Việt Nam 2019: Tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn

Thứ ba, 01/01/2019 09:17

Sự lan tỏa của những gam màu sáng trong phát triển, của quyết tâm đổi mới, sáng tạo cùng sự trở lại của niềm tin, động lực mới từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân là những nét nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ra mắt xe ô-tô của VinFast.

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; bên cạnh đó là nhiều con số tăng trưởng kỷ lục đáng chú ý. Tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt mức kỷ lục 7,08%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới lại chạm ngưỡng 7%, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục vững chắc hơn.

Đặc biệt, con số 7,08% của tăng trưởng GDP cao hơn mục tiêu 6,7% Quốc hội đã đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo. Trước đó, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín trong năm 2018 đã tin tưởng vào thành công của chúng ta và có những dự báo tích cực đối với Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay là 6,8%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tiếp tục dự báo khoảng 6,9%...

Dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2018, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh tinh thần “không chủ quan, thỏa mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi” và “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”...

Bởi vì, đất nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội, phải khắc phục trong một quá trình dài. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Tội phạm, tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường,... còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn...

Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính - tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại. Việc phê chuẩn và tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức lớn đối với Việt Nam...

Trong thời gian tới, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu. Đó là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

X.T

Dấu ấn đối ngoại quốc phòng khẳng định vị thế Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiễn 63 cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại CH Nam Sudan.

Sau hai đợt xuất quân trong tháng 10-2018, đơn vị đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, bao gồm 63 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 có mặt tại Bentiu, Nam Sudan tiếp nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, để có được “trái ngọt” ngày hôm nay, Bộ Quốc phòng đã phải chuẩn bị từ nhiều năm trước.

Ngay từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, xác định tầm quan trọng và cần thiết của việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện chương trình nghiên cứu về việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tháng 12-2013, Trung tâm gìn giữ hòa bình thuộc Bộ Quốc phòng ra đời. Đến tháng 1-2018, Cục Gìn giữ hòa bình được thành lập trên cơ sở tiếp nhận Tổ công tác liên ngành Bộ Ngoại giao về công tác gìn giữ hòa bình LHQ và cơ cấu lại Trung tâm gìn giữ hòa bình.

Về chủ trương tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: “Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là đóng góp tích cực vì hòa bình, vì nhân đạo quốc tế. Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là minh chứng rõ nét cho trách nhiệm đóng góp của Việt Nam đối với LHQ và cộng đồng quốc tế”.

P.V