Vòng quay cối xay

Thứ năm, 14/04/2022 16:54
Tôi thường dậy rất muộn trong những ngày về quê, hôm nay cũng thế.
Cối xay một thời.
Cối xay một thời.

Cuộn mình tròn vo, mơ màng trong chiếc chăn len ấm nhẹ thoang thoảng hương thơm mùi chùm kết, mùi chanh từ mái tóc của má. Đến khi mặt trời xỏ những tia nắng vào mặt tôi mới tỉnh dậy hẳn. Ba má đi lên rẫy từ khi nào. Vốc gáo nước lạnh vào mặt, mát rượi, vừa tỉnh cả người đã thấy chảo cơm má rang sẵn, bên cạnh thau gạo má ngâm từ lúc nào. Mắt tôi sáng rực, dẫu không nhảy cẫng reo lên vì sung sướng mỗi khi được tin má ngâm gạo xay bột làm bánh như hồi còn bé nhưng trong tôi vẫn ồ lên ngạc nhiên, không khỏi thích thú. Tôi biết má đang cố chiều đứa con gái lâu ngày về thăm nhà rồi đây. Bởi từ nhỏ, tôi vốn thích các món bánh được má chế biến từ bột gạo.

Thiên đường tuổi thơ của chị em tôi là những món bánh dân dã, gắn liền với chiếc cối xay bột để trong chái bếp sau nhà. Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra trong gia đình thuần nông, bao năm xa quê sống nơi xứ người nhưng trong ký ức tôi, chiếc cối xay bột luôn là người bạn thân thiết. Những món bánh với tất cả tình thương yêu ba má dành cho chị em chúng tôi được bắt nguồn từ chiếc cối xay đó. Vào mùa gặt, chiếc cối càng phát huy tác dụng. Khi thì má xay bột làm bánh gói, thỉnh thoảng má lại hấp bánh bèo, bánh đúc, nhiều nhất bánh xèo... để đãi thợ gặt “ăn nửa buổi”. Có lẽ, một thời cối xay bột đã trở thành một nét văn hóa, một phần không thể thiếu trong đời sống người nông thôn quê tôi...

Tôi loay hoay tìm chiếc cối được má để ngay ngắn bên góc bếp rồi tranh thủ rửa sạch, tự tay xay bột để chờ ba má đi làm về. Bây giờ tôi mới biết chiếc cối xay nặng như thế nào. Xay chưa được phân nửa gạo mà đã mỏi nhừ cả cánh tay. Vậy mà mấy chị em chúng tôi ngày đó háu ăn lắm. Những chiếc bánh nho nhỏ, xinh xinh dẫu đã được xếp đầy thau mà chúng tôi vẫn cứ trách sao má không làm nhiều thêm nữa để thỏa cơn thèm thuồng. Biết thế nên mỗi khi làm bánh má phải xay một thau gạo lớn để làm bột. Thuở ban đầu cả xóm chỉ có một cái cối đá xay bột của nhà bác Bốn, hai má con phải băng qua ngã ba, rẽ vào con đường đất đỏ ngoằn ngoèo mới có thể đến nhà bác. Những hôm trời mưa, má đội chiếc nón cời xách gạo đi xay. Tôi mặc chiếc áo tơi, lon ton theo phụ má, vậy mà vui đáo để. Má chặt một cái bẹ chuối, lót chỗ cái miệng cối, rồi đều tay xay bột, còn tôi thì cứ đứng canh múc gạo, múc nước…

Nhìn dòng bột trắng tinh đang chảy từ cối xay xuống thau mà nhớ lời má dặn dò khi xưa: “Xay bột cũng như giữ hạnh phúc của gia đình mình, phải biết cách, kiên trì và khéo léo con à! Nắm cán cối sao cho không bị đau tay. Phải canh đủ nước, đủ gạo; dù mới xay hay đã gần xong cũng không được nôn nóng. Đặc biệt không dùng sức nhiều, phải quay nhịp nhàng, đều đặn nếu không bột sẽ bay tứ tung cả lên, hỏng chuyện hết!”. Đã hơn 10 năm rồi mà bây giờ khi đã lập gia đình, trải qua bao khó khăn, chông chênh trong cuộc sống tôi mới thấm thía lời dặn dò năm xưa của má. Chiếc cối cứ quay đều, quay đều theo vòng tay, từng giọt mồ hôi ướt đẫm trên vai, tôi càng thấy thương má...

“Xay làm gì vậy con! Để má sang nhà thím Năm, mươi phút là ra bột làm bánh. Làng mình giờ đã có vài ba chiếc máy xay bằng điện rồi con à!”. Lời má sau lưng làm tôi hốt hoảng giật mình, buông lỡ vòng quay, thoát khỏi dòng suy nghĩ.

Bây giờ, cuộc sống văn minh đang len lỏi vào từng ngõ ngách xóm thôn. Chao ôi, biết bao chiếc cối một thời cống hiến giờ chỉ nằm im lìm, thầm lặng một góc nhà. Chỉ có thời gian như thoi đưa, quay hoài không dừng lại, phủ mờ tất cả. Lại một lần nữa, tôi thầm cảm ơn má, đã giữ chiếc cối xưa, dù chỉ là vật kỷ niệm nhưng sẽ luôn là một phần không thiếu trong cuộc đời tôi.

PHAN THỊ THANH LY