"Với tôi, tiếng Nga, văn hóa Nga đã thấm vào máu"

Thứ năm, 12/11/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Có lẽ vì từng gắn bó 7 năm phổ thông học Tiếng Nga, nên khi gặp cô Vũ Thanh Tâm - Phó Trưởng khoa Tiếng Nga Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), người đoạt 2 giải thưởng tại cuộc thi Quốc tế lần III "Giáo viên giỏi ngôn từ Nga ở nước ngoài" tổ chức tại thủ đô Moscow (Nga) cuối tháng 10 vừa qua, tôi đã có cảm giác thân quen, ấm áp. Phong cách giản dị của cô tạo cảm giác thoải mái cho người đối diện.

Vượt qua hơn 600 ứng cử viên đến từ 60 quốc gia trên thế giới để lọt vào vòng chung kết (15 thí sinh), có thể nói, 2 giải thưởng: "Nghệ thuật thuyết phục" và "Văn hóa lời nói" là phần thưởng xứng đáng dành cho người giảng viên cống hiến lặng thầm suốt 30 năm qua, kể từ khi Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng thành lập đến nay...

Nói về cái duyên gắn bó với tiếng Nga, cô Thanh Tâm bộc bạch: "Với tôi, Tiếng Nga, văn hóa Nga đã thấm vào máu". Với cô, Tiếng Nga từ lâu đã trở thành ngôn ngữ thứ 2, sau tiếng mẹ đẻ. Tôi đã đọc được tình yêu đó trong đôi mắt của cô giáo gốc Hà Nội này.

Cùng học trò, cô Vũ Thanh Tâm đang trang trí cây bạch dương cho lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Cuộc thi "Giáo viên giỏi ngôn từ Nga ở nước ngoài" do Cơ quan hợp tác Liên bang về cộng đồng các quốc gia độc lập, kiều bào ở nước ngoài và Hợp tác nhân văn quốc tế (Cơ quan hợp tác Liên bang Nga) phối hợp tổ chức thường niên từ năm 2013. Đến nay, Việt Nam có 2 giảng viên đạt giải quốc tế này. Tham gia cuộc thi này, các giáo viên, giảng viên đến từ các nước có dạy tiếng Nga, giáo viên ở nước ngoài sử dụng tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ hoặc như là ngôn ngữ thứ 2, phải trải qua 2 vòng thi: Vòng 1 thi online qua mạng bằng 1 bài test (1,5 tiếng) và 2 bài luận. BGK sẽ chọn ra 15 thí sinh xuất sắc nhất để tranh tài tại vòng chung kết được tổ chức tại Moscow. Ở vòng thi này, thí sinh sẽ trình bày đề tài (thi nói) trước BGK với chủ đề do BTC đưa ra. Năm nay, chủ đề vòng chung kết gồm: "Học sinh của tôi và những cuốn sách tôi đọc" và "Người Nga trong văn học Nga".

Cô Thanh Tâm cho biết, dù cùng một chủ đề nhưng mỗi thí sinh đều có cách trình bày khác nhau, không ai trùng lặp ý bởi nội dung đề tài rộng và mở. Sự giới hạn về thời gian (7 phút trình bày) là một trong những yếu tố quan trọng, buộc thí sinh phải biết chọn lựa chủ điểm để phần thuyết trình thể hiện được chủ đề do BTC đưa ra mà không "cháy" giáo án. Cô đã chọn chủ điểm thuyết trình phần thi của mình là: "Làm thế nào để dạy - học ngoại ngữ trong điều kiện thiếu môi trường tiếng".

Nhờ biết chắt lọc tinh tế,  không ôm đồm, toát lên được chủ đề cần trình bày, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo viên, giảng viên trong việc làm sao để SV-HS học ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Nga) đạt hiệu quả, phần thuyết trình của cô đã chinh phục được BGK. Trong phần thuyết trình 7 phút này, cô nhấn mạnh đến vai trò của việc đọc sách- văn hóa đọc sách trong HS-SV. Theo cô, giáo viên, giảng viên phải là người định hướng, tư vấn cho HS-SV trong việc đọc sách, hình thành dần dần trong các em thói quen đọc sách bằng thứ tiếng đang theo học. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn chú trọng đến vấn đề hướng dẫn, gợi mở cho SV phương pháp đọc sách, trước hết để cảm nhận, tiếp nhận thông tin, từ đó dần dần tạo thói quen đọc sách ngoại ngữ để lấy kiến thức. Đồng thời, xác định cho SV phải xem ngôn ngữ (tiếng Nga) là phương tiện để tiếp nhận thông tin.

Cô Thanh Tâm trăn trở về văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay, trong đó có SV: "Sách viết bằng tiếng mẹ đẻ các em còn chưa mặn mà, huống gì là sách tiếng nước ngoài. Không dễ gì hướng các em trong vấn đề đọc sách. Để HS-SV thích và có đam mê, thích đọc sách, giáo viên, giảng viên phải là người có một vốn đọc sách, kiến thức...". Cũng theo cô Tâm, một thói quen có từ thời phổ thông của đa phần bạn trẻ hiện nay là không đọc trọn vẹn văn bản, chỉ đọc bản tóm tắt tác phẩm cần học để lấy điểm, nên lúc lên ĐH, việc buộc phải đọc toàn bộ văn bản tác phẩm bằng tiếng nước ngoài không phải SV nào cũng thích ứng ngay được. Vì thế, việc định hướng, tư vấn của giảng viên trong đọc sách ngoại ngữ rất quan trọng.

Theo cô Tâm, để học tốt ngoại ngữ, đặc biệt Tiếng Nga, người học phải "chiến thắng" được tâm lý, đừng nghĩ môn học này khó. Với Tiếng Nga, cô Tâm cho rằng, là thứ tiếng rất chặt chẽ về mặt ngữ pháp, buộc người học phải tư duy logic. Khi đã nắm chắc được ngữ pháp tiếng Nga, người học sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ này. Trật tự từ trong tiếng Nga tương đối thoải mái, chỉ cần nắm được quy tắc của nó, người học có thể thoải mái trình bày ý tưởng của mình. Chính sự thoải mái trong trật tự từ này đã làm tăng tính biểu đạt trong tiếng Nga rất cao, tạo nên hiệu quả về mặt văn phong.                   

Trò chuyện với chúng tôi, cô Tâm không thích nói về đời tư, chỉ cho biết mình gốc Hà Nội, cựu SV khóa 14 Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (khóa 1980-1985). Ngay sau khi ra trường, cô được Bộ GD-ĐT phân công vào công tác tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, trở thành một trong những giảng viên khoa tiếng Nga đầu tiên của trường này. 30 năm kể từ ngày Trường ĐH Ngoại ngữ thành lập là ngần ấy thời gian cô gắn bó với mảnh đất Đà Nẵng chân tình, mến khách.

Vào những năm tháng khoa tiếng Nga gặp khó khăn, như nhiều giảng viên dạy tiếng Nga khác, cô cũng có những năm tháng rơi vào tâm lý nản, nhất là khi nhìn thấy thế hệ SV thập niên 90 học tốt, ra trường không xin được việc làm đúng chuyên ngành. Nhưng nhờ tình yêu Tiếng Nga, tình yêu văn hóa và con người Nga, tâm lý đó dần dần cũng qua đi. Cô là một trong số những giảng viên khoa Nga thời ấy có văn bằng 2 tiếng Anh rất sớm.

Cô tâm sự, mỗi lần gặp lại những SV cũ giờ đã thành đạt ở một lĩnh vực chuyên môn khác, nhưng luôn tự hào vì từng là SV khoa Nga, luôn giữ trong mình ký ức đẹp về tiếng Nga, con người và văn hóa Nga, cô thấy như được tiếp thêm nguồn động lực. Đó là món quà quý giá để cô tiếp tục theo đuổi, truyền đam mê ngôn ngữ Nga, văn hóa, con người nước Nga thân thiện đến với các thế hệ SV.

P.Thủy