Việt Nam tự tin hội nhập quốc tế

Thứ tư, 24/04/2019 07:32

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững tổ chức vào sáng 23-4. Hội nghị có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam đã góp phần quan trọng vào nỗ lực hòa giải quốc tế. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội.

Đà Nẵng được đánh giá cao khi tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế

Tại Hội nghị lần này, Ban Chỉ đạo Quốc gia về HNQT đánh giá cao những đóng góp của Đà Nẵng trong việc tổ chức, phối hợp với các cơ quan trung ương tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đa Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, trong 5 năm qua đã có nhiều sự kiện quốc tế lớn được tổ chức thành công tại TP Đà Nẵng như Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2016, Tọa đàm gặp gỡ Hoa Kỳ 2018, chuyến thăm của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson, Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu và đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến tháng 3-2019 thành phố đã có 716 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 3,35 tỷ USD. Đà Nẵng với 27 đường bay quốc tế trực tiếp đã trở thành điểm đến quan trọng của du khách quốc tế với 2,8 triệu lượt trong năm 2018. Trên địa bàn thành phố hiện có 3 cơ quan lãnh sự và 1 lãnh sự danh dự, có 123 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động. Ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao tạo điều kiện hỗ trợ Đà Nẵng trong việc thiết lập quan hệ đối ngoại với các địa phương quốc tế, thiết lập các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động trên địa bàn thành phố.

Hội nhập toàn diện, hiệu quả

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế (HNQT), trong 5 năm qua công tác HNQT đã góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới đối tác chiến lược, toàn diện, qua đó góp phần phát triển, nâng cao vị thế và năng lực an ninh, quốc phòng. Việc tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước đã đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta tăng trưởng tích cực. Cụ thể hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD.

Việt Nam đóng góp vai trò ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực như Mê Công, ASEAN, ASEM, APEC và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, IPU, G20, WEF. Trong bối cảnh các thể chế đa phương gặp nhiều khó khăn, nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thực chất vào các nội dung hợp tác trên các diễn đàn. Trong đó, nổi bật là đăng cai thành công năm APEC 2017, tổ chức Diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10, Hội nghị WEF ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào nỗ lực hòa giải quốc tế với việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Qua các sự kiện, Việt Nam đã bước đầu khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Trên lĩnh vực HNQT về kinh tế, trong 5 năm qua công tác đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai FTA với Hàn Quốc và với Liên minh Kinh tế Á – Âu được đưa vào thực thi lần lượt vào năm 2015 và 2016, CPTPP được thực thi từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

“Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về HNQT và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, công tác hội nhập đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm bên cạnh các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo”, báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT đánh giá.

Chủ thể của hội nhập quốc tế

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 5 năm qua, HNQT đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Quá trình hội nhập của Việt Nam đi vào giai đoạn cao hơn, thực chất hơn với vai trò thúc đẩy đối thoại, hòa giải và tìm những hướng đi mới. Qua hội nhập, chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Chúng ta không né tránh những khác biệt, mà luôn chủ động đối thoại và đấu tranh bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình. Cạnh đó, hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã có 11 FTA đã có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua Hiệp định EVFTA và 4 FTA đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế. Quan trọng nữa là nhận thức về HNQT của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn và có những bước tiến vượt bậc. “Từ chỗ là thành viên có trách nhiệm phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta đã tiến đến chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ ra những số liệu, sự kiện quan trọng trên các lĩnh vực, Thủ tướng khẳng định, chủ trương HNQT là đúng đắn và “chúng ta thêm tự tin tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn”. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng phải thẳng thắn nhìn ra những hạn chế, yếu kém, thua thiệt để rút kinh nghiệm sâu sắc và làm tốt hơn trong thời gian đến. Trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán. Hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao. Việc thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân về HNQT, các hiệp định FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp...

Định hướng giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế quốc tế, vai trò quan trọng của Việt Nam. “Chúng ta phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước. Các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

ĐÔNG A