VR/AR: Một sản phẩm công nghệ hay đang đối mặt bài toán thương mại hóa
Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D” trong Y học của Đại học (ĐH) Duy Tân đã nhận nhiều giải thưởng như giải Nhất lĩnh vực Công nghệ Thông tin (Nhân tài Đất Việt 2017), giải thưởng Sao Khuê (2018). Thế nhưng, dường như ứng dụng này đang bị quên lãng? Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng trao đổi với ông Lê Văn Chung - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (thuộc ĐH Duy Tân Đà Nẵng), đồng sáng tạo ứng dụng nói trên.
Ông Lê Văn Chung |
P.V: Xuất phát từ ý tưởng nào đội nhóm của ông xây dựng nên ứng dụng này? Và hiện ứng dụng đã áp dụng ở đâu trong thực tế?
Ông Lê Văn Chung: Ý tưởng của chúng tôi xuất phát từ thực trạng cơ sở vật chất các trường ĐH, Cao đẳng Y, Dược, Điều dưỡng không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. Một trong những yêu cầu cần thiết là xác người để học môn giải phẫu. Đây là môn học quan trọng nhất và xuyên suốt trong quá trình học. Các trường thường chữa cháy bằng cách cho SV học trên tranh ảnh, các phần mềm không có bản quyền hoặc mô hình nhựa plastic dẫn đến quá tải phòng thực hành và thiếu trực quan. Các xác người được ngâm trong bể formol thì khô đét, các chi tiết bị biến dạng do mổ thực hành quá nhiều, rất khó quan sát. Hơn nữa, qui trình bảo quản lại cực kỳ phức tạp. Từ đó, chúng tôi chợt lên ý tưởng mô phỏng thực tại ảo cơ thể người để có thể giúp cho sinh viên, học sinh nghiên cứu, mô phỏng các hệ cơ quan trong cơ thể cử động như thật... Chúng tôi giả lập các hệ cử động của các cơ quan giải phẫu cụ thể và có thể tương tác trực tiếp (xoay, ẩn, hiển thị, di chuyển, đánh dấu, diễn hoạt cử động,...) trong không gian 3 chiều qua máy chiếu 3D, kính 3D, các loại kính hỗ trợ VR (Virtual Reality) hoặc tương tác qua máy tính để bàn và xách tay, qua điện thoại thông minh và máy tính bảng. Hiện ứng dụng đã được đưa vào để giảng dạy cho sinh viên khoa y, khoa dược và điều dưỡng tại trường đại học Duy Tân từ năm 2015 đến nay và ở Phòng khám Đa khoa Pasteur - Clinic Pasteur DaNang (số 19- Nguyễn Tường Phổ, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) các bác sĩ sử dụng sản phẩm để tư vấn cho bệnh nhân đồng thời để huấn luyện nghề nghiệp cho các y bác sĩ thực tập nội trú.
P.V: Nhận thấy ứng dụng có khả năng hỗ trợ rất tốt cho ngành y vậy dường như sản phẩm vẫn không được chào đón?
Ông Lê Văn Chung: Đúng vậy! Trong y tế, phần mềm thực sự là công cụ cho các bệnh viện trong việc luyện nghề cho các bác sĩ mới ra trường, luyện nghề cho cán bộ tại các tuyến; áp dụng cho việc đào tạo bác sĩ, cán bộ y tế về nâng cao chuyên môn giải phẫu, hỗ trợ thực nghiệm các chuyên đề giải phẫu. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân, ở các bệnh viện việc tư vấn giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh của mình, giúp bệnh nhân an tâm và hiểu rõ tình trạng bệnh của họ, đặc biệt là trong các ca bệnh về chấn thương, chỉnh hình...
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng phần mềm ứng dụng trong ngành y tế còn có nhiều hạn chế, vẫn là mảng đang bị bỏ ngỏ, chưa có đầu tư nào thích đáng. Tương tự, những ứng dụng về mô phỏng trong chẩn đoán bệnh hoặc luyện nghề của các trường học và các trung tâm y tế rất ít. Trong khi đó, chúng tôi đang gặp khó khăn ở khâu thương mại hóa sản phẩm. Nhiều đơn vị sử dụng đánh giá cao, tuy nhiên vẫn xài phần mềm của nước ngoài không có bản quyền (Visible Anotomy, Human Anatomy Alat), hoặc ngại sử dụng công nghệ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy.
Chúng tôi thực sự cần nguồn vốn để phát triển các dự án khác trên cơ sở của dự án này như: mô phỏng mổ nội soi, mô phỏng các bệnh lý hay gặp ở Việt Nam hay mô phỏng bệnh nhồi máu cơ tim và phương án cấp cứu... Chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ của các cấp thẩm quyền trong việc thương mại hóa sản phẩm thông qua việc sử dụng các dự án của Việt Nam xây dựng mà không sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền; đồng hành và hỗ trợ vốn từ các quỹ Nghiên cứu khoa học để tiếp tục phát triển các dự án liên quan đến giáo dục và y tế để đưa sản phẩm vào ứng dụng và giảng dạy một cách rộng rãi tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cơ sở đào tạo y tế và các bệnh viện.
Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tại ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng và tương tác với hệ cơ thể người 3D” đã được Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược Huế đánh giá rất cao và hiện đang tiếp tục hợp tác cùng TS-BS Nguyễn Sanh Tùng - PGĐ Y Dược Huế, trưởng khoa giải phẫu học tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp hệ thống dữ liệu. Được biết, đây là sản phẩm duy nhất của Việt Nam về giải phẫu học có tính chuyên sâu. |
Nhóm dự án đang làm việc để mở rộng phần mềm. |
P.V: Nhóm dự án có dự định gì trong thời gian đến?
Ông Lê Văn Chung: Chúng tôi đang tiếp tục tìm các giải pháp để giải quyết các khó khăn trên. Dự kiến, đầu năm 2019, chúng tôi sẽ ra mắt sản phẩm mới dựa trên mô hình 3D thực tại ảo này, máy thực hành sơ cấp cứu người bị đuối nước, bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Đây là sản phẩm mang tính cộng đồng. Máy này sẽ được đặt ở các nơi trong thành phố, trường học. Mọi người có thể luyện tập, thực hành khả năng sơ cấp cứu một cách đúng, cần thiết và cơ bản nhất trước khi đưa người đến các trung tâm y tế. Và ứng dụng sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng ra nhiều hướng như: Tương tác với mô hình thông qua thiết bị phẫu thuật ảo, nội soi ảo, đo đạc các thông số ảo, điều trị với bệnh nhân ảo,... Mô phỏng các bệnh lý thường gặp và đặc biệt những bệnh lý chỉ có ở Việt Nam và Châu Á. Từ đó, giúp chẩn đoán hình ảnh tốt hơn. Cán bộ y tế quét các hình ảnh X-ray vào hệ thống tự động dựng lên các mô hình 3D để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán. Mô phỏng và dự đoán các bệnh từ việc quét các hình ảnh cắt lớp MRI, từ đó đưa ra các dự đoán sớm về bệnh lý để có cách phòng bệnh hợp lý. Mô phỏng các bệnh lý như: Nhồi máu cơ tim, thoát vị đĩa đệm, gãy tay chân, viêm ruột thừa,... và tác dụng của thuốc đối với cơ thể khi người bệnh uống thuốc và sự kháng thuốc với cơ thể người.
P.V: Cảm ơn ông về buổi trao đổi này!
LÊ ANH TUẤN (thực hiện)