Việt Nam hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa nghèo trước 10 năm

Thứ bảy, 12/12/2020 12:00

Đó là đánh giá chung được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020” do Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức ngày 11-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: P.T

* Đó là mục tiêu chung mà TP Đà Nẵng đề ra trong định hướng, nhiệm vụ giải pháp GNBV giai đoạn 2021-2025.  Theo báo cáo của TP Đà Nẵng, ước tính đến cuối năm 2020, TP  cơ bản đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu trong Đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 từ chỉ về vốn, y tế, giáo dục, chính sách bảo trợ xã hội đảm bảo 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận… Trong đó, dấu ấn đặc biệt đáng kể nhất là chính sách về nhà ở vượt 109,17%; 99,1% hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo; 100% con hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được chính sách ưu đãi giáo dục về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn được hỗ trợ vay vốn; hầu hết hộ nghèo đều được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Đà Nẵng đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp để GNBV giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung như sau: Phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều của TP. Song hành đó là tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản từng bước nâng cao điều kiện sống, tăng hộ khá, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo!  Trong 9 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đó, Đà Nẵng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp và toàn xã hội để huy động nguồn lực tập trung cho chương trình giảm nghèo, tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của Tp, trong đó nâng mức trợ cấp một số chính sách…

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết (NQ) số 76 của Quốc hội (QH) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (CTMTQGNBV 2016-2020), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung- Phó Trưởng BCĐ TƯ- cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các nội dung của NQ 76 và các văn bản liên quan và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu QH, Chính phủ giao. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm; được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu QH giao! Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%! Trong 4 năm, có trên 58% số hộ thoát nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo…

Công tác giảm nghèo đã được QH, Chính phủ đặc biệt quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác này. Theo đó, tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện CTMTQGGNBV 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 43,33%, ngân sâch địa phương là 10,75%, nguồn từ xã hội hoá là 23,62%, nguồn vốn ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội của MTTQVN các cấp là 19,86%! Vốn viện trợ Ireland là 0,43%! Ngoài ra, chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo (hỗ trợ BHYT, miễn giảm học phí, trợ lý pháp lý, tiền điện...) là 25.000 tỷ/năm...

Trong 4 năm qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo. Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được Chính phủ và các tỉnh thành trong cả nước chú trọng ban hành…Cũng theo báo cáo, các chương trình giảm nghèo đã nâng cao thu nhập và cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã nêu ra 14 tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đáng nói là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân là 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo NQ 76 của QH đặt ra…

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thiên tai đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của toàn xã hội, tại hội nghị cũng đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới đối với công tác giảm nghèo… Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển; bảo đảm người nghèo được tham gia và thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội. Theo đó, trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị nhằm tạo đồng thuận trong xã hội, tạo động lực, khích lệ và ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững của chính người nghèo…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong tất cả trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo, những hộ tự lực, tự cường, lo làm ăn để tự vươn lên thoát nghèo. Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuy là điểm sáng thế giới về công tác giảm nghèo, nhưng so với những thách thức, nhất là những thách thức trước mắt thì những kết quả trên vẫn còn khiêm tốn. Nêu ra các thách thức mà thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt bởi tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cả nước triển khai phong trào giảm nghèo mới.

Theo đó, mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình…Trong công tác giảm nghèo, Thủ tướng chỉ đạo, cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện. Song song đó, Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, công tác giảm nghèo thời gian tới cần được triển khai thực hiện “không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim”- Thủ tướng nhấn mạnh.

P.THỦY