Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Trần Từ Duy: Chàng “Đông Ki Sốt” đa tình!
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, làng thơ Việt lại bùi ngùi tiễn đưa một nhà thơ về miền miên viễn. Nhà thơ Trần Từ Duy tên khai sinh là Trần Văn Lĩnh, được nhiều người biết đến với bút danh Đông Ki Rét với các tiểu phẩm trào phúng trên báo Tuổi trẻ vào những thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông còn là một nhà thơ đầy sáng tạo, nội lực. Tuy không để lại nhiều tác phẩm nhưng thơ của ông luôn là một tâm hồn sống động ẩn sau những con chữ huyền bí, ma thuật.
Nhà thơ Bùi Giáng và Trần Từ Duy (bìa phải) cùng bạn bè văn nghệ sĩ. |
Ở tuổi 57, nhà thơ Trần Từ Duy đã sống và phiêu du qua hết những miền đất của cuộc đời bằng tâm hồn người nghệ sĩ với nụ cười khảng khái trong con người luôn khát khao được sống, được thể nghiệm. Một nhà thơ, một cây bút biếm của Tuổi trẻ cười cái tên Đông Ki Rét đã trở nên quen thuộc với bạn đọc gần xa. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng giữa ông và nhà thơ Bùi Giáng-người lúc sinh thời luôn hóm hỉnh gọi ông là “Duy Từ Trần”, còn có một điểm chung là được sinh ra và lớn lên trên quê hương Duy Xuyên, Quảng Nam, miền đất nổi tiếng với dòng sông Thu êm đềm, là chiếc nôi nuôi lớn tâm hồn nhiều nghệ sĩ.
Giống như chàng hiệp sĩ xứ Mantra Đông Ki Sốt, Trần Từ Duy và Bùi Giáng đều là những nhà thơ mang bản sắc ngông nghênh, ngạo đời. Nếu bạn đọc đã quen thuộc với những vần thơ điên của thi sĩ họ Bùi ắt hẳn sẽ vô cùng thích thú khi bắt gặp một tâm hồn “tĩnh trong động” của Trần Từ Duy trong tập thơ đã làm nên tên tuổi của ông “Kẻ đa tình”.
“Khi ta mở trang kinh
Em hiện về con chữ
Xua em ta niệm chú
Em biến thành âm thanh
Ta thiền định vô thanh”
Anh từ vô lượng ngóng
Ngày không như mọi ngày
Lòng anh thành hoa trái
Thơm lừng cùng cỏ cây”.
Chàng “Đông Ki Sốt” rời quê hương, nhà cửa chỉ lên đường với trái tim nhiệt huyết và bầu máu nóng. Giấc mơ trở thành hiệp sĩ không thôi ám ảnh chàng, với lòng quả cảm chàng đã chiến đấu cho khát vọng của nhân loại và cũng là đấu tranh cho chính bản ngã của mình... Câu chuyện ấy đã trở thành tác phẩm kinh điển trong nền văn học thế giới. Và có lẽ ở ta, ngay trên miền đất cạnh dòng sông Thu cũng đã có 2 chàng “hiệp sĩ” cũng đã hành hương trên con đường của riêng mình. Cuộc hành trình ấy có thể là đơn độc nhưng cũng đầy thi vị. Cũng mái tóc dể dài quá vai, cũng một lối suy tư kỳ dị trong thơ và đời, cũng một cách sống không giống ai, họ đã dạo chơi trong cuộc đời và trên dòng sông thơ mặc nhiên chảy. Thế nhưng, khác với bề ngoài, đọc thơ của Bùi Giáng ta nhiều phen phải sững người bởi sự tỉnh táo của ông trước vạn vật.
Tương tự, trong “Kẻ đa tình”, Trần Từ Duy cũng đặt mình vào một hoàn cảnh “luyến ái” để rồi tự vấn mình, chắt lọc lấy cái tinh túy nhất trong cơn say đời, say tình. Gần 2 thập kỷ qua kể từ khi nhà thơ Bùi Giáng qua đời, đã có nhiều công trình khảo cứu nghiên cứu những tác phẩm của ông thế nhưng những bí ẩn về “thơ và đời” của ông vẫn còn là niềm suy tư với nhiều bạn đọc. Còn đối với nhà thơ Trần Từ Duy, chàng Đông Ki Rét vẫn còn mới lắm khi những câu chuyện trào phúng của ông vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội hiện đại. Một cánh hạc nữa đã về trời, chỉ còn những vần thơ ở lại. Có lẽ, những chàng "Đông Ki Sốt" đã tìm về với nhau ở quê nhà xứ Quảng. Họ ngồi lại cùng ngẫm về hành trình đã qua, về cuộc đời phù du nhưng vô cùng đẹp đẽ mà họ đã đi qua.
Hà Dung