Vinh danh những sáng tạo công nghệ “Made in Danang”
Lần đầu tiên tham dự song Trung tâm vi mạch Đà Nẵng (Centic) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã vinh dự nhận được 2 giải Ba của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) 2018. Đây là giải thưởng sáng tạo công nghệ uy tín hàng đầu Việt Nam, vì thế vinh dự của Centic cũng là tin vui với cộng đồng hoạt động công nghệ Đà Nẵng. Lễ trao giải vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 14-5.
Ông Đức nhận giải thưởng Vifotec 2018 và trạm quan trắc nước mặt tại hồ Công viên 29-3. |
Cả hai sản phẩm đạt giải của Centic đều có giá trị ứng dụng cao và đã được kiểm nghiệm thực tế tại Đà Nẵng. Trong đó, sản phẩm Hệ thống quan trắc môi trường nước mặt đã được lắp đặt ở nhiều vị trí sông, hồ, các khu vực “nhạy cảm” về môi trường. Ông Nguyễn Hoài Đức, Giám đốc Centic cho biết, sản phẩm này được nghiên cứu từ 3 năm trước trong điều kiện khó khăn về kinh phí, linh kiện đầu tư tốn kém, môi trường nghiên cứu trong nước chưa phát triển (chưa có các sản phẩm nghiên cứu nền tảng kế thừa hay đội ngũ nhà khoa học trao đổi, hỗ trợ). Do vậy, đội ngũ của Centic phải làm từ đầu, qua rất nhiều lần hiệu chỉnh, cải tiến mới cho ra sản phẩm hoàn thiện về tính năng như hiện nay.
Theo ông Đức, ở nước ta hiện chủ yếu dùng hệ thống quan trắc ở các cửa xả KCN, còn quan trắc trên mặt nước như sông, hồ, biển phức tạp hơn. Thường trên mặt nước người ta phải chèo thuyền ra lấy nước mặt làm mẫu hoặc dùng ống dẫn vào (khó cho kết quả chính xác do thông số lý hóa qua đường ống đã thay đổi). Trên thế giới nhiều đơn vị cũng sản xuất sản phẩm trạm quan trắc nước mặt, nhưng giá thành khá cao, khoảng 5 tỷ đồng/trạm. Môi trường nước mặt ở nước ta ngày càng bị tổn thương, ô nhiễm, cần quan trắc thường xuyên, nhưng nếu mua sản phẩm từ nước ngoài rất đắt đỏ lại cần số lượng nhiều. Với trạm quan trắc nước mặt của Centic sáng tạo ra có giá thành chỉ bằng một nửa sản phẩm nhập ngoại song chất lượng tương đồng, chưa kể có một số tính năng nổi trội do được nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Ngoài ưu việt về kinh tế thì lợi ích lớn hơn theo ông Đức đó là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, mình làm chủ công nghệ, có thể cải tiến mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa để sử dụng lâu dài. Ngược lại, nếu mua một trạm quan trắc của nước ngoài sẽ như một sản phẩm đóng gói, chi phí rất cao, chỉ biết bật lên và sử dụng, khi có sự cố, hỏng hóc phải nhờ chuyên gia nước ngoài, rất bị động.
Trạm quan trắc nước mặt của Centic được cấu tạo gồm tấm pin năng lượng mặt trời phía trên sẽ nạp điện vào hệ thống ắc quy phía dưới đủ điện năng dùng cho 20 ngày trong trường hợp bão gió, không có ánh nắng. Các thiết bị điện tử cũng được sử dụng siêu tiết kiệm năng lượng. Hệ thống phao, neo trạm quan trắc được nghiên cứu, thiết kế không bị sóng đánh trôi, chìm ngay cả khi bão tố. Các thông số kỹ thuật về môi trường nước mặt thu được sẽ tự động chuyển liên tục về Trung tâm điều hành bằng tín hiện không dây 3G.
Tại Đà Nẵng hiện có 7 trạm quan trắc nước mặt đã được lắp đặt và hoạt động ổn định như ở hồ công viên 29-3, hồ Thạc Gián, hồ Bầu Tràm... Ông Đức nói, các trạm quan trắc này không chỉ đo đếm thông số môi trường mà còn có tính năng phát hiện, cảnh báo, thống kê về môi trường. Chẳng hạn ngồi tại trung tâm có thể theo dõi môi trường nước mặt ở các điểm, nếu có những chỉ số môi trường bất thường sẽ lập tức kiểm tra, tìm nguyên nhân, không loại trừ có trường hợp xả thải trộm ra môi trường. Tương tự, việc quan trắc thống kê trong nhiều tháng, nhiều năm sẽ phát hiện ra quy luật mặt nước đó có xấu đi hay không, bị tác động bởi yếu tố gì, từ đó đưa ra giải pháp... Đây là sản phẩm khoa học phục vụ cho môi trường, vì cuộc sống người dân, vì thế ông Đức cũng mong muốn các DN tham gia về lĩnh vực môi trường với TP sử dụng sản phẩm nhiều hơn. Năm trước, Trung Nam Group đã tài trợ cho Đà Nẵng 8 trạm quan trắc thế này.
Một sản phẩm khác của Centic cũng vừa đạt giải Vifotec là Hệ thống tường lửa dùng trong các hệ thống thông tin lớn kết nối mạng Internet như các cơ quan nhà nước, ngân hàng, sân bay, doanh nghiệp... Thiết bị này được đặt ngay cổng vào hệ thống không gian mạng của các cơ quan, doanh nghiệp, có tác dụng bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống hoạt động thông suốt, ngăn chặn thông tin xấu thâm nhập, phá hoại. Quá trình cho ra sản phẩm này được 6 chuyên gia điện tử và công nghệ thông tin của Centic nghiên cứu thực hiện trong 4 năm. Hiện có một số đơn vị đã sử dụng sản phẩm tường lửa này, nổi bật như Trung tâm phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng. Ông Đức cho biết, giá thành của hệ thống tường lửa do nước ngoài sản xuất từ 100 triệu- 2 tỷ đồng (tùy theo tính năng), còn giá sản phẩm tường lửa của Centic rẻ hơn, và quan trọng hơn là người Việt làm chủ công nghệ. Nếu trong nước không sản xuất được các hệ thống tường lửa thì an ninh trên không gian mạng giao hết cho ngước ngoài (mua sản phẩm của họ) là điều rất nguy hiểm.
Centic là cơ sở nghiên cứu tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nổi bật của Đà Nẵng, đã cho ra đời hàng chục sản phẩm công nghệ “Made in Danang” mang tính ứng dụng thiết thực. Theo ông Đức, để phát triển Đà Nẵng thành đô thị công nghệ hiện đại, thành phố thông minh như định hướng thì TP cần tạo cơ chế hỗ trợ phát triển DN tại chỗ, bởi họ chính là linh hồn của cách mạng 4.0. Việc hỗ trợ trước hết là đặt hàng sản phẩm công nghệ, như vậy đảm bảo nguồn lực cho DN nghiên cứu công nghệ hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đồng thời TP cũng giữ chân được đội ngũ chuyên gia nghiên cứu tại chỗ phục vụ lâu dài. Ngoài ra với môi trường sống tốt, Đà Nẵng hoàn toàn có thể phát triển các đại học công nghệ hàng đầu cả nước để bổ sung nguồn nhân lực cho DN công nghệ cao khi vào Đà Nẵng.
HẢI QUỲNH