Viết về thầy cô giáo tôi
(Cadn.com.vn) - Ngày xưa chúng tôi học trường cấp 3 Đại Lộc (nay là Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Quảng Nam). Nhưng trường mới bây giờ ở khu 2 thị trấn Ái Nghĩa, còn ngày ấy Trường cấp 3 Đại Lộc ở trên ngọn đồi có tên Đồn Đen. Xung quanh trường không có dân ở, không điện, nước dùng phải lấy từ một cái giếng tít đằng xa, thấp thoáng dưới chân đồi. Mùa nóng đi học bụi mờ mịt, nắng chang chang, mùa mưa đường đến trường phải qua con dốc lầy lội đầy đất đỏ dính chặt bàn chân và đôi dép. Học sinh phần lớn đi bộ, chỉ một số ít đi xe đạp. Những năm 79-80 của thế kỷ trước đầy khó khăn, lớp học lúc đầu đông sau vơi dần, có người đi bộ đội, có người vào trung cấp, có người bỏ học đi làm ăn, cứ vài hôm lớp lại mất một người. Những đứa nhà xa phải trọ học nhưng không thuê trọ, mà chỉ xin người dân quanh trường ở trọ, nhiều nhà tốt bụng cho ở 2, 3 đứa, nấu cơm cho ăn, hằng tháng chỉ lấy ít gạo, củi. Chỉ những đứa ở thị trấn là gần nhà. Những đứa ở vùng B, vài đứa ở Duy Xuyên cũng học ở đây, hàng ngày phải qua đò, cứ sợ trễ, mùa mưa lụt nước lớn phải nghỉ học liên miên. Còn những đứa vùng A xa trường phải đi xe đò, đường lầy lội, nhiều khi xe nằm chết máy dọc đường, không tới, lui được, đành phải cuốc bộ, cả tháng hoặc hơn mới về nhà một lần. Chúng tôi ngày ấy phần lớn là con dân quê nghèo khó nhọc, học để tìm kiếm sự đổi thay. Thầy cô cũng hết sức tài hoa, là những người giỏi từ Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng vào dạy. Chương trình mới lạ, chúng tôi được học về nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, lao động hăng say. Nhưng thầy cô cũng đã truyền cho học sinh tinh hoa văn hóa và tri thức, cũng như lòng khao khát công bằng, tự do, phóng khoáng, gieo vào lòng học sinh trách nhiệm của người trí thức, đạo lý làm người trong lúc cuộc sống vô cùng khó khăn...
Còn nhớ bảng thông báo ngoài phòng hội đồng, các thầy cô đùa vui khi ghi kết quả bốc thăm chia nhau phụ tùng xe đạp được mua phân phối, xích thầy này, ruột thầy kia, lốp thầy nọ, còn sườn của một... cô khác. Khổ vậy nhưng học trò rất tôn trọng thầy cô, vì cách sống và vì kiến thức uyên thâm. Một thầy dạy văn đã dạy bao nhiêu thế hệ học trò lớn lên đầy nhân cách, giàu tình yêu và lãng mạn, nhờ đó mà đã vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống về sau. Còn nhớ thầy giảng nghĩa từ lãng mạn là thế nào trong đời sống. Những điều ngoài giáo án lôi cuốn học sinh, vì nó thật. Chương trình không cho phép thầy giảng xa hơn, nhưng học trò vẫn hiểu rằng, không chỉ chừng đó, không gì có thể ngăn cản sự bay bổng, những suy nghĩ của tâm hồn về xã hội và cuộc sống. Thầy nghiêm khắc với ngữ nghĩa văn chương, khi nói và cả khi viết, thầy gieo vào học trò niềm tin vào điều thiện của con người, và cũng cho biết sẽ có nhiều khác biệt tốt xấu theo thời gian nhưng sống trong đời sống cần phải có một tấm lòng... Nhiều thầy cô dạy rất hay về văn học dân gian năm lớp 11, những bài thơ, những câu ca dao của người dân lam lũ, không có điều kiện học hành, nhưng tinh túy và uyên bác. Các thầy dạy toán nay hầu hết đã nghỉ hưu, nhiều thầy đã mất. Ngày đó các thầy cô xem học trò như con, nhiều đứa còn được thầy dắt về nhà ăn cơm nguội với cá kho cho đỡ đói. Các thầy dạy học trò cách trình bày một vấn đề phức tạp, khô khan thành dễ hiểu.Vẽ bài toán hình không gian trừu tượng thành dễ nhìn các góc, dễ thấy các cạnh như vẽ lại cuộc đời nhiều rắc rối thành giản đơn. Biến mọi thứ khó khăn thành thanh thoát, thành thật đẹp, và hay ho cho tất cả. Hình ảnh của các thầy cô cứ theo mãi trong tôi dù đã rất nhiều năm trôi qua, khi lứa học trò chúng tôi ngày ấy nay đã ngoài 50 và trải bao bôn ba cuộc sống...
Tôi luôn muốn dành cho các thầy cô, người đã khuất, người còn sống lòng biết ơn, kính trọng nhưng nói ra bằng lời như bao lời chúc tụng nhân dịp lễ nghi, lại cứ thấy khách sáo, xa lạ. Muốn đến thăm nhiều lúc còn ngại ngùng, viện lý do này nọ. Một cái gì đó thiếu sót. Như một sự mặc cảm vì tài năng và đức hạnh chưa xứng với công ơn dạy dỗ... Chỉ nghĩ rằng như bao bậc cha mẹ, nước mắt chảy xuôi, lại gắng lo cho cho gia đình, dạy dỗ con cái, cố sống tốt... là quà tặng mà người học trò ngày xưa có được dâng tặng thầy cô, giống như các thầy cô lo cho trò mà không nghĩ ngày đền đáp. Mỗi ngày đi làm đều qua lối vào cổng trường, tôi hay nhìn vào đó. Ngôi trường đã khác, không còn bóng dáng thầy cô xưa, chỉ có trong tâm hồn nỗi buồn man mác. Nhớ tất cả, nhớ bạn cũ, nhớ thầy cô, và nhớ nhiều cảm xúc được các thầy cô nâng niu, vun trồng thành nhân cách hôm nay.
Thảo Dung
(Kính tặng các thầy cô nhân Ngày 20-11)