Việt Nam-Nhật Bản: Lịch sử và triển vọng

Thứ bảy, 23/11/2013 14:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-11, Đại học Đà Nẵng phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhìn từ miền Trung Việt Nam". Những ý kiến và tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo, một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác lâu đời trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

Nền tảng lịch sử

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có lịch sử giao lưu lâu đời, điều đó được thể hiện rõ trong lịch sử cũng những các di tích còn hiện hữu ở miền Trung Việt Nam. Nghiên cứu mối quan hệ giao thương Việt-Nhật, PGS. TS Nguyễn Văn Kim-Trường Đại học Khoa học và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, với tiềm năng lớn, từ thế kỷ XV đến XVIII, miền Trung Việt Nam đã thu hút nhiều thương nhân khắp thế giới, trong đó có các thuyền buôn của Nhật Bản. "Từ đầu thế kỷ XVII chính quyền Edo (1600-1868) đã chính thức thiết lập quan hệ với Đàng Trong, từ đó các thuyền buôn Châu ấn của Nhật đã đến nhiều thương cảng Việt Nam buôn bán.

Với Đàng Trong, Nhật đã trở thành bạn hàng trọng yếu, tiềm năng và tin cậy. Điều này thể hiện qua việc vào năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho thương nhân Araki Sotaro, cho phép người Nhật lập hội quán để buôn bán lâu dài. Chúa Nguyễn còn cho họ quyền tự quản, tự bầu nên trưởng khu để thực hiện quyền "ngoại trị pháp quyền", tự điều hành các hoạt động buôn bán và quản lý cộng đồng cư dân Nhật".

Còn ông Mochizuki Shincho-Đại học Minobusan (Nhật), nhận định: các thuyền buôn Nhật có cảm tình rất lớn từ chính quyền Đàng Trong, điều đó thể hiện qua việc chúa Nguyễn tặng "chuông nhỏ" và "tranh Thác Kiến Quan Âm" cho dòng họ Chaya. "Dòng họ Chaya thời thương mại Châu ấn được các chúa Nguyễn tặng tranh Thác Kiến Quan Âm và chuông nhỏ, điều này được ghi chú trong tập tranh cảnh vật nổi tiếng của phiên Owari. Bức tranh này rất giống với tượng Thác Kiến Quan Âm được thờ trên núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đó là lời cầu nguyện chuyến đi biển bình an đối với tàu buôn Nhật Bản. Việc được tặng bức tranh này đối với dòng họ Chaya sùng bái đạo Phật là điều đầy ý nghĩa. Những người nối dõi của dòng họ đã tự hào kể rằng nhờ bức tranh phù hộ mà tổ tiên họ đã vượt biển an toàn. Bức tranh nay được xem là bảo vật của Nhật Liên tông và được giữ gìn cẩn thận tại chùa Jomyo, đến nay vẫn được sùng bái"-Mochizuki Shincho nói.

Ban Tổ chức hội thảo tặng quà lưu niệm cho các diễn giả.

Hướng đến tương lai

Năm 2013, kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và từ đó đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong phương diện kinh tế. Từ năm 1992 khi nối lại viện trợ  thì Nhật đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp vốn và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Từ năm 1995, ODA của Nhật cấp cho Việt Nam hằng năm đạt trên dưới 100 tỷ yên, đến năm 2011 lên tới 289 tỷ yên, Việt Nam là nước nhận ODA nhiều nhất của Nhật.

Tổng dòng vốn của Nhật đổ vào Việt Nam, bao gồm ODA, FDI và các dòng vốn khác vào năm 2011 là 3 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng dòng vốn từ nước ngoài. "Vị trí của một nước trong tổng dòng vốn cung cấp cho Việt Nam như vậy là rất lớn. Trong 20 năm qua nước ta đã chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từng bước sang công nghiệp. Trong quá trình đó chắc chắn có vai trò của các nguồn lực cung cấp từ Nhật"-GS Trần Văn Thọ-Đại học Waseda (Tokyo) nhận định.

Từ nguồn vốn viện trợ của Nhật, Việt Nam đã vận dụng có hiệu quả trong việc phát triển đất nước. Ví như tại Đà Nẵng, Nhật Bản đã cung cấp ODA cho nhiều dự án có ý nghĩa to lớn như hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp cảng Tiên Sa, nghiên cứu khả thi mô hình thành phố hàm lượng carbon thấp... Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Thọ, Việt Nam cần thực hiện nhiều việc để tận dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ từ Nhật. "Chúng ta cần đặt ra kế hoạch giảm ODA trong 10 năm tới, tiến tới "tốt nghiệp ODA".

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo.

Có như vậy đồng vốn trong nước và vốn ODA mới được quan tâm sử dụng có hiệu quả. Chúng ta cần củng cố, tăng cường nội lực, tham khảo kinh nghiệm các nước Châu Á để ODA, FDI của Nhật phát huy tác dụng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tăng năng lực cạnh tranh của đất nước. Đó cũng là điều kiện tránh bẫy thu nhập trung bình, từng bước phát triển lên giai đoạn cao hơn. Ngoài ra chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật đến đầu tư tại Việt Nam"-GS Thọ gợi ý.

Với sự tương đồng trong văn hóa, xã hội và cùng với lịch sử giao lưu thương mại, văn hóa từ rất sớm, quan hệ hợp tác Việt-Nhật có nền tảng cho sự phát triển. Và trong tương lai, triển vọng quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ càng  bền chặt, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Hoàng Anh