có câu nói: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Dù nghịch đến đâu đi chăng nữa, các em cũng không được phép quên rằng sau lưng mình còn có cha mẹ, thầy cô, bè bạn, nhà trường. Đừng làm một điều gì đó thái quá ảnh hưởng đến người khác”. Rồi, cô cho hai bạn ấy ngồi xuống. Suốt cả buổi học hôm ấy, hai bạn nam sinh ấy thôi không quậy phá, chọc ghẹo, xé vở tập của các bạn trong lớp...

Bạn tôi tâm sự rằng, lúc ấy, bạn vẫn chưa thể hiểu vì sao cô giáo lại gọi mình lên để hỏi một vấn đề có vẻ như chẳng liên quan, ăn nhập gì đến việc của hai bạn nam sinh cá biệt ấy. Nhưng càng lớn, mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, bạn tôi lại càng thấy tâm đắc cách “trị” học trò “cá biệt” của cô giáo dạy văn ngày nào. Cách khiển trách của cô giáo ấy thật thâm thúy, mang tính giáo dục, nhân văn cao...

Ai cũng một thời từng đi qua tuổi học trò ngây ngô, thơ dại với những trò nghịch ngợm, tếu táo. Nhưng dù nghịch ngợm, tếu táo đến đâu cũng đừng quên mình đang khoác trên người màu áo trắng tinh khôi của tuổi hoa niên thơ mộng. Đừng để đến khi trưởng thành, ngoái lại nhìn thời hoa đỏ đã đi qua, chợt thầm tiếc “giá như... mình đừng làm chuyện ấy...”.

Hãy để cho ngày giã bạn được diễn ra trong không khí chứa chan tình bạn bè, thầy trò. Có biết bao cách giã bạn tạo dấu ấn, kỷ niệm khó quên. Đâu nhất thiết cứ phải “độc”, phải “sốc” như cách làm của bạn nam ở trên mới tạo nên dấu ấn kỷ niệm của tuổi học trò...

Không hiểu sao, ngay lúc này đây, tôi mong bạn nam sinh nọ sẽ được gặp một cô giáo như cô giáo dạy văn ngày nào đã nhẹ nhàng nhỏ to với hai nam sinh “cá biệt” kia. Biết đâu, cậu nam sinh nọ sẽ hiểu ra được một điều gì đó để lớn hơn, trưởng thành hơn! Mong là vậy!

Khánh Yên