Việt Nam và Hội nghị Cấp cao ASEAN lịch sử
Với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, chủ động và đầy trách nhiệm của nước Chủ tịch luân phiên trong năm 2020.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam, lãnh đạo nhiều nước cũng như dư luận quốc tế đều cùng chung nhận định Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 36. |
Tầm lãnh đạo mạnh mẽ
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định: trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam làm được nhiều việc và "thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch", đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc giúp đỡ một số nước thành viên ASEAN cũng như một số nước đối tác đối thoại trong việc ứng phó với đại dịch.
Ông nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, các công việc cũng đang được tiến hành nhằm thiết lập “Quỹ ASEAN ứng phó với dịch Covid-19”, kho dự trữ vật tư y tế, và quy trình vận hành tiêu chuẩn trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Việt Nam cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Đây là điều rất quan trọng, giúp ASEAN gắn kết và thích ứng tốt hơn trong tiến trình hội nhập khu vực, đồng thời thích nghi với trạng thái “bình thường mới” hiện nay và rút ra các bài học quan trọng.
Giới chức các nước cũng đặc biệt đề cao thành công của hội nghị và vai trò của Việt Nam. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá tích cực thành công của ASEAN trong thời gian qua, trong khi Thủ tướng Campuchia Samdec Hun Sen khẳng định hội nghị lần này phản ánh năng lực của Việt Nam trong dẫn dắt ASEAN, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chủ động và trách nhiệm
Giới chuyên gia và truyền thông quốc tế đặc biệt ấn tượng với sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc điều phối, dẫn dắt ASEAN cùng vượt qua những thách thức chung, đặc biệt là dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay.
Hãng thông tấn Bernama của Malaysia vừa có bài viết với tựa đề “Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đi vào lịch sử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Bài viết nêu rõ bất chấp việc lãnh đạo các nước ASEAN không thể gặp gỡ trực tiếp nhau tại Việt Nam lần này, không thể thực hiện nghi thức bắt tay chéo nhau như thường lệ, nhưng các hội nghị và tương tác vẫn diễn ra gần như bình thường và đầy hào hứng. Bài viết nhấn mạnh, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã chứng kiến các nhà lãnh đạo thảo luận hàng loạt vấn đề mà khu vực quan tâm, trong đó trọng tâm là yêu cầu phải có một kế hoạch hồi phục toàn diện giai đoạn hậu đại dịch cho cả khối.
Đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách người chủ trì hội nghị, Bernama trích dẫn lại một số ý kiến quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mong muốn hội nghị cấp cao lần này là cơ hội để các quốc gia thành viên ASEAN khẳng định lại tinh thần đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và cam kết vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến về phía trước. Bài báo cũng đánh giá cao việc lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự một phiên họp đặc biệt về việc tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số.
"Việt Nam làm rất tốt"
Trong khi đó, ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie của Indonesia cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để ASEAN, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, tiếp tục vươn lên. Theo nhà nghiên cứu này, ở một mức độ nhất định, Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động của ASEAN.
Tuy nhiên, Việt Nam đã làm rất tốt công việc của mình, tiếp tục dẫn dắt ASEAN và “cố gắng giữ cho các bánh xe của ASEAN tiếp tục lăn”, trong đó có việc tổ chức các hội nghị cấp cao. Một học giả khác người Indonesia, Giáo sư Aleksius Jemadu đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò tốt trong việc dẫn dắt các nước thành viên nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực. Giáo sư Aleksius bày tỏ tin tưởng Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN vào thời điểm quyết định hiện nay.
Trong khi đó, các hãng truyền thông ở Đức và Áo bày tỏ sự quan tâm tới việc ASEAN tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 qua hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Việt Nam. Tin từ báo Junge Welt của Đức dẫn lời phát biểu khai mạc Hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh và cần tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Trang tin Salzburger Nachrichten (Tin tức Salzburg) của Áo trước đó cũng thông tin về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN. Bài báo dẫn thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập 3 trọng tâm của Hội nghị, gồm ứng phó với đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và nâng cao các quyền cho phụ nữ.
P.V