Viết về bạn bè tôi...

Thứ hai, 20/06/2016 08:52

(Cadn.com.vn) - Dạo cuối tháng 5 vừa rồi, khi những vụ lùm xùm liên quan đến báo chí truyền thông (“Thí nghiệm cá chết sau 2 phút”, “Cây chổi quét rau”) xảy ra, tôi định viết bài với nhan đề “Viết trước tháng sáu”. Lúc đó, tôi rất muốn góp tiếng nói phê phán cách làm thiếu trung thực của vài người làm báo đã gây phương hại đến nhịp sống bình thường của người dân, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của người cầm bút. Còn việc chọn nhan đề “Viết trước tháng sáu” là bởi tháng sáu có một ngày ý nghĩa: Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam nên “soi nhau” dịp này không tiện. Nhưng sau đó tôi đã bỏ dở bài viết bởi lẽ dù cách tác nghiệp những vụ việc trên là rất sai trái, song đấy chỉ là khuyết điểm của vài cá nhân, còn đa số nhà báo – những bạn bè tôi - vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định và giữ vững phẩm chất đạo đức khi hành nghề.

Bây giờ đang là những ngày tháng sáu. Với người làm báo, những ngày này không chỉ để được tôn vinh mà là thời điểm chúng tôi có dịp nhìn lại mình...

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện kinh tế diễn ra trên địa bàn miền Trung.

Những ngày này, tôi hay nghĩ ngợi về tháng 5-2014. Lúc bấy giờ TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Nhớ như in ở thời điểm ấy, phản ứng trong nước trước sự việc này rất quyết liệt như những vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Vào lúc đó, tình hình Đà Nẵng cũng rất nóng bỏng...

Hôm ấy, ngồi cùng xe các đồng đội thuộc CATP Đà Nẵng đến thăm và tặng quà lực lượng kiểm ngư mà lòng tôi nóng như lửa đốt. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng Lê Công Hạnh nhận lệnh từ BBT, thời gian chuẩn bị hành trang, phương tiện tác nghiệp chỉ chưa đầy 30 phút là bước xuống tàu thẳng tiến Hoàng Sa. Giờ phút PV ra khơi cấp bách và lặng lẽ không ai kịp đưa tiễn. Sau khi PV lên tàu thì gần như bặt tin. Sau đó, mọi thông tin chuyển tải về tòa soạn cũng rất khó khăn, chậm chạp, chập chờn. Ở thời điểm ấy, tòa soạn cùng các Hội, đoàn của đơn vị rất muốn đến thăm, động viên vợ và con gái còn bé nhỏ của anh đang ở nhà chung cư tại Đà Nẵng. Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng sự có mặt của chúng tôi lúc ấy có thể sẽ làm cho gia đình anh thêm lo lắng nên thôi. Khoảng 10 ngày sau, PV Lê Công Hạnh hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ngay sau đó, PV Trần Công Khanh cũng gấp gáp tạm biệt vợ con xuống tàu ra Hoàng Sa. Cả tòa soạn trong những ngày ấy luôn thao thức trông ngóng tin tức. Và khi hai PV trở về đất liền, không chỉ gia đình, bạn bè, đồng đội mà cả người dân đọc báo biết sự việc cũng vui lây. Thậm chí có lần vào quán ăn, biết các anh vừa từ Hoàng Sa trở về, chủ quán xin được... chiêu đãi!

Được biết trong những ngày nóng bỏng, đầy hiểm nguy đó, cùng với lực lượng thực thi pháp luật, báo chí là “binh chủng” ở tuyến đầu.  Hàng trăm nhà báo cả nước hăm hở xin ra khơi trong giờ phút cam go, hiểm nguy ấy để  quay phim, ghi hình, tường thuật chi tiết sống động, trung thực hình ảnh lực lượng thực thi nhiệm vụ đang lặn lộn giữa biển cả, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Công an TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ bộc bạch: “Tôi vẫn chưa quên cảm giác của mình vào ngày giữa năm 2014, thời điểm chủ quyền đất nước bị vi phạm khi TQ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và Đà Nẵng trở thành tuyến đầu của cả nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Hàng trăm PV của các cơ quan báo chí cả nước bất chấp gian khó, hiểm nguy tụ về sát cánh cùng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, cùng chính quyền và người dân thành phố phối hợp cùng đấu tranh, bảo vệ chủ quyền. Chứng kiến các nhà báo thay phiên nhau người về người đi, đọc những bài biết và những hình ảnh nóng hổi từ điểm nóng Hoàng Sa được gởi về từng ngày, chúng tôi vừa cảm động vừa tự hào”.

Sự động viên của lãnh đạo chính quyền và người dân luôn là sự khích lệ lớn lao, là niềm động viên vô cùng ý nghĩa đối với người làm báo. Gần như trên mọi lĩnh vực, với đặc trưng nghề nghiệp, người làm báo luôn phải đối mặt với vô vàn gian khó hiểm nguy. Với họ, điều quan trọng không phải là ngày hay đêm mà là khoảnh khắc sự kiện. Để có được những đoạn phim, tấm ảnh, bài viết, dấu chân nhà báo luôn in đậm ở những vùng đèo cao, suối sâu, vùng hạn hán, lũ lụt; họ luôn xuất hiện mọi nơi từ các sự kiện chính trị trọng đại hay đơn độc rong ruổi trên con đường gồ ghề sỏi đá trơn trượt đến vùng núi non hiểm trở, đảo xa hay biên ải... Tất cả đều để làm nên điều giản dị: Mang hơi thở cuộc sống vào tác phẩm, trang viết, từ đó thông tin được lan tỏa để chính quyền và cộng đồng có biện pháp khắc phục, xử lý.

Nghề báo được xã hội tôn vinh và có phần ưu ái là vì vậy. Tất nhiên, có một điều mà không ai có thể phủ nhận rằng trong rất nhiều “công trạng”, đây đó, lúc này, lúc khác, cánh báo chí cũng mắc phải những sai phạm. Thẳng thắn nhìn nhận các sai phạm đó gây tác hại không hề nhỏ, và nguyên nhân dẫn đến sai phạm cũng do “năm bảy đường”. Cánh nhà báo biết rõ điều được-mất của nghề, thì đương nhiên-hơn ai hết–họ cũng sẽ hiểu về những khiếm khuyết, tồn tại. Hiểu để tự điều chỉnh. Người làm báo hiểu rằng, ngòi bút sắc, tâm sáng không tự có được mà cần phải luôn rèn luyện kỹ năng, trau dồi đạo đức người làm báo và đôi lúc cũng rất cần những “liều thuốc” của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Với đặc trưng nghề nghiệp, nhà báo đảm nhận nhiệm vụ phản ánh và biểu dương những nhân tố tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống. Còn hôm nay, tôi xin được làm một công việc không dễ dàng: viết đôi dòng về đồng nghiệp, về bạn bè tôi. Tôi biết, rất nhiều bạn bè tôi, trong những lúc tâm tư chuyện trò, hoặc khi tranh luận nảy lửa về vấn đề nào đó, kể cả những khiếm khuyết, tồn tại trong chính làng báo, vẫn luôn gìn giữ, nuôi dưỡng trong tâm hồn mình ước vọng trong sáng và chân thành, lặng thầm cống hiến, góp phần cùng xã hội đẩy lùi cái ác, cái xấu, khơi dậy những giá trị nhân văn cuộc sống.

Nguyễn Đức Nam