Viết tiếp bài Rừng tan hoang vì dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững”: Mục tiêu một đàng, kết quả một nẻo!

Thứ năm, 05/10/2017 17:00

Rừng tan hoang vì dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Bài cuối: Bảo vệ rừng thành... phá rừng!)

Rừng tan hoang vì dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Bài 1: Rừng xanh thành… bãi than)

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng về việc phần lớn diện tích rừng thuộc dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Dự án KFW6) tại H. Nông Sơn bị người dân chặt phá để trồng keo, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, câu chuyện này hoàn toàn khác với các vụ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép của “lâm tặc”, mà chủ yếu liên quan đến bài toán sinh kế của người dân vốn gắn cuộc sống với rừng.

Ông Lê Trí Thanh: “Người dân được giao sổ đỏ nên họ nghĩ là mình có quyền đối với diện tích rừng được giao trong khi việc quản lý của chính quyền cấp xã chưa chặt chẽ...”.

Kiểm lâm không được tham gia dự án quản lý rừng!

Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh Quảng Nam, dự án KFW6 thực hiện trên địa bàn H. Nông Sơn từ năm 2005 đến 2015 và bàn giao hoàn thành vào năm 2016. Tổng diện tích rừng đã thực hiện là gần 2.000ha tại 4 xã Phước Ninh, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Trung. Trong đó, diện tích rừng trồng mới là 397ha, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung là 191ha và khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung là 1.404ha. Toàn bộ diện tích trên đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ tham gia dự án.

BQL dự án KFW6 đưa ra mục tiêu của dự án là góp phần tích cực vào việc phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đất và nguồn nước tại những nơi bị đe dọa về sinh thái, nâng cao thu nhập của người dân thông qua công việc phát triển và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, cũng chính BQL dự án trong phần báo cáo kết quả triển khai thực hiện lại nêu ra rất nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, nổi bật nhất là việc cấp GCNQSDĐ đối với rừng khoanh nuôi tái sinh, cơ quan chức năng chưa tính toán được cụ thể phần tài sản gắn liền với đất và tốc độ tăng trưởng của rừng nên rất khó xác định giá trị hưởng lợi cho người dân tham gia dự án. Đặc biệt, báo cáo này cũng thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của dự án đôi lúc còn xem nhẹ các quy trình hướng dẫn, người dân lợi dụng sự thông thoáng về cơ chế đã nảy sinh tư tưởng chây lười, cố ý chiếm dụng đất, phá rừng. Hậu quả là đến thời điểm hiện tại, không chỉ một diện tích lớn trong tổng số gần 2.000ha rừng tại H. Nông Sơn mà 2 huyện khác tham gia dự án là Hiệp Đức và Đại Lộc cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Một điều khá lạ là được triển khai trên phạm vi rộng lớn, với tổng diện tích rừng thiết lập gần 5.000ha nhưng kể từ khi dự án bắt đầu cho đến khi kết thúc, lực lượng KL không được BQL dự án mời tham gia vào bất kỳ hoạt động nào! Mãi đến khi xuất hiện tình trạng người dân tự ý phát rừng để trồng keo thì Hạt KL Trung Quảng Nam mới tham mưu UBND H. Nông Sơn thành lập đoàn kiểm tra để xử lý hậu quả. Nhưng theo Phó hạt trưởng Hạt KL Trung Quảng Nam - Nguyễn Văn Đông, kể từ khi dự án kết thúc đến nay vẫn chưa có một văn bản nào cho phép khai thác diện tích rừng này, và cũng không có hướng dẫn, quy định nào để làm cơ sở xử lý khi người dân chặt phá. Để giải quyết hậu quả này, theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, chính quyền và cơ quan chức năng cần phải đánh giá lại hiện trạng của diện tích rừng đã bàn giao cho dân. “Nếu nó thành rừng thì mình phải khoanh nuôi bảo vệ, nếu không thành rừng thì phải thay đổi giải pháp lâm sinh khác. Huyện phải làm việc trực tiếp với các hộ dân đã được cấp sổ đỏ để đánh giá lại theo Thông tư 34 về tiêu chí xác định và phân loại rừng của Bộ NN&PTNT”-ông Hưng kiến nghị.



Rừng bị phá, đốt để trồng cây keo.     Ảnh: Công Khanh

Phải tính lại bài toán sinh kế của dân

Trao đổi về nghịch lý những người tham gia khôi phục và quản lý rừng bền vững lại trở thành những người phá rừng, ông Lê Trí Thanh đánh giá, câu chuyện xảy ra ở Nông Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc hoàn toàn khác với nạn khai thác rừng với mục tiêu lấy gỗ trái phép mà Quảng Nam cũng đang là địa phương nóng bỏng trong thời gian qua. Dự án KFW6 sau khi bàn giao đã nảy sinh nhiều bất cập. Đầu tiên là quy chế quản lý rừng sau đầu tư để tạo sinh kế cho dân, khuyến khích nhân dân cũng như quy định về thu hoạch sản phẩm chưa rõ ràng nên phát sinh nhiều hệ lụy. Ngay sau khi dự án kết thúc, kinh phí hỗ trợ người dân phát quang bụi rậm, chăm sóc rừng bị cắt dẫn đến chính họ không còn mặn mà trong công tác bảo vệ diện tích rừng đã được giao mà phải nghĩ cách khai thác kinh tế, cụ thể là chặt, đốt cây rừng để trồng keo. “Người dân được giao GCNQSDĐ nên họ nghĩ là mình có quyền đối với diện tích rừng được giao trong khi việc quản lý của chính quyền cấp xã chưa chặt chẽ. Ban đầu họ phá ít nhưng càng về sau, diện tích rừng bị phá càng nhiều. Vì giá trị kinh tế của cây keo lớn, nên nhiều diện tích rừng tự nhiên nay đã được thay thế bằng cây keo” - ông Thanh lý giải.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhằm sớm có lời giải cho câu chuyện này, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT và Chi cục KL làm việc với các địa phương nhằm đánh giá lại hiện trạng rừng dự án để xem rừng bị xâm hại từng phần là bao nhiêu, đã bị phá hết bao nhiêu. Sau đó chính quyền phải nghĩ ngay đến việc tạo cơ chế cho người dân được hưởng lợi từ việc quản lý và khai thác diện tích rừng họ được giao quản lý. Tỉnh cũng sẽ có thêm phương án sinh kế khác cho người dân ví dụ như cho họ chăn nuôi, trồng dược liệu. Khu rừng nào không có chức năng phòng hộ thì giao trở lại cho dân để sản xuất. Phải làm sao để khai thác tối đa lợi ích kinh tế trên một diện tích rừng. Địa phương phải có cơ chế khuyến khích, nếu vượt thẩm quyền thì phải xin ý kiến của Trung ương. Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên thì chắc chắn phải có phương án sinh kế cho người dân miền núi. “Ở đồng bằng dân sống bằng lúa, hoa màu, cư dân ven biển sống với biển. Miền núi không sống vào rừng thì họ sống bằng cái gì? Mình cứ yêu cầu tăng độ che phủ của rừng nhưng thủy điện, công trình giao thông thu nhỏ diện tích đất sản xuất của người dân. Sinh kế trở nên khó khăn bắt buộc họ phải tác động vào rừng. Họ biết sai đó nhưng đó là cuộc sống của họ. Cho nên, sinh kế cho dân là vấn đề cốt lõi nhất trong câu chuyện này” - ông Thanh nói.

CÔNG KHANH