Võ Mèo ở Đà thành

Thứ ba, 17/01/2023 10:24
Cũng như nhiều loài vật khác, Mèo là nguồn cảm hứng để các bậc danh võ sáng tác ra các bài quyền, đòn thế, tấn pháp, hay đặt tên cho môn phái. Đà Nẵng quy tụ hai môn phái võ Mèo: Thiếu Lâm Bạch miêu phái và Thiếu Lâm Hắc miêu phái, làm cho nền võ thuật đất Đà thành thêm đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Võ sư Hà Túc Li (Chưởng môn Thiếu Lâm Quyền thuật Hòa Quang phái) biểu diễn Miêu công quyền.
Võ sư Hoàng Bá Dũng (Thiếu Lâm Bạch miêu phái) biểu diễn đòn thế Miêu trảo công.

Thiếu Lâm Bạch miêu phái

Năm 1820, nhiều quan lại triều đình Trung Quốc bị thất thủ chạy đến huyện Triều Châu. Họ vào ngôi miếu tên “Tứ linh miêu” có thờ Đạt Ma sư tổ và bốn con mèo ở dưới đế chân viền của bàn là Bạch miêu, Hoàng miêu, Hắc miêu, Tam thể. Họ lấy tên Bạch Miêu đặt cho môn phái mình và xin xăm để chứng nghiệm.

Tất cả mọi việc đúng như họ cầu xin và và môn phái Thiếu Lâm Bạch Miêu ra đời từ đó. Thời gian sau một số người trong này mất dần. Năm 1919, những người cao tuổi ở lại duy trì việc hương hỏa, lớp trẻ sang Việt Nam sinh sống. Nơi đặt chân đầu tiên của họ ở Việt Nam là kinh đô Huế rồi lan dần đến Đà Nẵng, Hội An.

Năm 1919-1940, những minh sư truyền bá lại y học và võ học tại Đà Nẵng, Hội An có thể đến: Quách Trịnh Thạch, Diệp Thế Phùng, Quách Mạnh Ôn, Miêu Khả Diệp, Thạch Chí Mìn… Đến năm 1956, một số minh sư chuyển vào vùng Chợ Lớn - Sài Gòn dạy tại bến Hàm Tử (Chợ Lớn). Ở Non Nước (Đà Nẵng), những minh sư chịu trách nhiệm giảng dạy là Quách Tịnh Khả, Quách Mạnh Hà, Lâm Quang Phướng, Quách Trịnh Thạch. Các môn sinh ăn học được Thượng tọa Thích Pháp Nhãn đỡ đầu.

Hiện nay, hầu hết các môn sinh đều thất lạc hoặc qua đời, còn lại võ sư Hoàng Bá Dũng trú tại Đà Nẵng với cấp bậc bạch đai. Võ sư Dũng là người tàn tật, mất cả hai chân. Những bài quyền, công phu đặc trưng của môn phái là Bạch miêu quyền, Miêu trảo công, Thập bát thức, Trảo công quyền, Khinh công, Uyển công, Tâm pháp. Hệ thống đẳng cấp môn phái của môn phái bao gồm các màu: đen, nâu, xanh, đỏ, trắng.

Võ sư, Đại đức Thích Minh Thắng (Thiếu Lâm Hắc miêu phái) biểu diễn công phu của môn phái.

Thiếu Lâm Hắc miêu phái

Thiếu Lâm Hắc miêu phái có nguồn gốc từ Quảng Châu (Trung Quốc) do Đức Sơn thiền sư sáng lập. Môn phái này được biết đến ở Việt Nam do thầy Bạch Long Sơn ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, sau đó ở chợ An Đông, Sài Gòn.

Những bài quyền đặc trưng của môn phái này gồm: Trường đoản miêu sơn, Hắc miêu sơn, Miêu hoa quyền và Miêu phốc ly sơn. Các thế tấn đặc trưng là Long tấn, Miêu tấn, Hạc tấn, Vĩ tấn. Võ khí đặc trưng: Trường côn, đoản côn. Thiếu Lâm Hắc miêu phái dựa vào Long tấn làm bộ pháp, bộ bông làm thủ pháp, dùng nhãn pháp chế ngự mọi hoạt động. Võ phục của môn phái là màu đen, định 5 màu đai theo thứ tự: đà, xanh, vàng, đỏ, hồng. Ngày nay, đai cao nhất màu hồng đổi lại thành màu trắng cho phù hợp với võ cổ truyền.

Môn phái được biết đến tại Đà Nẵng do Đại đức Thích Minh Thắng, tên thật Nguyễn Trần Hoàng Hải, biệt danh Hải Vân Sơn truyền dạy.

Võ sư Hà Túc Li (Chưởng môn Thiếu Lâm Quyền thuật Hòa Quang phái) biểu diễn Miêu công quyền.

Miêu công quyền, bài quyền trứ danh của Thiếu Lâm Quyền thuật Hòa Quang phái

Tích xưa kể lại, nhờ sự tình cờ ngẫu nhiên quan sát sự chiến đấu sinh tồn giữa mèo và rắn, các bậc danh sư môn phái Thiếu Lâm Quyền thuật Hòa Quang đã sáng tạo ra bài quyền có tên gọi: Miêu công quyền.

Công pháp của bài quyền này được mô tả như sau: Để đối phó với đòn tấn công của rắn, mèo sẽ nghiêng mình né tránh và dùng đòn trảo tạt ngang vào mặt rắn hơi chếch từ trên xuống; đồng thời sử dụng bộ móng vuốt để xé nát đầu địch thủ. Bài quyền này đánh theo kiểu “dương Đông, kích Tây” thấy đấy mà không đỡ được; các động tác dẻo dai, uyển chuyển (nhu) nhưng tiềm ẩn công lực vô cương.

Theo Võ sư chưởng môn Hà Túc Li, bài Miêu công quyền của Thiếu Lâm Quyền thuật Hòa Quang phái dành cho các võ sinh đã tập luyện trên một năm rưỡi. Bài quyền này có 36 thức, thi triển chỉ trong 1 phút, nhưng nó mang tính cương nhu phối triển với đủ các bộ tràn, hoành, hụp, lặn, lách, bổ, bung… thể hiện đủ các điệu bộ của con mèo cùng với thủ pháp 5 ngón trảo để xuất chiêu.

Thanh Hải