Vụ 19 công nhân thắng kiện tại Đà Nẵng: Điểm cộng của công đoàn trong tình hình mới
(Cadn.com.vn) - Việc đại diện cho người lao động (NLĐ) khởi kiện và thắng kiện Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông (Cty CPXDCTGT) Đà Nẵng trong vụ việc Cty này ém tiền BHXH, trợ cấp thôi việc của NLĐ như một lời khẳng định về vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Đây rõ ràng là một cú hích, một điểm cộng để tạo niềm tin và khẳng định công đoàn là nơi đầu tiên mà công nhân nghĩ tới, tìm tới khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng nhóm cán bộ Ban Chính sách - Pháp luật |
Doanh nghiệp "ngắt" hết quyền lợi của công nhân
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, 19 nguyên đơn trong vụ án này là công nhân gắn bó lâu năm với Cty CPXDCTGT Đà Nẵng theo dạng hợp đồng không thời hạn. Trong thời gian qua, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ như: khám sức khỏe định kỳ, bảo hộ lao động, thi nâng bậc đều bị người sử dụng lao động ngó lơ. Đặc biệt, mặc dù hàng tháng họ bị trừ tiền BHXH theo lương nhưng từ năm 2012, Cty "ngắt" mà không đóng về BHXH khiến họ nợ bảo hiểm kéo dài. Giữa năm 2015, những công nhân thuộc diện này đã làm đơn xin thôi việc, báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Cty và chính thức bàn giao công việc sau 45 ngày, kể từ ngày thông báo theo quy định.
Qua nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng bất thành, ngày 6-11-2015, UBND Q. Cẩm Lệ đã họp giải quyết tranh chấp giữa NLĐ và Cty CPXDCTGT Đà Nẵng. Ngày 12-11-2015, trong kết luận về cuộc họp này, UBND Q. Cẩm Lệ yêu cầu Cty có ý kiến trả lời, giải quyết vụ việc trước ngày 17-11-2015. Tuy nhiên, sau ngày 17-11-2015, phía Cty chỉ giải quyết cho 6 trường hợp. Một tuần sau đó, tại buổi đối thoại giữa các công nhân và đại diện Cty có sự tham gia bảo vệ quyền lợi NLĐ của các cơ quan chức năng, cả hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Chính vì vậy, NLĐ đã làm đơn khởi kiện Cty lên TAND Q. Cẩm Lệ.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 22 và 23-6-2016, đại diện bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý cho 19 nguyên đơn là ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách- Pháp luật, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng, lập luận: Các nguyên đơn trong vụ án được tiếp nhận vào làm việc tại Cty theo hình thức HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 27-7-2015, các công nhân nói trên đã gửi đơn xin thôi việc đến lãnh đạo Cty. Tuy nhiên, sau 45 ngày kể từ ngày gửi đơn xin chấm dứt HĐLĐ, Cty không ra quyết định thôi việc, không chốt sổ BHXH và trả trợ cấp thôi việc. Việc NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ được quy định pháp luật cho phép theo khoản 3, Điều 37, Bộ luật Lao động. Cty không giải quyết các chế độ thôi việc đối với NLĐ là vi phạm khoản 2, 3 Điều 47 và Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012.
Tại tòa, ông Nguyễn Văn Phóng, một trong số 19 lao động, cho biết: Hàng tháng, Cty đều thu tiền BHXH của NLĐ qua lương mà không đóng cho cơ quan BHXH, không trang bị bảo hộ lao động, không tổ chức thi nâng bậc. Hầu hết NLĐ làm công việc khai thác đá, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng Cty không có chế độ bồi dưỡng, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
Đại diện Cty CPXDCTGT Đà Nẵng cho rằng, NLĐ phải thực hiện các cam kết, nghĩa vụ tài chính đối thì Cty mới ra quyết định thôi việc. Trong khi đó, đại điện Hội thẩm nhân dân đồng quan điểm với ông Trương Ngọc Hùng và NLĐ yêu cầu Cty ra quyết định thôi việc, chốt sổ BHXH và bồi thường các khoản trợ cấp thôi việc là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Từ đó, TAND Q. Cẩm Lệ đã ra phán quyết: Buộc Cty CPXDCTGT Đà Nẵng phải chi trả các khoản trợ cấp thôi việc cho 19 NLĐ theo Điều 42, Điều 48 Bộ luật Lao động, với tổng số tiền là 551.446.563 đồng. Tòa cũng yêu cầu Cty phải thực hiện chi trả BHXH cho NLĐ, ra quyết định thôi việc để cơ quan BHXH chốt sổ BHXH cho NLĐ, chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ông Trương Ngọc Hùng (hàng trước, thứ hai từ trái qua) và cán bộ Ban Chính sách- Pháp luật của LĐLĐ TP đại diện cho NLĐ tại phiên tòa. |
Phải đi tới cùng với người lao động
Theo ông Trương Ngọc Hùng, đây là lần thứ 2 tổ chức công đoàn của TP Đà Nẵng đứng ra đại diện cho NLĐ khởi kiện doanh nghiệp khi quyền và lợi ích của NLĐ bị vi phạm nghiêm trọng. Nhưng so với lần đầu tiên, đây là vụ án phức tạp hơn nhiều vì đã có tới hơn 10 lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Luật BHXH, lao động là lĩnh vực khó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. "Là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, chúng tôi vui mừng vì đã làm tròn trách nhiệm, củng cố niềm tin ở NLĐ đối với tổ chức công đoàn", ông Hùng tâm sự.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho rằng: "Trong việc đảm bảo môi trường lao động hài hòa, ổn định thì khởi kiện doanh nghiệp là biện pháp cuối cùng, không ai mong muốn. Nhưng khi quyền lợi của người lao động bị xâm hại, không thể tìm được tiếng nói chung nữa thì trách nhiệm của công đoàn là phải sát cánh cùng đoàn viên. Đây không phải là lần đầu công nhân khởi kiện và thắng kiện người sử dụng lao động, nhưng là vụ việc mà bên đại diện cho các nguyên đơn là Ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ TP Đà Nẵng đã đi tới cùng vì quyền lợi của công nhân".
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng vào ngày 29-6-2016, ông Bùi Văn Cường- Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của nhóm cán bộ Ban Chính sách- Pháp luật của LĐLĐ TP Đà Nẵng trong việc hỗ trợ pháp lý, đại diện cho NLĐ khởi kiện DN khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Ông Cường cũng cho hay, để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ công đoàn, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có những hướng dẫn cụ thể về quy trình hòa giải cũng như trình tự để các cấp đại diện NLĐ khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT và kinh phí công đoàn.
Đông A