Vĩnh biệt nhà báo Trần Thanh Phương: Về nhà mình xa quá, má ơi!

Thứ hai, 10/02/2020 12:41

"Về nhà mình xa quá, Má ơi!", nhà báo Trần Thanh Phương- nguyên Phó tổng biên tập kiêm Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam báo Đại Đoàn Kết đã mở ra một con đường về quê, về với mẹ thật ấm áp, rưng rưng... và bây giờ với anh nhà mình xa thật xa. Bạn bè đồng nghiệp tiếc thương một con người tài hoa. Báo Công an TP Đà Nẵng mất đi một cộng tác viên cho những trang báo xuân ấm  áp ở phía Nam, một nhà báo lúc nào cũng nặng tình với mảnh đất Quảng Nam, Đà  Nẵng và những đồng đội ở chiến trường khu V.

Nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng sách cho độc giả.

Nhà báo Trần Thanh Phương, sinh năm 1940 ở Đường Cày, Cái Nước, Cà Mau. Ông đã từng công tác ở báo Nhân dân, Giải Phóng... và sau này là Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện phía Nam báo Đại Đoàn Kết cho đến khi nghỉ hưu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện 115 hồi 12 giờ ngày 7-2-2020 sau một thời gian lâm bệnh.

Mới đây, tại buổi họp mặt chào xuân mới 2020 của Hội Nhà báo Việt Nam ở phía Nam anh đến dự, dáng đi chậm chạp  nhưng vẫn  nở nụ cười nhẹ nhàng và vui cùng đồng nghiệp trong ngày xuân mới. Mọi người đều quý mến và trân trọng đức độ, tài năng, từng trải và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động báo chí. Bởi với giới báo chí khu vực phía Nam, anh không chỉ là một kho tư liệu quý giá về một phóng viên miền Nam trên đất Bắc trong những năm chiến tranh ác liệt, mà còn là người luôn trân trọng từng tác phẩm báo chí, cắt dán và lưu lại thành những tập tư liệu đồ sộ, đến nay còn hơn 30 tác phẩm là những tư liệu lịch sử quý giá để lại cho hôm nay . Trong đó có tác phẩm với hàng ngàn bài báo về "Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam" được anh tặng và  lưu giữ tại nhà trưng bày Hoàng  Sa  thuộc UBND H. Hoàng Sa, TP Đà Nẵng.

Căn nhà nhỏ của anh ở P. 10, Q. 3 (TPHCM) luôn là nơi đón tiếp rất nhiều nhà báo trẻ đến để học hỏi về kinh nghiệm làm báo. Ở đây, nhiều nhà báo trẻ tha hồ ngập lặn trong kho tư liệu mà anh tích cóp nhiều năm cầm bút, được anh tận tình hướng dẫn để trưởng thành. Vẫn với cốt cách giản dị của dân miệt vườn, nhà báo Trần Thanh Phương luôn gần gũi với mọi người, lúc nào anh cũng nở nụ cười tươi đón tiếp anh em bạn bè viếng thăm mỗi khi có dịp bằng tất cả tấm lòng của người con đất phương Nam.

Có thể nói, cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Thanh Phương hết sức sôi nổi qua những chặng đường lịch sử của cách mạng Việt Nam cũng như trong giai đoạn phát triển của đất nước. Không những thế nhà báo Trần Thanh Phương còn để lại nhiều cảm xúc trong tình cảm bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc những tác phẩm ấn tượng, những công trình báo chí đồ sộ, là  nhà báo duy nhất của đất nước dành trọn đời mình để làm những công việc mà không thể ai có thể thực hiện suốt đằng đẵng nhiều năm đó là cắt dán và lưu lại những bài báo. 

Một nhà báo đã nhận định rằng, cái cốt cách của nhà báo Trần Thanh Phương có lẽ thể hiện rõ trong tác phẩm "Về nhà mình xa quá, Má ơi!". Ở đây, nhà báo Trần Thanh Phương như mở ra một con đường về quê, về với mẹ thật ấm áp, rưng rưng... Với chất văn mộc mạc như chính cọng rau đồng, con ba khía và thật như nỗi nhớ mẹ vẫn thao thức đêm đêm: "Trời ơi, làm sao tôi quên được. Con cá, cọng rau kia đã nuôi tôi lớn lên. Một thời tôi đã dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng câu cá, hái rau... Mùi vị ngọt ngào của rau, cái lạnh của mưa gió trên đồng, tôi còn nhớ nguyên hết", "Về quê, mệt nhất và cũng vui nhất là đi thăm bà con, cô bác. Mỗi nhà chỉ ghé vài mươi phút, nhưng không đi không được"...

Có lần, Trần Thanh Phương kể rằng: "Cách đây hơn 20 năm, một lần vượt hơn 400 cây số bằng đường bộ và đường sông về thăm má ở tận mũi Cà Mau. Vừa đặt ba lô xuống, tôi than: "Về nhà mình xa quá, má ơi! Con đi gần hai ngày mới tới". Má tôi thoáng buồn nói: "Mồ tổ mày, tại con đi xa chớ nhà mình đâu có xa. Từ trước tới giờ nhà mình vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Má sanh con cũng tại căn nhà này...".

Qua những bài viết về mẹ, về quê hương vùng đất phù sa bán đảo Cà Mau, Trần Thanh Phương đã nói hộ những tuổi thơ bùn đất, để bất cứ ai cũng thấy lòng rưng rưng khi nhớ về. Bằng sự mộc mạc, giản dị và đầy ân tình, "Về nhà mình xa quá, Má ơi!" đánh thức những ký ức thiêng liêng và gần gũi...

Trong sự nghiệp hơn 40 năm làm báo, nhà báo Trần Thanh Phương viết hơn 1.000 bài báo và xuất bản 33 cuốn sách về văn học nghệ thuật, khảo cứu, hồi ký và sưu tầm biên soạn. Đặc biệt, trong thời gian hơn 40 năm ấy, nhà báo Trần Thanh Phương và phu nhân là bà Phan Thu Hương đã sưu tầm 650 hình ảnh, bút tích các nhà thơ, nhà văn, được trích chọn trong 700 chân dung và bút tích nhà văn nước ta và cắt báo dán hơn 200 tập tư liệu báo chí.

Những bộ sưu tập của nhà báo Trần Thanh Phương có giá trị trên nhiều lĩnh vực, mang nội dung về lịch sử oai hùng, đất nước tươi đẹp; con người Việt Nam cần cù, thông minh; các hoạt động cách mạng nổi tiếng của Việt Nam; những tấm gương sáng của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; những người làm công tác khoa học, văn học nghệ thuật nổi tiếng và cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, bộ sưu tập cũng giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân tộc, những ngành nghề truyền thống; những vụ thiên tai lớn ở nước ta và trên thế giới...

Nhà báo Trần Thanh Phương là người được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietBooks) xác lập 3 kỷ lục, gồm: "Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam", "Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam" và "Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam".

Chiều muộn ở cơ quan chúng tôi nhận hung tin nhà báo Trần Thanh Phương đã ra đi. Dẫu biết rằng quy luật "Sinh- lão- bệnh -tử" là lẽ thường của cuộc đời, nhưng không khỏi đau lòng và xót thương một người anh, một đồng nghiệp dành trọn một cuộc đời cho sự nghiệp báo chí, một tấm gương sáng về đạo đức người làm báo, một cuộc đời với nhiều nỗi ưu tư về số phận khi anh ra đi chỉ còn lại một người duy nhất trong gia đình là chị Thu Hương, người đã cùng anh đi qua những tháng năm.

Xin vĩnh biệt nhà báo Trần Thanh Phương!

MAI PHÚC